Bác sĩ Lê Văn Lâm - Trưởng khoa Hồi sức tích cực Chống độc - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, là người quyết định dùng bia truyền vào dạ dày bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật để giải độc rượu methanol. Giải pháp này có trong các hướng dẫn y khoa trên thế giới cũng như phác đồ của Bộ Y tế. Đây là quyết định nhanh chóng, dứt khoát để cứu mạng một con người. Bác sĩ Lâm có trình độ chuyên môn và có tâm với người bệnh, không tính toán đến hơn thiệt đối với cá nhân mình.
Trong y khoa luôn có rủi ro, với những ca bình thường, người bệnh vong mạng thì bác sĩ cũng lao đao, có nhiều vụ thầy thuốc chịu tiếng mang lời, búa rìu dư luận mặc dù lỗi không thuộc về họ. Còn đối với trường hợp bệnh nhân ngộ độc rượu, bác sĩ dùng 15 lon bia để truyền, nếu điều không may xảy ra, áp lực của dư luận không nói chắc ai cũng biết.
Bác sĩ Lê Văn Lâm xứng đáng được vợ bệnh nhân cám ơn bằng hai chữ “tái sinh”.
Một trường hợp “tái sinh” rất cảm động khác là BS Phạm Trần Xuân Anh - Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng và nhóm bác sĩ tại đây đã nối thành công cánh tay của nữ sinh viên Ngô Thị Su Sal. Nữ sinh viên này bị tai nạn trên đèo Hải Vân, nhập viện khoảng 13 giờ 30 ngày 8.1 trong tình trạng mất một phần cánh tay trái. Phần tay còn lại bị tổn thương, giập nát nghiêm trọng.
Các bác sĩ không chỉ cấp cứu cho cô, mà mong muốn là phải cứu được cánh tay của cô, nên liên hệ với Trung tâm Cấp cứu 115 phải tìm bằng được cánh tay và nhanh chóng chuyển về BV Đà Nẵng. Để tìm được cánh tay của nạn nhân, có tâm sức của nhiều người, đó là anh Nguyễn Xuân Hải (37 tuổi, làm việc ở Phòng khám Đa khoa Sống khỏe tại TP.Tam Kỳ, Quảng Nam), và những người cùng anh đi mua thùng xốp, mua đá để ướp cánh tay, chuyển về bệnh viện. Không có những tấm lòng nhân hậu đó, cánh tay mất đi sao về được bệnh viện để các bác sĩ nối cho nạn nhân.
Các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng đã mất 5 giờ để nối lại cánh tay cho Ngô Thị Su Sal. Sự vất vả của các bác sĩ trong 5 giờ, nhưng cứu cả cuộc đời một con người. Mất đi một cánh tay, cuộc đời của nữ sinh viên này sẽ khác.
“Tái sinh” hai trường hợp, một là mạng sống, hai là số phận, các bác sĩ còn “tái sinh” niềm tin đối với cuộc sống, đó là chung quanh ta còn quá nhiều điều đẹp đẽ.