Cao tốc dọc miền Trung sắp 'nên dáng, nên hình' 

(Chinhphu.vn) - Nếu như đoạn Mai Sơn-QL45 hoàn thành trong vài ngày tới đây (30/4) thì đoạn Nghi Sơn-Diễn Châu và đoạn QL45-Nghi Sơn dự kiến "cán đích" lần lượt trong tháng 8 và tháng 9. Như vậy, hình hài tuyến cao tốc Bắc-Nam dọc miền Trung đang dần thành hình theo đúng kế hoạch Chính phủ giao cho Bộ GTVT cũng như sự mong mỏi của người dân khu vực miền Trung.
Cao tốc dọc miền Trung sắp 'nên dáng, nên hình'  - Ảnh 1.

Đến ngày 30/4/2023 tuyến cao tốc Mai Sơn - QL45 sẽ chính thức hoạt động - Ảnh: Báo GT

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng vừa có cuộc kiểm tra tại công trường các dự án thành phần của cao tốc Bắc-Nam khu vực miền Trung. 

Mai Sơn-QL45 cán đích đúng hẹn

Là một trong 3 dự án thành phần của cao tốc Bắc-Nam dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 30/4 tới đây, sản lượng thi công dự án đoạn Mai Sơn - QL45 (dài 63,37 km) đạt khoảng 90%. Trong đó, hạng mục bê tông nhựa C12,5 đạt 90%, hệ thống an toàn giao thông (ATGT) đạt 70%.

Tại vị trí thi công hầm Thung Thi (dài 680 m, thuộc địa phận xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, thuộc gói thầu XL12), đại diện Ban QLDA Thăng Long (chủ đầu tư dự án) cho biết hầm Thung Thi là một trong những hạng mục phức tạp, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao nhất của toàn tuyến. Hiện tại, đơn vị thi công đã cơ bản hoàn thành các hạng mục, chỉ còn hoàn thiện một số điểm lắp đặt hộ lan, công tác đảm bảo ATGT…

Riêng nút giao Đông Xuân gần cuối tuyến thuộc gói thầu XL14 đang bị chững lại do ảnh hưởng mưa nhiều những ngày qua. Nhà thầu Vinaconex đã tiến hành thảm nhựa lớp 2 và đang chuẩn bị thực hiện đổ bê tông tại vị trí tiếp giáp đường lên xuống cao tốc (nơi sẽ đặt trạm thu phí sau này).

Cao tốc dọc miền Trung sắp 'nên dáng, nên hình'  - Ảnh 2.

Sản lượng thi công dự án đoạn Mai Sơn - QL45 (dài 63,37 km) đạt khoảng 90% - Ảnh: Báo GT

Ông Lương Văn Long, Giám đốc điều hành dự án Ban QLDA Thăng Long cho biết Ban QLDA đã yêu cầu các nhà thầu duy trì tiến độ 3 ca, 4 kíp, đẩy nhanh việc thi công các hạng mục còn lại như đường gom, nút giao, hệ thống cảnh báo ATGT.

"Đến ngày 30/4 tới, tuyến cao tốc Mai Sơn - QL45 sẽ hoạt động và các phương tiện đi từ Hà Nội về đến nút giao cao tốc Đông Xuân để xuống QL47 rồi ra QL1A tiếp tục hành trình", ông Lương Văn Long báo cáo với Bộ trưởng.

Đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của Ban QLDA Thăng Long, các nhà thầu và UBND tỉnh Thanh Hóa trong suốt quá trình GPMB, thi công dự án, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các đơn vị giám sát chặt chẽ chất lượng công trình. Ban QLDA Thăng Long và các đơn vị thi công phải đảm bảo không để các phương tiện khác vào công trường.

Cao tốc dọc miền Trung sắp 'nên dáng, nên hình'  - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Ban QLDA 2 tạo đường găng mới để đưa dự án QL45-Nghi Sơn về đích trước ngày 2/9.

Tạo đường găng mới cho đoạn QL45 - Nghi Sơn

Dự án cao tốc đoạn QL45 - Nghi Sơn, đại diện Ban QLDA 2 cho biết, hiện nay các gói thầu đang chậm tiến độ. Tổng sản lượng mới đạt 64,95%. 

Nguyên nhân chậm ngoài yếu tố khách quan do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, thiếu nguồn vật liệu, thời tiết thì về mặt chủ quan, các nhà thầu như Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (gói XL01), Công ty Định An (XL02), Công ty miền Trung (XL03) chưa huy động đầy đủ nhân sự, thiết bị thi công, nguồn lực tài chính cho gói thầu.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhận định đến ngày 2/9 tới, đoạn QL45-Nghi Sơn phải xong trong khi khối lượng công việc còn lại lên đến 35%. Mặc dù các nhà thầu đều cam kết đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ nhưng Ban QLDA không thể chủ quan. 

"Thời gian vẫn đủ để làm nếu như chúng ta tập trung các nguồn lực tài chính, máy móc, thiết bị, tổ chức thi công 3 ca 4 kíp. Đồng thời, tạo lại đường găng tiến độ mới, các nhà thầu bám vào đường găng này để thực hiện, phải phấn đấu toàn tuyến xong trước ngày 30/8", Bộ trưởng yêu cầu.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng đề nghị Ban QLDA 2 giám sát chặt các nhà thầu. Nhà thầu nào chậm tiến độ cần có hình thức xử lý hoặc thay thế. Phía các nhà thầu cần tập trung tài chính, huy động máy móc, nhân lực vào công trường để đẩy nhanh tiến độ thi công.

Cao tốc dọc miền Trung sắp 'nên dáng, nên hình'  - Ảnh 4.

Các hạng mục chính hầm Trường Vinh dự án Nghi Sơn-Diễn Châu đã cơ bản hoàn thành. Ảnh: Báo GT

Đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu có thể thông xe ngay trong tháng 8

Tại dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu, ông Phạm Văn Minh, Phó Giám đốc Ban QLDA 6 cho biết thời điểm hiện tại, cả 4 gói thầu xây lắp thuộc dự án đã cơ bản hoàn thành công tác đào, đắp nền đường K95, K98 toàn tuyến. Sản lượng thi công ước đạt khoảng 3.206,5/4.395 tỷ đồng (tương đương 73% giá trị các hợp đồng).

“Theo tiến độ hiện tại, dự kiến trong tháng 6/2023 sẽ hoàn thành cấp phối đá dăm. Hai lớp bê tông nhựa sẽ được hoàn thành trước ngày 15/7/2023. Trong tháng 8/2023, hệ thống hộ lan, rào chắn sẽ được hoàn thiện và có thể cho thông xe ngay trong tháng 8, rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội tới Vinh chỉ còn hơn 3 tiếng đồng hồ”, ông Minh nói.

Sau khi đi thị sát dọc tuyến, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng biểu dương Ban QLDA 6 và các nhà thầu thi công dự án cao tốc đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ để dự án hoàn thành đúng kế hoạch.

Tuy nhiên, Bộ trưởng vẫn nhắc nhở Ban QLDA, tư vấn và các nhà thầu không được chủ quan, phải tranh thủ khi thời tiết thuận lợi tập trung làm nhanh, xong càng sớm càng tốt. Phấn đấu tháng 8/2023 hoàn thiện dự án, thông xe cùng với dự án cao tốc đoạn QL45 - Nghi Sơn.

Diễn Châu - Bãi Vọt: Tăng tốc thi công bù tiến độ

Tại dự án cao tốc đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, báo cáo Bộ trưởng về tiến độ triển khai, ông Nguyễn Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng (doanh nghiệp dự án) cho biết trên công trường, các nhà thầu đã huy động 85 mũi thi công ở 4 gói thầu xây lắp. 

Tổng giá trị các nhà thầu thực hiện đến nay là hơn 2.851 tỷ đồng, đạt 95,6% kế hoạch và đạt 33,2% giá trị hợp đồng (chậm 1,5% so với tiến độ điều chỉnh lần 3). Doanh nghiệp đã giải ngân cho các nhà thầu hơn 2.486 tỷ đồng.

Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt là 1 trong 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam được đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Dự án có chiều dài hơn 49km, tổng mức đầu tư hơn 11.157 tỷ đồng.

Dự án được khởi công từ tháng 5/2021, kế hoạch hoàn thành tháng 5/2024.

Theo ông Phạm Đình Hạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hòa Hiệp (người đứng đầu liên danh nhà đầu tư) cho biết, dự án bị chậm tiến độ do mất tới 9 tháng thương thảo với ngân hàng. Khi có tiền thì lại gặp biến động giá, trong khi giá dự toán thấp nên gói XL04 không tìm được nhà thầu.

"Tới tháng 7/2022, liên danh nhà đầu tư phải chia nhau đứng ra đảm nhận thi công gói này nên tiến độ bị chậm. Ở hạng mục cầu Xuân Dương 2, khi khoan được 2 trụ nhà thầu phát hiện địa chất sai khác lớn nên phải dừng thi công để đề nghị điều chỉnh thiết kế kỹ thuật. Đến thời điểm này, tất cả các gói đều đã thi công đồng loạt, chúng tôi sẽ đẩy nhanh tiến độ", ông Hạnh cam kết.

Lắng nghe những khó khăn nhà thầu nêu ra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án phải quyết liệt chỉ đạo nhà thầu triển khai thi công bù lại tiến độ bị chậm.

"Dự án này cũng là một phần trong các dự án cao tốc. Nếu các dự án cao tốc khác làm xong mà dự án này vẫn chậm thì sẽ không phát huy hết hiệu quả của tuyến đường huyết mạch quốc gia. Ở đây, dự án cũng gắn liền với lợi ích của nhà đầu tư, làm xong sớm ngày nào thì có lợi cho nhà đầu tư ngày đó. Ban QLDA, doanh nghiệp dự án ngay sau đây lập lại kế hoạch thi công để lần sau tới công trường sẽ thấy một diện mạo khác”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo. 

Phan Trang

473 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 314
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 314
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88615213