Cắt giảm thuế quan với các mặt hàng theo hiệp định thương mại tự do 

(ĐCSVN) - Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 12 Nghị định về các biểu thuế ưu đãi cho các đối tác trong 12 hiệp định này cho giai đoạn 2018 - 2022/2023...

 

Đó là thông tin được Bà Trần Thị Thu Huyền, Trưởng phòng Hội nhập Tài chính đa phương, Vụ Hợp tác quốc tế cho biết,  cho  biết tại  buổi họp báo chuyên đề  “Cắt giảm thuế quan theo các Hiệp định thương mại tự do” do Bộ Tài chính tổ chức chiều nay (12/12) tại Hà Nội.

 
 Hình ảnh tại buổi họp báo (Ảnh: M.P)

Theo bà Trần Thị Thu Huyền, tổng số Hiệp định thương mại Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán là 20 Hiệp định, trong đó 12 Hiệp định đang thực thi (ASEAN, ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Úc - Niu Di-lân, ASEAN - Ấn Độ, ASEAN - Nhật Bản, Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Chi-lê, Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á-Âu, và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), 02 Hiệp định có hiệu lực trong năm 2019 (Việt Nam - Cam-pu-chia, ASEAN - Hồng Công, Trung Quốc), 02 hiệp định đã ký kết nhưng chưa có hiệu lực (Việt Nam - EU, Việt Nam - Cuba), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã kết thúc đàm phán lời văn của 20 Chương và kết thúc cơ bản các vấn đề mở cửa thị trường (trừ Ấn Độ), và 03 hiệp định đang đàm phán (bao gồm Việt Nam - I-xra-en, Việt Nam - EFTA, và Việt Nam - Anh).

Hiện nay, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 12 Nghị định về các biểu thuế ưu đãi cho các đối tác trong 12 Hiệp định này cho giai đoạn 2018 - 2022/2023 (riêng CPTPP là giai đoạn 2019 – 2022, và Việt Nam - Lào giai đoạn từ 01/9/2016 đến 03/10/2020, tuy nhiên Nghị định Biểu thuế Việt Nam - Lào đang thực hiện theo Danh mục Biểu thuế hài hòa ASEAN phiên bản 2012 (AHTN 2012)). Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN đã hoàn thành lộ trình cắt giảm thuế vào năm 2018. Các Hiệp định đang tiến gần tới năm hoàn thành lộ trình xóa bỏ thuế gồm ASEAN - Trung Quốc (2020), ASEAN - Hàn Quốc (2021), ASEAN - Úc - Niu Di-lân (2022) đạt tỷ lệ tự do hóa cao, khoảng 90% vào năm 2019. Cùng kết thúc lộ trình vào năm 2029, tỷ lệ tự do hóa năm 2019 của Việt Nam trong FTA Việt Nam - Hàn Quốc đã đạt 85,63%, trong khi tỷ lệ này trong FTA Việt Nam - Chi-lê mới chỉ đạt 31,73%. Còn lại, các Hiệp định đạt tỷ lệ tự do hóa trung bình khoảng 60% trong năm 2019 như ASEAN - Nhật Bản, ASEAN - Ấn Độ, Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Chi-lê, Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á-Âu.

Trong số 12 Hiệp định đang thực hiện, CPTPP là Hiệp định mới nhất được thực thi của Việt Nam. Ngày 26/6/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2019/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định CPTPP giai đoạn từ ngày 14/01/2019 đến hết ngày 31/12/2022.

Riêng trong năm 2019, tổng số Hiệp định thương mại đã ký kết của Việt Nam (trừ CPTPP) là 04 Hiệp định, bao gồm: Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại hàng hóa giữa ASEAN và Hồng Công (Trung Quốc) (AHKFTA), Hiệp định Thương mại Việt Nam - Cu-ba, và Bản thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Cam-pu-chia.

Đối với EVFTA, sau khi được chính thức ký kết ngày 30/6/2019, Hiệp định EVFTA sẽ được trình lên Quốc hội Việt Nam và Nghị viện EU để tiến hành thủ tục phê chuẩn để có hiệu lực thực thi (dự kiến trong nửa đầu năm 2020).

Về Biểu thuế nhập khẩu của Việt Nam: Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch nhập khẩu từ EU, và sau 10 năm là khoảng 99% số dòng thuế, tương đương 99,8% kim ngạch nhập khẩu từ EU. Đối với số dòng thuế còn lại, Việt Nam sẽ có lộ trình trên 10 năm hoặc dành ưu đãi cho EU trên cơ sở hạn ngạch thuế quan của WTO.

Lộ trình cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với một số nhóm mặt hàng chính của Việt Nam như sau: ô tô (sau 9 năm đối với ô tô phân khối lớn (trên 3000cc cho động cơ xăng và trên 2500 cc cho động cơ diesel) và 10 năm đối với các loại ô tô còn lại); linh kiện, phụ tùng ô tô (tối đa 7 năm); hóa chất (tối đa 7 năm); đồ uống có cồn (tối đa 10 năm); thịt bò (3 năm), thịt lợn đông lạnh (7 năm), thịt gà (10 năm); sữa và sản phẩm sữa (3-5 năm); cá và các sản phẩm cá (3-7 năm); thuốc lá, xì gà (15 năm); máy móc thiết bị (tối đa 7 năm);...

Về cam kết thuế xuất khẩu của Việt Nam: Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu với hàng hóa xuất khẩu sang EU với lộ trình lên đến 15 năm, trừ những mặt hàng được duy trì thuế xuất khẩu tập trung vào một số nhóm hàng quan trọng như dầu thô, than đá (trừ than để luyện cốc và than cốc),... Cam kết về thuế xuất khẩu trong Hiệp định EVFTA cơ bản tương tự như cam kết về thuế xuất khẩu của Việt Nam trong Hiệp định CPTPP.

Theo ông Lê Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Thuế Xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) phân tích: số thu thuế nhập khẩu những năm gần đây vẫn tăng lên về tuyệt đối nhưng lại giảm tỷ trọng trong thu ngân sách.

Cụ thể, tỷ trọng thuế nhập khẩu trong số thu ngành hải quan giảm dần, năm 2017 tỉ trọng thuế nhập khẩu trong tổng số thu ngành hải quna là 28%, năm , năm 2018 là  17,4% năm 2019 chỉ còn 16,7%, Số thu tuyệt đối năm nay dự báo trên tang lên khoảng 340 nghìn tỷ.

Việc số thu thuế tăng còn phụ thuộc vào  kim ngạch xuất nhập khẩu còn các biện pháp chống thất thu thuế…

“Ngoài thuế nhập khẩu, cơ quản quản lý còn thu các loại thuế như tiêu thụ đặc biệt, thuế chống bán phá giá…trong khi việc cắt giảm theo Hiệp định chỉ liên quan đến thuế nhập khẩu.

Có những mặt hàng chịu nhiều loại thuế thì các sắc thuế khác ngoài nhập khẩu vẫn thực hiện theo các quy định hiện hành”, ông Lê Mạnh Hùng nói.

Ông Hà Duy Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết thêm : Dù tỷ trọng thuế nhập khẩu giảm nhưng phần thu nội địa có gia tăng hàng năm nhờ tái cơ cấu ngân sách. Liên quan những băn khoăn về việc tốc độ tăng trưởng xuất khẩu giảm, dù có các Hiệp định, ông Tùng phân tích: Tổng thể tác động nhiều yếu tố trong đó có cả bối cảnh quốc tế thị trường, tác động các Hiệp định thương mại này có một phần…Việt Nam nhập siêu lớn từ Đông Á nhưng xuất siêu lớn sang Âu, Mỹ.

“Việt Nam cũng đã chủ động đàm phán với các đối tác có lợi thế về xuất khẩu như EU, Hoa Kỳ khai thác lợi thế tiềm năng”, ông Tùng cho hay.

 
Minh Phương
443 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1338
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1338
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87133361