Carbon cây rừng hấp thụ là nguồn tài chính bền vững 

(Chinhphu.vn) - Hôm nay (21/11), Bộ NN&PTNT phối hợp cùng báo Nông thôn ngày nay tổ chức tọa đàm trực tuyến Phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp, nhìn từ tín chỉ carbon rừng và thực thi Quy định chống phá rừng của EU (EUDR).
Carbon cây rừng hấp thụ là nguồn tài chính bền vững- Ảnh 1.
 

Các chuyên gia, nhà quản lý bàn về phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Tại tọa đàm, ông Trần Hiếu Minh, Cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT cho biết, trước năm 2010 lĩnh vực lâm nghiệp vẫn đang phát thải. Nhưng nay, con số giảm phát thải đạt được rất ấn tượng, khoảng 40 triệu tấn CO2/năm. Tiềm năng về tín chỉ carbon rừng là nền tảng để Việt Nam tham gia dịch vụ carbon rừng và đã ký thỏa thuận chi trả carbon với Ngân hàng Thế giới (WB).

Ông Vũ Tấn Phương, Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) chia sẻ, thị trường tín chỉ carbon toàn cầu đang phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những lĩnh vực giao dịch sôi động. Tín chỉ carbon không chỉ được xem như một loại hàng hóa mà còn là công cụ thiết yếu để thực hiện cam kết giảm phát thải toàn cầu.

Tại Việt Nam, Bộ NN&PTNT đang gấp rút hoàn thiện tiêu chuẩn về tín chỉ carbon rừng. Mục tiêu là xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh, tạo điều kiện thu hút đầu tư và vận hành hiệu quả thị trường tín chỉ carbon trong nước. Điều này không chỉ góp phần giảm phát thải mà còn mở ra cơ hội phát triển bền vững cho nền kinh tế lâm nghiệp Việt Nam.

Đánh giá về cơ hội và thách thức trong việc mở rộng giao dịch tín chỉ carbon rừng, ông Hà Công Tuấn, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế NN&PTNT cho rằng, trước tiên cần hiểu rằng giao dịch tín chỉ carbon rừng hiện nay bao gồm cả hợp tác quốc tế và cơ chế bán tín chỉ tự nguyện, chưa phải là thị trường bắt buộc. Vừa qua, Bộ NN&PTNT đã ký biên bản ghi nhớ với hai tổ chức quốc tế, chuẩn bị thực hiện giao dịch hơn 10 triệu tín chỉ carbon tại khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Tuy nhiên, quá trình triển khai các thỏa thuận này vẫn còn nhiều thách thức.

Hiện tại Việt Nam chưa có cơ chế vận hành chính thức cho thị trường tín chỉ carbon. Theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP về quy định giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, thị trường tín chỉ carbon dự kiến đến năm 2028 mới được thiết lập. Khi chưa có thị trường chính thức, Việt Nam nên cho phép triển khai thí điểm và xuất bán tín chỉ carbon ra thị trường quốc tế.

Ông Hà Công Tuấn phân tích thêm: "Bên cạnh đó, vấn đề đấu thầu, đấu giá trong giao dịch tín chỉ carbon cũng gây ra nhiều băn khoăn. Nếu là hợp tác quốc tế, giao dịch này không nên bị ràng buộc bởi đấu giá, vì điều đó có thể làm mất cơ hội và lãng phí tài nguyên. Vừa qua, nhiều ý kiến lo ngại Việt Nam đang bán "lúa non" với giá quá thấp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, giá tín chỉ carbon ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên dao động từ 5 đến 10 USD/tấn. Quan trọng hơn, 95% để đóng góp NDC (đóng góp do quốc gia tự quyết định về giảm phát thải khí nhà kính), đồng thời mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân thông qua nguồn thu nhập từ giao dịch này".

Ngoài lợi ích kinh tế, việc triển khai tín chỉ carbon còn góp phần nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Ông Hà Công Tuấn đề nghị các bộ, ngành cần phối hợp sớm trình Chính phủ quyết định để triển khai cơ chế tín chỉ carbon tự nguyện, đặc biệt tại khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Theo ông Trần Hiếu Minh, tín chỉ carbon càng lâu sẽ giảm giá trị, ảnh hưởng đến mức giá khi giao dịch. Hiện nay, cả đối tác quốc tế và trong nước đều bày tỏ sự quan tâm đến việc chuyển nhượng tín chỉ carbon. Bộ NN&PTNT đã thu thập ý kiến từ các bộ, ngành và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để triển khai các hoạt động liên quan nhằm tận dụng tối đa cơ hội này.

Ông Hà Công Tuấn cho rằng, thực hiện phát triển xanh, giảm phát thải khí nhà kính không chỉ là trách nhiệm mà là niềm tự hào của mỗi người, đi đầu phải là các doanh nghiệp, người dân. Nếu Việt Nam làm tốt sẽ nâng vị thế quốc gia. Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được coi là một nhiệm vụ trọng yếu, góp phần thực hiện thành công cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế, hướng đến NET ZERO vào năm 2050.

Đỗ Hương

11 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 732
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 732
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87033359