|
Đồng chí Lê Tiến Châu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam. |
Đó là nhấn mạnh của đồng chí Lê Tiến Châu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam khi trao đổi với phóng viên sáng 6/9.
PV: Thưa đồng chí, thời điểm này, các tỉnh, thành phố trên cả nước đang khẩn trương triển khai Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Để đảm bảo chính sách nhân văn này đến được tận tay người dân gặp khó khăn, Mặt trận đã pháp huy vai trò giám sát của mình như thế nào?
Đồng chí Lê Tiến Châu: Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP vào ngày 9/4/2020, ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, có thể nói, đây là những chính sách rất kịp thời, thể hiện tinh thần sẻ chia của Đảng, Nhà nước đối với những người lao động và người sử dụng lao động đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.
Để triển khai 2 Nghị quyết của Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ đã có văn bản chỉ đạo hệ thống Mặt trận cùng các tổ chức thành viên tham gia vào quá trình triển khai thực hiện bằng cách tham gia vào các tổ chức, các đợt rà soát đối tượng để đảm bảo việc phân bổ đúng, phù hợp và không trùng lắp.
Thông qua quá trình giám sát sẽ phát hiện ra những điểm còn hạn chế, bất cập trong chính sách cũng như những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Thực tế hiện nay, nhiều địa phương có cách làm rất nhanh, hiệu quả, không có biểu hiện trục lợi và nhận được sự tin tưởng, đồng tình của nhân dân.
Tuy nhiên, trên cơ sở tổng hợp các kiến nghị, phản ánh của Mặt trận các cấp qua hoạt động giám sát, chúng tôi nhận thấy có một số tồn tại, khó khăn nhất định. Cụ thể như các chính sách trong Nghị quyết 42 không bao trùm hết các đối tượng hoặc đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, việc đi lại, nộp hồ sơ của người được thụ hưởng cũng gặp khó khăn; tại một số địa phương, công tác tuyên truyền, hướng dẫn người lao động và người sử dụng lao động về hồ sơ, thủ tục hỗ trợ còn chưa đầy đủ, thiếu kịp thời. Cùng với đó, một số cán bộ được giao thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ xin hỗ trợ còn thiết sót về chuyên môn, dẫn đến chậm trễ, khó khăn trong quá trình triển khai.
Từ những ý kiến phản ánh này, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các địa phương có hướng điều chỉnh phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, người sử dụng lao động nhưng vẫn đúng theo các quy định của pháp luật và hạn chế, ngăn chặn việc trục lợi từ chính sách.
|
Dưới sự chứng kiến của Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã ký kết kế hoạch phối hợp thực hiện chương trình hỗ trợ "Triệu phần quà đại đoàn kết tiếp sức đồng bào miền Nam vượt qua đại dịch COVID-19" |
PV: Thưa đồng chí! Cùng với những chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước, vừa qua, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đã tổ chức Chương trình “Triệu phần quà Đại đoàn kết tiếp sức đồng bào miền Nam vượt qua đại dịch COVID-19”, vậy Mặt trận sẽ tiến hành phân bổ và giám sát như thế nào để đảm bảo những phần quà được trao tận tay người dân đang gặp khó khăn?
Đồng chí Lê Tiến Châu: Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhất là ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… và một số tỉnh phía Nam, hưởng ứng lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã hiệp thương thống nhất với các tổ chức chính trị - xã hội và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ban hành kế hoạch phối hợp thực hiện Chương trình "Triệu phần quà Đại đoàn kết tiếp sức đồng bào miền Nam vượt qua đại dịch COVID-19". Đây là một chương trình có ý nghĩa nhân văn, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã thống nhất với các cơ quan về phần quà, phương thức, nội dung, thời gian hỗ trợ và trách nhiệm của các cơ quan.
Trước mắt sẽ phấn đấu vận động ít nhất 1 triệu phần quà Đại đoàn kết với tổng trị giá khoảng 300 tỷ đồng. Những phần quà này chính là hiện thân của 1 triệu trái tim người Việt Nam hướng về đồng bào miền Nam ruột thịt để giúp bà con vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19.
Để đảm bảo nhu cầu cấp thiết, ngay sau khi phát động Chương trình vào ngày 25/8/2021, Ban Cứu trợ Trung ương đã chuyển kinh phí về các địa phương được phân bổ đợt 1, với số tiền là 117 tỷ đồng cho các địa phương. Đối với các phần quà là hàng hóa trị giá 70 tỷ đồng (do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh: 30 tỷ và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam: 40 tỷ) sẽ chuyển hỗ trợ trực tiếp đến các địa phương. Giá trị mỗi phần quà trị giá tối đa là 300.000 đồng, mức cụ thể bằng với mức của từng địa phương đang thực hiện.
Qua thực tế triển khai, là những người luôn gần dân, sát dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, mỗi cán bộ Mặt trận các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội đã xác định được những đối tượng ở địa phương thực sự cần sự hỗ trợ; đồng thời, với sự chủ trì của MTTQ các cấp sẽ khắc phục được tình trạng trùng lắp, hoặc bỏ sót đối tượng hỗ trợ. Bởi vậy thời gian tới, MTTQ và các tổ chức thành viên sẽ tiếp tục thực hiện chương trình để nhân rộng, tạo sức lan tỏa trong nhân dân, từ đó phát huy truyền thống "tương thân tương ái" của người Việt Nam khi đồng bào đang gặp khó khăn.
Cùng với đó, để đảm bảo những phần quà được trao tận tay người dân gặp khó khăn, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trương cắt giảm tối đa thủ tục chi trả, phân bổ phần quà. Theo đó chỉ cần có chữ kỹ của chính quyền địa phương và cán bộ Mặt trận khu dân cư là người dân có thể tiếp cận được những phần quà có ý nghĩa này.
Trong quá trình triển khai hỗ trợ, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thường xuyên đôn đốc và kiểm tra việc triển khai hỗ trợ tại địa phương.
Đồng thời Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các cơ quan liên quan đã công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về kế hoạch hỗ trợ cho người dân biết để phát huy vai trò giám sát trực tiếp của người dân ở cộng đồng dân cư trong việc thực hiện hỗ trợ.
|
Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu tiếp nhận ủng hộ từ Tập đoàn CEO. |
PV: Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, một trong những việc người dân rất quan tâm là chính sách an sinh xã hội. Vậy, vai trò của Mặt trận sẽ được phát huy như thế nào để đảm bảo tốt hơn nữa chính sách này, thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Tiến Châu: Đúng là trong bối cảnh chúng ta đang phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, người có nhu cầu, người gặp khó khăn cũng khá nhiều. Cho nên, để đảm bảo được chính sách an sinh xã hội, MTTQ đã phát huy vai trò chủ trì hiệp thương giữa các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, phối hợp cùng chính quyền địa phương để tổ chức thực hiện công tác an sinh - xã hội.
MTTQ được giao là đơn vị đầu mối, chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức khác để thực hiện tốt, hiệu quả công tác an sinh, cụ thể là tổ chức thống kê, rà soát và tổ chức, điều phối lực lượng phân bổ, hỗ trợ kịp thời người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Ví dụ điển hình là TP Hồ Chí Minh đã thành lập Trung tâm An sinh xã hội, do đồng chí Chủ tịch MTTQ TP làm Giám đốc Trung tâm. Đây là mô hình mới, chưa từng có tiền lệ, nhưng đã phát huy được tính hiệu quả, kịp thời và phát huy được tốt vai trò, tinh thần xung kích của MTTQ và các tổ chức thành viên.
Bên cạnh đó, MTTQ sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu được việc phải tự bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng, đồng thời, hệ thống Mặt trận và các tổ chức thành viên đến tận cơ sở rà soát các đối tượng để nắm bắt được nhu cầu của người dân, trên cơ sở đó có những hoạt động vận động hỗ trợ các nhà hảo tâm, doanh nghiệp bằng nhiều hình thức khác nhau. Cùng với đó, MTTQ và các tổ chức thành viên tại các địa phương đang thực hiện giãn cách đã phát huy hiệu quả tinh thần “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”, tinh thần tương trợ lẫn nhau của cộng đồng.
Ngoài ra, ở các địa phương chưa bị giãn cách, đặc biệt là các tỉnh miền Trung và phía Bắc có rất nhiều hình thức hỗ trợ, vận động, đưa hàng ngàn tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm cần thiết, thiết yếu gửi vào TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Qua đó mới thấy được truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái trong nhân dân được trỗi dậy mạnh mẽ và đầy ý nghĩa, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết để đẩy lùi đại dịch.
Ngày 25/8/2021 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã thành lập Tiểu ban Vận động và huy động nguồn lực xã hội do đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam làm Trưởng tiểu ban. Trên cơ sở đó, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy tối đa vai trò của mình, tập hợp, huy động mọi nguồn lực xã hội, trong và ngoài nước để hỗ trợ cho cuộc chiến với đại dịch COVID-19 của đất nước.
Từ lời kêu gọi của Tổng Bí thư, sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự quan tâm đặc biệt cùng sự đồng lòng của người dân, tôi tin tưởng rằng, tinh thần đại đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái sẽ tiếp tục được nhân rộng, lan toả và là sức mạnh giúp cho người dân vững tin vượt qua đại dịch COVID-19.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!