Ông Nguyễn Nam đến thăm một đại lý thu mua chuối tại địa phương. Ảnh: Lê Văn Chương
- Đề nghị ông chia sẻ về việc người dân ở hai bên biên giới liên kết để phát triển kinh tế, góp phần thắt chặt mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt - Lào?
- Tháng 4-2005, hai bản đầu tiên trên tuyến biên giới Việt - Lào đã tổ chức kết nghĩa là bản Ka Tăng của thị trấn Lao Bảo và bản Densavan thuộc huyện Sepon, tỉnh Savannakhet của Lào. Thực tế trước đó, bà con hai bên biên giới đã có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau, đặc biệt sau khi kết nghĩa được ký kết thì mối quan hệ càng sâu đậm hơn. Đồng bào ở thị trấn Lao Bảo sang liên kết với nông dân Lào, thuê đất để trồng trọt. Việc làm ăn do hai bên cùng thống nhất về lợi tức ăn chia sau mỗi đợt thu hoạch. Có thể thấy, chủ trương kết nghĩa đã có thêm chất xúc tác giúp người dân hai nước xóa đói giảm nghèo, góp phần làm cho mối quan hệ hữu nghị ở các thôn, bản biên giới ngày càng gắn bó sâu đậm hơn.
- Mô hình người dân hai nước liên kết làm ăn đang cho kết quả tích cực, cụ thể như thế nào, thưa ông?
- Việc người dân ở thị trấn Lao Bảo sang Lào liên kết với bạn để trồng chuối đã được thực hiện từ lâu và ngày càng có chiều hướng tốt hơn. Thông thường, bà con sang đó hợp đồng thuê đất từ 7 - 10 năm với mức thuê khoảng 40 - 50 triệu đồng/ha; hoặc người dân bên Lào trồng chuối rồi cho người dân Việt Nam thuê lại. Mỗi hộ sang Lào thuê từ 2 đến 4ha; có khi người dân Việt Nam bỏ vốn đầu tư, người dân nước bạn bảo vệ vườn chuối cho mình. Có những hộ ở khóm Tân Kim sang Lào liên kết trồng chuối với diện tích lớn, mỗi ngày thu được cả triệu tiền chuối. Nhờ việc canh tác như vậy mà nhân dân hai bên qua lại liên tục, gặp gỡ nhau, hiểu nhau, chia sẻ từ chuyện trong cuộc sống gia đình đến lợi tức thu nhập nên tình nghĩa ngày càng gắn bó.
- Người dân ở thị trấn Lao Bảo sang bên Lào thuê đất trồng chuối mang theo những thế mạnh gì về kỹ thuật nông nghiệp, tạo điều kiện như thế nào cho người dân Lào phát triển kinh tế, thưa ông?
- Nếu trồng chuối trên diện tích lớn thì người dân Việt Nam có kỹ thuật chăm sóc tốt hơn, ví dụ như mỗi bụi chuối thì tỉa bớt cây con, chỉ để 5-6 cây sẽ cho ra buồng chuối nên năng suất cao, bên cạnh đó là việc bón phân, chăm sóc, chọn mùa vụ thu hoạch với số lượng lớn. Người dân Việt Nam sang bên bạn thuê đất trồng chuối tạo công ăn việc làm ổn định cho họ. Ví dụ như phát cỏ, tỉa lá tiền thuê là 1 - 1,2 triệu đồng/ha, có khi tính công tỉa lá 200.000 đồng/ngày công. Chính quyền địa phương của Lào đã tạo điều kiện tốt cho người dân hai bên biên giới liên kết làm ăn xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống.
- Để chủ trương này phát huy hiệu quả cần chính sách hỗ trợ như thế nào, thưa ông?
- Nhìn chung, giá chuối dao động ở mức 2.500 - 3.000 đồng/kg. Tết năm 2018, giá chuối lên đến 19.000 đồng/kg. Có những nải chuối đẹp bán với giá 1 triệu đồng/nải, còn lại là giá trên dưới 600.000 đồng. Cứ đến thời điểm chuối tăng giá thì nhìn bà con thu hoạch vui lắm! Có xe chở 5 buồng, xe chở 10 buồng ra chợ hoặc bán dọc đường ở thị trấn Lao Bảo. Nhờ có nguồn thu nhập ổn định và thường xuyên nên đời sống của người dân hai bên biên giới đã được cải thiện. Để việc làm ăn của người dân hai bên biên giới được thuận lợi, cơ quan chức năng hai nước cần cấp các loại giấy tờ có tính pháp lý để người dân có thể hợp đồng chặt chẽ với nhau cùng liên kết sản xuất để mang lại giá trị kinh tế cao.
- Đề nghị ông cho biết Nghị quyết của Đảng ủy thị trấn Lao Bảo đề cập như thế nào về việc tăng cường mối quan hệ giao lưu giữa nhân dân hai bên biên giới, tăng cường liên kết sản xuất nông nghiệp?
- Nghị quyết của Đảng ủy thị trấn Lao Bảo trong phương hướng đề ra luôn xác định tăng cường mối quan hệ kết nghĩa bản - bản của cư dân hai bên biên giới, giúp nhau xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ hết sức quan trọng để cùng với BĐBP bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Từ nghị quyết đến thực tiễn cuộc sống, hằng năm, vào dịp lễ, Tết, chúng tôi mời người dân nước bạn qua giao lưu, hoặc qua bên bạn dự các lễ hội tại các bản kết nghĩa. Những hoạt động đó gắn liền với sự động viên, khích lệ, nhân rộng mô hình liên kết giúp nhau sản xuất, vươn lên thoát nghèo, có nhà cửa khang trang, có cuộc sống hạnh phúc...
- Xin cảm ơn ông!
Lê Văn Chương