|
Ảnh: VGP/Thu Lê |
Ngày 20/9, tại TPHCM, Hiệp hội Cao su Việt Nam tổ chức kỷ niệm 15 năm hoạt động và phát triển (2004-2019) nhằm tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động của Hiệp hội.
Xuất khẩu cao su đạt 6,6 tỷ USD
Theo ông Võ Hoàng An, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam, trong 15 qua, ngành cao su Việt Nam đã có những bước phát triển cả về năng suất, diện tích và sản lượng. Năm 2003, năng suất mủ cao su mới đạt 1.363 kg/ha, tới năm 2013 đã đạt 1.720 kg/ha, sau đó giảm nhẹ do tình hình giảm giá kéo dài.
Diện tích cây cao su được mở rộng thêm đạt 966.800 ha năm 2018, sản lượng đạt hơn 1,1 triệu tấn, trong đó cao su tiểu điền đóng góp 50,8% về diện tích và 61,6% sản lượng.
Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu cao su thiên nhiên đạt 2,1 tỷ USD. Các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề chế biến sản phẩm cao su (lốp xe, linh kiện cao su, cao su kỹ thuật…) cũng góp phần đưa tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu sản phẩm cao su đạt trên 16,5 %/năm, với kim ngạch năm 2018 đạt xấp xỉ 2,4 tỷ USD. Nguyên liệu gỗ cao su và sản phẩm gỗ cao su cũng đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 2,1 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành cao su Việt Nam ước đạt 6,6 tỷ USD.
Tới năm 2019, ngành cao su Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 2 về năng suất, thứ 3 về sản lượng và thứ 4 về xuất khẩu trên thị trường cao su thiên nhiên thế giới. Trong đó, hội viên Hiệp hội đóng góp 40% về sản lượng, 70% về kim ngạch xuất khẩu cao su thiên nhiên.
Ông Võ Hoàng An cho biết từ 55 thành viên sáng lập, tới nay, Hiệp hội đã có 130 hội viên thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, gồm các doanh nghiệp, tổ chức thuộc lĩnh vực sản xuất cao su thiên nhiên, thành phẩm cao su, gỗ cao su, kinh doanh và xuất nhập khẩu cao su, thiết bị, nguyên vật liệu; các dịch vụ liên quan đến ngành cao su… giúp Hiệp hội thúc đẩy sự phối hợp giữa các hội viên, hợp tác vì sự phát triển toàn ngành cao su.
Trong 15 năm qua, Hiệp hội đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên để tăng cường sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu. Đồng thời, cùng hội viên tham gia tích cực với các bộ ngành xây dựng chính sách, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy ngành cao su phát triển nhanh.
Hiệp hội đã và đang thực hiện Đề án xây dựng và phát triển thương hiệu ngành cao su Việt Nam dựa trên các tiêu chí chuẩn mực về chất lượng và uy tín, đáp ứng theo xu hướng phát triển bền vững của thị trường và được nhận diện qua hình ảnh của Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam/Vietnam Rubber”.
Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam” đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ trong nước từ cuối năm 2014 và được bảo hộ tại một số thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc). Hiện nay, đang thực hiện đăng ký mở rộng thêm thị trường Campuchia, Lào và Hoa Kỳ.
Tính đến tháng 9/2019, đã có 61 sản phẩm thuộc 23 nhà máy của 12 đơn vị được quyền sử dụng nhãn hiệu Cao su Việt Nam. Danh sách các sản phẩm này đã được Hiệp hội quảng bá trên các ấn phẩm, sự kiện xúc tiến thương mại, đặc biệt được giới thiệu tại một số hội nghị cao su quốc tế, tạo hình ảnh nhận diện các sản phẩm cao su Việt Nam bảo đảm tiêu chí chất lượng và uy tín, từ đó từng bước góp phần xây dựng Thương hiệu ngành cao su Việt Nam.
Giải pháp vượt qua thách thức
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết Bộ NN&PTNT luôn đánh giá cao những nỗ lực của Hiệp hội Cao su Việt Nam trong đồng hành với hội viên cũng như phản ánh kịp thời những khó khăn về chính sách, phối hợp cùng các bộ ngành đề ra giải pháp tháo gỡ vướng mắc, tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, Hiệp hội đã tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp trong ngành về Quy chuẩn quốc gia đối với nước thải sơ chế cao su; miễn giảm thuế cao su tổng hợp và một số nguyên liệu cao su kỹ thuật mà Việt Nam chưa sản xuất được; miễn giảm tiền thuê đất với diện tích cây cao su tái canh trong thời gian kiến thiết cơ bản; miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trồng và chế biến mủ cao su…
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Toản, trong cơ cấu xuất khẩu ngành cao su Việt Nam, tỷ lệ xuất khẩu cao su thiên nhiên vẫn ở mức cao, tiêu thụ nội địa cho chế biến sâu còn thấp nên ngành còn gặp nhiều khó khăn do lệ thuộc quá nhiều vào giá cao su thế giới.
“Bên cạnh thị trường nước ngoài, ngành cao su cần quan tâm phát triển thị trường nội địa, đồng thời nâng tính cạnh tranh bằng cách bảo đảm chất lượng sản phẩm theo chuẩn mực quốc tế, thống nhất về quản lý chất lượng trên phạm vi cả nước, tăng cường áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và tiếp tục xây dựng thương hiệu của ngành. Ngoài ra cần hướng đến phát triển bền vững, trở thành những doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội và môi trường”, ông Toản nói.
Nhận diện những khó khăn hiện tại của ngành cao su là mức giá xuống quá thấp, cạnh tranh ngày càng gay gắt, trong khi hạn chế lớn của ngành về mặt hàng cao su thiên nhiên là cơ cấu chủng loại chưa phù hợp, chất lượng chưa đồng đều và ổn định, tỷ lệ tiêu thụ trong nước còn thấp. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp chế biến sản phẩm cao su nội địa chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, Việt Nam hiện vẫn phải nhập khẩu nhiều sản phẩm cao su. Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết định hướng hoạt động của Hiệp hội là tiếp tục khuyến khích hội viên tìm giải pháp chuyển đổi cơ cấu chủng loại phù hợp cùng với nâng cao chất lượng cao su thiên nhiên.
Hiệp hội cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành đề xuất tổ chức hệ thống quản lý chất lượng cao su thiên nhiên và sản phẩm cao su, xây dựng và giữ vững uy tín cho thương hiệu “Cao su Việt Nam” nhằm tăng sức cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Một nhiệm vụ quan trọng được Chủ tịch Hiệp hội nhấn mạnh là cùng các hội viên tham gia các dự án nâng cao giá trị gia tăng và phát triển công nghiệp chế biến sâu do Chính phủ quy hoạch cho ngành cao su. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế với các nước sản xuất, tiêu thụ cao su thiên nhiên để cùng nhau phát triển bền vững trên cơ sở cân đối cung cầu, bảo đảm thu nhập hợp lý cho người trồng cao su và tham gia chuỗi giá trị cao su toàn cầu.
Thu Lê