Cầu truyền hình “Dáng đứng Việt Nam“: Những câu chuyện đặc biệt chưa kể! 

Tối 26.7, Cầu truyền hình trực tiếp “Dáng đứng Việt Nam” nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947-27.7.2017) được tổ chức tại 4 điểm cầu tượng đài Bắc Sơn (Hà Nội), Khu di tích lịch sử quốc gia 27.7 (Thái Nguyên), Thành cổ Quảng Trị và Bến Dược - Củ Chi (TP.HCM).

Đây là một trong những chương trình đặc biệt được thực hiện nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7).

Tham dự chương trình tại điểm cầu Hà Nội có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành Trung ương và Hà Nội.

Tại thị trấn Hồng Sơn, huyện Đại Từ, Thái Nguyên có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Dân vận TƯ Trương Thị Mai, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cùng lãnh đạo các ban ngành Trung ương và tỉnh Thái Nguyên, đông đảo nhân dân.

Tại điểm cầu Đền Bến Dược (Củ Chi, TPHCM) có sự tham gia của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân…

Tại điểm cầu Thành cổ Quảng Trị có Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng cùng lãnh đạo các ban ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị

Đặc biệt, tại các điểm cầu còn có sự hiện diện của các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương bệnh binh, cựu chiến binh, thân nhân gia đình liệt sĩ và đông đảo nhân dân.

Cầu truyền hình “Dáng đứng Việt Nam“: Những câu chuyện đặc biệt chưa kể! ảnh 1
Tiết mục văn nghệ trong chương trình. Ảnh VTV

Đây là một hoạt động nhằm thể hiện đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa-Uống nước nhớ nguồn”, tình cảm tri ân của tuổi trẻ đối với thế hệ cha anh đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cùng với những tiết mục nghệ thuật đặc sắc hướng tới tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương binh, những người đã để lại máu xương của mình để bảo vệ Tổ quốc, điểm nhấn của cầu truyền hình đặc biệt “Dáng đứng Việt Nam” chính là các câu chuyện, là những phóng sự, những hoạt cảnh kể về những nhân vật anh hùng, liệt sĩ. Chương trình đã nhắc lại những câu chuyện, những chia sẻ của các thương, bệnh binh trên nhiều vùng miền của đất nước. Tiêu biểu là các phóng sự được thực hiện tại Điện Biên, Quảng Trị, Côn Đảo, TP.HCM, Hà Giang, Đồng Nai, Quảng Ngãi, Quảng Bình...

Đó là câu chuyện về liệt sĩ Nguyễn Kỳ Sơn - người đã hy sinh trong trận đánh ác liệt kéo dài 81 ngày tại Thành cổ Quảng Trị. Câu chuyện về chàng sinh viên Học viện Thủy lợi tình nguyện cầm súng ra chiến trường để bảo vệ Tổ quốc và hi sinh, sau gần 40 năm mới tìm được hài cốt đã khiến không ít người xúc động.

Cầu truyền hình “Dáng đứng Việt Nam“: Những câu chuyện đặc biệt chưa kể! ảnh 2
Hình ảnh người mẹ mỗi ngày ra biển ngóng con trai trở về. Ảnh VTV

Hay như câu chuyện của 2 người mẹ đợi con 30 năm, dù con đã hy sinh trong trận chiến CQ88. Đó là mẹ Dương Thị Tạo - mẹ của liệt sĩ Phan Văn Thiềng - E83 công binh hải quân, quê ở Đồng Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình), bao năm nay vẫn một mình ở trong căn nhà cũ bên bờ biển đợi con về. Người thứ hai là mẹ Nguyễn Thị Tròn, năm nay 84 tuổi, hiện ở một vùng cát trắng ven biển thuộc xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình. Con mẹ Tròn là anh Hoàng Văn Túy, đã nằm lại ở biển Trường Sa vào ngày 14.3.1988.

Chương trình cầu truyền hình "Dáng đứng Việt Nam" là thông điệp khẳng định thế hệ người Việt Nam hôm nay luôn khắc ghi công lao to lớn của các thương binh, liệt sĩ – những người đã hy sinh cho Tổ quốc trường tồn. Ngọn lửa của lòng yêu nước được, truyền lại từ thế hệ cha ông đi trước sẽ được tiếp nối, truyền lại cho thế hệ trẻ hôm nay.

469 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 860
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 860
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87130077