Nhân kỷ niệm lần thứ 130 ngày sinh của Người - Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới (19/5/1890 – 19/5/2020), chúng ta cùng ôn lại những kỷ niệm về Bác mà mãi mãi đó là những bài học lớn lao trong suốt chặng dài xây dựng đất nước.
Năm 1957, Phan Quang, lúc đó là phóng viên trẻ của Báo Nhân Dân được tháp tùng theo Bác đi thăm đồng bào Hưng Yên chống hạn, chứng kiến Bác xuống xe đi bộ trên cánh đồng rộng đất đai khô nẻ, để thăm hỏi, động viên bà con đang đào mương dẫn nước, kịp đổ ải chiêm; hay câu chuyện Bác Hồ xua tay nói với bà con “Chờ có nước về hẵng hoan hô. Không hoan hô Hồ Chủ tịch mà hoan hô các chiến sĩ thi đua khá nhất” khi đồng bào ngừng việc “hoan hô” Bác. Rồi cảnh Bác dừng chân, bắt tay một cụ già tuổi đã cao nhưng hôm ấy cũng tham gia làm thủy lợi và không quên dặn các cán bộ cùng đi “Phải chú ý sức khỏe các cụ, chớ để các cụ phải làm nhiều”. Khi xem tay vị Chủ tịch huyện Bác bảo “Tay chú sạch quá”, và khuyên mọi người “Phải làm sao cho nhân dân thấy cán bộ là người của Nhân dân. Thỉnh thoảng cũng phải tham gia lao động với bà con”…. Tận mắt chứng kiến tấm lòng của Bác với Nhân dân, sau chuyến đi về, nhà báo Phan Quang thức suốt đêm viết bài tường thuật, để kịp đăng vào số báo hôm sau. Sau khi Báo Nhân Dân đăng bài, Bác cho gọi “đích danh phóng viên”, bảo: “Chú Quang đấy à? Bác đã đọc bài của chú. Chú viết như thế là được. Nhưng Bác hỏi : Chú viết Hồ Chủ tịch đi bộ mấy cây số liền giữa cánh đồng. Vậy từ xưa tới nay Bác Hồ không đi bộ bao giờ à? Bác Hồ đi bộ giữa cánh đồng thì có gì mà nói lắm thế?”.
Câu chuyện nhỏ mà nhà báo Phan Quang kể lại thêm một lần nữa cho chúng ta thấy Bác cả cuộc đời “ Nâng niu tất cả chỉ quê mình”.
Chúng ta biết ngày 12/8/1969, Bộ Chính trị tổ chức họp bàn về việc chuẩn bị tổ chức 4 ngày lễ lớn trong năm 1970, cuộc họp vắng Bác vì lúc đó Bác mệt. Nằm trên giường bệnh, nghe nói về những kỷ niệm sắp tới Bác rất vui. Nhưng khi nghe nói tới việc tổ chức kỷ niệm 80 năm ngày sinh của Người, Bác liền bảo: “Các chú nên bàn cho kỹ. Còn ý kiến của Bác chỉ đồng ý 3/4 nghị quyết. Bác không đồng ý đưa ngày 19/5 là ngày kỷ niệm lớn trong năm 1970. Còn nghị quyết kỷ niệm 40 năm thành lập Đảng, 100 năm ngày sinh Lênin, 25 năm ngày thành lập nước thì các chú nên có sớm để tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Hiện nay các cháu học sinh đã sắp bước vào năm học mới, giấy mực, tiền bạc dùng để tuyên truyền về ngày sinh của Bác thì các chú nên dành để in sách giáo khoa và mua dụng cụ học tập cho các cháu, khỏi lãng phí”. Sau cách mạng tháng Tám-1945, nước ta lâm vào tình trạng đói rét. Trước một thực tế như vậy, ngoài biện pháp chủ yếu là phải tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm Bác Hồ đã đề xuất "Mỗi người, cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ăn 3 bữa đem gạo đó (một tháng một bơ) để cứu dân nghèo”. Bác là người khởi xướng và cũng là người đầu tiên thực hiện chủ trương này. Có ngày đúng vào bữa cơm mà theo "lịch" nhịn ăn mà Bác phải tiếp khách, hôm sau Bác cương quyết nhịn ăn bù như mọi người.
Bác thường căn dặn các đồng chí bảo vệ: “các chú làm gì thì làm, chứ không được biến Bác thành một người đặc biệt, xa cách với dân”. Bác nói “Trên đời không có gì quý bằng Nhân dân”. Cũng vì yêu quý Nhân dân nên Người coi nỗi đau của Nhân dân cũng là nỗi đau của mình và chừng nào trong xã hội còn có những người bất hạnh, thì chừng đó Người vẫn cảm thấy có phần trách nhiệm của mình. Xuất phát từ tình yêu và trách nhiệm to lớn đối với dân, Bác đòi hỏi các cán bộ, đảng viên phải có hiếu với dân, phải là người đầy tớ trung thành của Nhân dân.
Để kết thúc bài viết nhân kỷ niệm lần thứ 131 sinh nhật Người xin trích nhận xét của ông Ziad Salem Ageel (người Tordani) "Đạo đức của Người là viên ngọc sáng trong chiếc vương niệm tư tưởng Hồ Chí Minh. Nó bao hàm những gì tốt đẹp nhất của dân tộc Việt Nam và của thời đại, trong đó bao trùm lên là tư tưởng nhân văn, thể hiện ở mục tiêu giành độc lập, tự do cho dân tộc, công bằng và hạnh phúc cho nhân dân, hoà bình và hữu nghị cho các dân tộc".
Trí Ánh-Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy