Hình ảnh tại diễn đàn (Ảnh:M.P)
Tại Diễn đàn, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng cạnh tranh là nền tảng, là linh hồn của kinh tế thị trường, mức độ cạnh tranh càng lớn, càng công bằng càng thể hiện cấp độ phát triển của thị trường. Đây là động lực của những người tham gia thị trường, kể cả người tiêu dùng. Cạnh tranh cũng là nền tảng để thúc đẩy phân bố nguồn lực hiệu quả.
Ông Nguyễn Đình Cung cũng nhấn mạnh, không nên sợ cạnh tranh, đồng thời phải điều tiết hành vi hạn chế cạnh tranh, kiểm soát được hành vi độc quyền, loại bỏ hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Liên quan đến phạm vi điều chỉnh của Luật Cạnh tranh 2004, TS. Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay các hành vi chịu sự điều chỉnh của Luật Canh tranh 2004 bao gồm: Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền và tập trung kinh tế.
Về các hoạt động điều tra tiền tố tụng, Bộ Công Thương đã tiến hành hoạt động này với nhiều ngành, lĩnh vực có tính chất quan trọng, nhạy cảm trong nền kinh tế nhằm tăng cường khả năng phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh.
Ông Trịnh Anh Tuấn cũng cho biết, tính đến 2016, số vụ việc điều tra liên quan đến các hành vi hạn chế cạnh tranh chính thức là 8 vụ, số vụ được Hội đồng cạnh tranh tiến hành xử lý là 6 vụ, số doanh nghiệp bị điều tra là 70 doanh nghiệp. Kết quả đã thu về ngân sách nhà nước số tiền phạt và phí xử lý là 5,5 tỷ đồng.
Về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, ông Tuấn cho biết thêm, tính đến hết năm 2016 đã có hơn 330 hồ sơ khiếu nại, trong đó có 182 vụ đã được điều tra, xử lý.
Cũng tại diễn đàn, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, qua rà soát, có một số dạng điều kiện kinh doanh điển hình đang gây khó khăn cho doanh nghiệp như điều kiện kinh doanh thiếu minh bạch, áp đặt, phân biệt về quy mô, can thiệp vào quyền tự quyết của doanh nghiệp, can thiệp vào thị trường bằng các biện pháp mệnh lệnh hành chính.
Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, hiện nay ở Việt Nam có thói quen cố hữu là các cơ quan quản lý dường như luôn bị ám ảnh về nhu cầu quản lý nên chúng ta thường thấy, các cơ quan soạn thảo pháp luật khi lý giải cho mục tiêu của chính sách, mục đích của một quy định, đạo luật vẫn là nhằm “đáp ứng mục tiêu quản lý Nhà nước” hay "tăng cường quản lý nhà nước”.
Trưởng ban Pháp chế VCCI phân tích, nếu quy định không phù hợp thực tiễn, quá khắt khe, nếu doanh nghiệp tuân thủ đúng thì không thể cạnh tranh. Còn không tuân thủ thì nguy cơ bị coi là vi phạm pháp luật luôn lơ lửng trên đầu, họ như con tin của công chức “nhiều quyền, thiếu tâm”. Rồi “hàng rừng các quy định” khiến doanh nghiệp càng nổi, càng thành công thì càng rủi ro.
Nhấn mạnh cần phải tiếp tục cải cách điều kiện kinh doanh bởi việc cải cách điều kiện kinh doanh trong thời gian qua chưa đạt hiệu quả mong muốn, ông Tuấn cho rằng để tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách điều kiện kinh doanh thì phải hành động thực chất và quyết liệt. Bên cạnh đó, cần có cơ chế xử lý cơ quan, bộ, ngành không bãi bỏ điều kiện kinh doanh mà chính phủ đã yêu cầu và giám sát việc “sinh” thêm giấy phép mới. Chỉ cần thực hiện hết các giải pháp nêu tại Nghị quyết 19 của Chính phủ ban hành hàng năm đã có thể tạo ra thay đổi lớn …/.
Minh Phương