Cắt giảm điều kiện kinh doanh - không chấp nhận làm hình thức, phong trào 

(Chinhphu.vn) - Thực hiện cắt giảm các ĐKKD bất hợp lý là việc làm cần thiết, song quan trọng hơn là cần phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ để không “đẻ” thêm các ĐKKD mới. Nếu bộ, ngành nào tăng thêm một điều kiện, thủ tục cần có sự giải trình cụ thể và sự giám sát của nhiều cơ quan.

Đây là một ý kiến được nêu ra tại Hội thảo “Điểm lại pháp luật kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây.

 

 

 

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI.

Số lượng cắt giảm đáng kể

 

Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI cho biết, trung bình, mỗi năm các cơ quan nhà nước Trung ương ban hành trên dưới 1.000 văn bản quy phạm pháp luật và khoảng 50% số văn bản này có liên quan đến hoạt động kinh doanh.

 

Chỉ trong vòng 6 tháng, chính quyền Trung ương có thể đưa ra hàng chục ngàn quy định có tác động đến DN, trong đó có cả tác động tích cực và tiêu cực.

 

Trước tình trạng tồn tại ngày càng nhiều điều kiện kinh doanh (ĐKKD) bất hợp lý, gây cản trở cho sự phát triển của nhiều ngành và của nền kinh tế, đầu năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP yêu cầu các bộ phải cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% ĐKKD. 

 

Cụ thể, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế VCCI cung cấp số liệu thống kê của VCCI, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tính đến cuối tháng 6/2018, có khoảng 11 bộ đã đưa ra được phương án cắt giảm, đơn giản hóa các ĐKKD hiện có thuộc quản lý của các bộ. Theo đó, VCCI cho rằng, có nhiều điểm tích cực trong các phương án cắt giảm ĐKKD của các bộ. Cụ thể, tất cả các bộ đều đã đưa ra đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa vượt quá 50% tổng số ĐKKD hiện có trong lĩnh vực quản lý, phù hợp với chỉ tiêu của Chính phủ đặt ra. 

 

Đáng mừng là đã có những đề xuất cắt giảm rất quyết liệt và có tính cải cách cao. Chẳng hạn, có bộ đã đề xuất bãi bỏ hoàn toàn các ĐKKD của một hoạt động kinh doanh hoặc cả một ngành, nghề kinh doanh thuộc Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện tại Luật Đầu tư 2014. Ví dụ, Bộ Giao thông vận tải quản lý đã đề xuất bãi bỏ tất cả các ĐKKD của kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức nội địa (thuộc ngành nghề kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức), hay vận tải hàng nguy hiểm trên đường sắt (thuộc ngành nghề kinh doanh vận tải đường sắt)… Có nhiều điều kiện chung chung, thiếu minh bạch đã được các Bộ hoặc là sửa đổi hoặc là bãi bỏ.

 

Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, các ĐKKD chung chung, mang tính định tính là một trong những điểm vướng, gây khó khăn trong quá trình triển khai, đặc biệt là cho các DN.

 

“Thiếu minh bạch sẽ trao quá nhiều quyền cho cán bộ cấp phép trong việc diễn giải cách hiểu và là dư địa của tình trạng nhũng nhiễu, phân biệt đối xử với các doanh nghiệp, do đó, điều quan trọng không để tồn tại thêm các quy định thiếu minh bạch mới tạo điều kiện thuận lợi rất lớn cho các DN”,  ông Đậu Anh Tuấn nói.

 

Chất lượng chưa thật sự đạt yêu cầu

 

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ mới đã thể hiện mạnh mẽ quan điểm thể chế kinh tế thị trường. Tuy nhiên, dường như việc chuyển các quan điểm này thành quy định pháp luật cụ thể còn khá hạn chế.

 

Nếu nhìn sâu vào con số cắt giảm ĐKKD và cải cách thủ tục hành chính thì thấy nhiều ĐKKD cắt giảm mang tính đối phó, không thực chất. Trên bảng kết quả ghi 1 ĐKKD đã được bãi bỏ, nhưng thực chất trong điều kiện đó có 4 nội dung, thực chất chỉ bỏ đi 1 nội dung, 3 nội dung được đưa thành quy định nhưng vẫn tính là bỏ được ĐKKD.  Băn khoăn nữa là để đi đến kết quả hôm nay là cả một quãng thời gian khá dài với rất nhiều lần kiến nghị, đề xuất… Hơn nữa, sự chuyển động giữa các bộ không đồng đều.

“Dù thực hiện chính sách cần độ trễ nhưng quan sát hành động cụ thể của các bộ, ngành. Sự “lạnh lẽo” nằm ở các vụ, cục ở các bộ đã cản trở việc xây dựng thể chế tốt hơn”, ông Lộc đánh giá thẳng thắn.

Có cùng quan điểm, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết có quy định đã “cài cắm” thêm thủ tục hành chính, điều kiện gây khó khăn cho DN.
 

Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, đồng thời là thành viên Tổ công tác thi hành Luật DN và cũng là trọng tài viên của VIAC cho rằng dường như những động thái cắt giảm ĐKKD vừa qua dấy lên như phong trào. “Chính phủ thúc giục cải cách rất mạnh, nhưng chuyển động rất từ từ, còn quá chậm thay đổi, đến mức sửa đổi xong thì có khi nhiều doanh nghiệp đã ra đi”, ông Đức nói.

 

Các chuyên gia cho rằng cần phải thẳng thắn nhìn nhận sự thật là các phương án rà soát cắt giảm ĐKKD của các Bộ đều đã đạt được mục tiêu về số lượng, nhưng chất lượng của các phương án cắt giảm vẫn còn nhiều bất cập, chưa phản ánh thực chất việc cắt giảm ĐKKD.

 

Nếu theo nghị quyết của Chính phủ thì tỉ lệ 50% được tính chung cho cả các ĐKKD bị cắt giảm (bãi bỏ) và đơn giản hóa (sửa đổi), có nghĩa là một ĐKKD được bãi bỏ cũng được tính tương đương với một ĐKKD được sửa đổi. 

 

Mặc dù vậy, có một số phương án đưa ra đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD, nhưng thực chất chỉ là sự sắp xếp lại cách thức thiết kế ĐKKD về mặt hình thức mà không hề có sự thay đổi nào về nội dung của ĐKKD, hoặc mới tính đến sửa theo hướng hạ thấp điều kiện… Những nhiều ĐKKD bất hợp lý được quy định trong các luật cũng chưa được tiến hành rà soát cụ thể…

 

Trước những bất cập đó, ông Đậu Anh Tuấn, hoạt động rà soát cắt giảm các ĐKKD của các bộ thời gian tới cần được tiếp tục đẩy mạnh và rà soát một cách toàn diện cả ở cấp nghị định và luật. Cần tránh để xảy ra hiện tượng “biến tướng” của ĐKKD, bề ngoài bỏ nhưng ẩn dưới hình thức khác. Cụ thể, có thể hình thức là ĐKKD đó đã được bỏ, nhưng thực chất DN vẫn phải đáp ứng, thực hiện các quy định đó nhưng dưới một dạng điều kiện khác…

 

Chốt lại về yêu cầu cắt giảm, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, việc cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh (ĐKKD) chỉ thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho sự gia nhập thị trường của doanh nghiệp (DN), khi hoạt động rà soát cắt giảm ĐKKD được tiến hành thực chất và chất lượng, chứ không phải chỉ là phong trào.

 

“Thực hiện cắt giảm các ĐKKD bất hợp lý là việc làm cần thiết, song quan trọng hơn là cần phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ để không “đẻ” thêm các ĐKKD mới. Nếu bộ, ngành nào tăng thêm một điều kiện, thủ tục cần có sự giải trình cụ thể và sự giám sát của nhiều cơ quan” , ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

 

Anh Minh

323 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 388
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 388
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88607416