Câu chuyện “Để Bác quạt” và tấm lòng của Người 

Chuyện kể rằng “Một lần, Bác đến thăm trại điều dưỡng thương binh ở Hà Nội. Tin Bác đến nhanh chóng lan ra khắp trại. Anh chị em thương binh ai cũng muốn len vào gần Bác, quên cả nạng phải dùng để đi. Đang lúc Bác thăm hỏi sức khỏe thương binh bỗng một đồng chí hỏng mắt nhờ một y tá dẫn đến xin đứng bên Bác. Đồng chí Ninh đi với Bác định bước lại đỡ đồng chí ấy, nhưng Bác đã đi tới, giơ hai tay ra đón. Đồng chí thương binh ôm chầm lấy Bác nghẹn ngào "Bác ơi!" Bác lặng đi giây lát rồi mới tiếp tục câu chuyện thăm hỏi. Bác đến từng giường anh chị em đau nặng hỏi thăm bệnh tật đã đỡ chưa, mỗi bữa ăn được bao nhiêu bát cơm. Hôm ấy, trời nóng bức, Bác lấy cái quạt giấy vẫn dùng, quạt cho các thương binh. Có người định làm thay, Bác nói: Để Bác quạt. Hôm ấy, lúc ra về Bác không vui”. Đây chỉ là một trong nhiều câu chuyện cảm động, thể hiện tấm lòng, tình cảm đặc biệt của Người đối với Thương binh, gia đình Liệt sĩ và người có công với nước.

Năm 1946, sau khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, trước tình hình số người bị thương, hy sinh tăng lên, đời sống của các chiến sĩ bị thương gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trước tình hình đó, Chính phủ quyết định thành lập "Hội giúp binh sĩ bị nạn" và Bác đã nhận trách nhiệm “trưởng ban danh dự”. Tháng 6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị chọn một ngày để làm ngày Thương binh để có "dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa, bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh". Thật cảm động biết bao, chiều 27/7/1947, lần đầu tiên nước ta tổ chức ngày Thương binh, Bác đã gửi thư với những lời lẽ tâm huyết, tình cảm. Trong dịp này, Người đã ủng hộ một áo lụa của Hội Phụ nữ gửi biếu Người, một tháng lương và một bữa ăn của Bác và các nhân viên trong Phủ Chủ tịch với số tiền là 1.127 đồng để giúp các Thương binh.

Sau này, dù bận trăm công nghìn việc, nhất là những năm đầu đất nước độc lập, có lúc thế nước như "ngàn cân treo sợi tóc" nhưng đến Ngày Thương binh, sau này là ngày Thương binh, Liệt sĩ, Bác đều dành tình cảm, sự sẻ chia với  những người "đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt...". Bởi vậy, không chỉ đến ngày lễ trọng nói trên mà hễ có dịp là người thăm hỏi, tặng quà, khen ngợi động viên để những thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với nước vươn lên trong cuộc sống. Người nói " Anh em thương binh đã hy sinh một phần xương máu để giữ gìn Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, đã tận trung với nước, tận hiếu với dân. Họ đã làm tròn nhiệm vụ, họ không đòi hỏi gì cả. Song đối với những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng". Người nhấn mạnh " ...bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ..."

Khi nghe tin con trai bác sĩ Vũ Đình Tụng hy sinh Hồ Chủ tịch liền gửi thư; bức thư có đoạn: “Tôi được báo cáo rằng, con trai Ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Ngài biết rằng  tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên, thì hình như tôi đứt một đoạn ruột. Với Bác “Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng . Và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau của tôi”.

Đối với các chiến sĩ Bác luôn luôn dành nhiều tình cảm ưu ái và sự quan tâm đặc biệt. Có dịp là Bác hỏi thăm bộ đội ta ăn có đủ no, mặc có đủ ấm và có thiếu thốn gì không? Bác vui mừng và khen ngợi đối với mỗi chiến công của bộ đội và rất đau buồn khi nghe tin mỗi khi có chiến sĩ, đồng bào bị thương hay hy sinh ngoài mặt trận. Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc lịch sử, Bác không quên căn dặn: "Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình(cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần" tự lực cánh sinh"... "đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà nếu thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xa nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét".

 Người không chỉ là niềm tự hào của Nhân dân Việt Nam mà nhân loại trên toàn thế giới đặc biệt là lực lượng yêu chuộng hòa bình. Tiến sĩ M. Atmét, Giám đốc UNESCO khu vực Châu Á Thái Bình Dương, đại diện đặc biệt của Tổng Giám đốc UNESCO đã viết “Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó” . Tại một cuộc hội thảo do Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia tổ chức có một nhận định: “Hiếm có một lãnh tụ nào trong chiến tranh mà lại thấy được máu nào cũng là máu, người nào cũng là người, đều quý như nhau. Ngay đối với kẻ xâm lược đã gây nên bao đau  thươngcho dân tộc mình, gây ra bao tội ác đối với Nhân dân, nhưng khi bị bắt Người vẫn căn dặn cán bộ, chiến sĩ ta phải đối xử với họ một cách khoan hồng”.

Anh em làm việc ở Bảo tàng Hồ Chí Minh khi tiếp các vị khách quốc tế, họ đều thừa nhận Chủ tịch Hồ Chí Minh là một con người cộng sản đặc biệt xứng đáng được toàn thế giới yêu mến. Trí Ánh

3477 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 902
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 902
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87006989