Tuyệt đối an toàn
Đặc điểm quan trọng nhất của phương thức CTTN trên cây trồng và vật nuôi chính là giảm hoặc chấm dứt việc sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, góp phần bảo vệ môi trường đồng thời gắn kết sản xuất với thị trường, đáp ứng nhu cầu bức thiết đối với nông sản an toàn hiện nay.
|
Khai trương cửa hàng Nông sản sạch Triệu Phong tại Đông Hà (Ảnh: Quang Huy - Thanh Mai) |
Ông Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc HTX Nông sản sạch Triệu Phong cho biết bắt đầu từ vụ HT 2016 ông cùng các hộ trong HTX bắt tay vào thực hiện mô hình sản xuất lúa theo phương pháp CTTN. Mục đích của cách làm mới này nhằm bảo vệ môi trường nông thôn và hạn chế sử dụng thuốc hóa chất BVTV trong nông nghiệp.
Nguyên tắc của phương pháp CTTN là tôn trọng tự nhiên, dựa vào nguồn lực có sẵn trong tự nhiên thay cho việc thâm canh dựa vào hóa chất để tạo ra năng suất vượt trội. Cốt lõi của phương pháp CTTN là tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ đất, nguồn nước, làm nền tảng căn bản cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Sản phẩm làm ra cũng đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người sử dụng.
Theo tính toán của phòng NN-PTNT huyện Triệu Phong, mặc dù CTTN năng suất thấp hơn so với sản xuất thông thường từ 20 đến 30 kg/sào, song bù lại giá bán lại cao gấp đôi, đến 15 ngàn đồng /kg lúa, còn gạo đến 22 ngàn đồng/kg. Trong khi lúa sản xuất truyền thống chỉ bán được từ 6 ngàn đến 7 ngàn đồng/kg. Chi phí sản xuất theo CTTN tốn 28 triệu đồng/ha, trong khi đó sản xuất lúa truyền thống tốn 23 triệu đồng/ha. Nhưng bù lại giá trị thu được từ lúa CTTN đến 54 triệu đồng/ha, trong khi sản xuất lúa truyền thống chỉ 27 triệu đồng/ha. Tính ra lợi nhuận sản xuất lúa CTTN đến 26 triệu đồng/ha, sản xuất lúa truyền thống cho lợi nhuận chỉ 4 triệu đồng/ha.
Tiếp tục thúc đẩy
Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc và Tầm nhìn Thế giới vừa thông qua đại diện là Tầm nhìn Thế giới Việt Nam quyết định tiếp tục tài trợ thêm gần 1 triệu USD cho huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị để phát triển chuỗi giá trị về nông sản canh tác tự nhiên.
Dự án được thực hiện đến năm 2019, có tổng vốn đầu tư 992.228 USD (tương đương hơn 20 tỷ VND) nhắm đến mục tiêu góp phần tăng thu nhập cho nông dân, đặc biệt là các nông hộ nghèo có trẻ ở 5 xã của huyện Triệu Phong.
|
Nhiều người dân muốn được tiêu thụ sản phẩm an toàn để bảo vệ sức khỏe (ảnh: Quang Huy - Thanh Mai) |
Ông Đào Văn Đức, Quản lý Dự án Canh tác Tự nhiên cho biết trong giai đoạn 2017 - 2019, dự án sẽ tập trung củng cố và mở rộng mô hình canh tác tự nhiên đến 1.000 hộ dân trong 5 xã của huyện Triệu Phong, bao gồm Triệu Trung, Triệu Tài, Triệu Sơn, Triệu Trạch và Triệu Thượng. Dự án hỗ trợ việc áp dụng phương thức CTTN trên các cây trồng vật nuôi chủ yếu tại địa phương (lúa, rau, gà và heo), đồng thời giới thiệu, cung cấp nông sản sạch cho người tiêu dùng một cách bền vững. Các sản phẩm của dự án hiện đã có thương hiệu với tên gọi “Nông sản sạch Triệu Phong”.
Đây là một bước tiến từ dự án “Thúc đẩy các mô hình bảo vệ môi trường” đã được triển khai cũng tại huyện Triệu Phong trong 2 năm 2015-2017, trong đó hỗ trợ người dân áp dụng mô hình biogas kết hợp mở rộng quy mô chăn nuôi lợn; áp dụng mô hình bếp đun cải tiến, tiết kiệm nhiên liệu với giá thành rẻ; xây dựng bãi rác và cung cấp các dụng cụ thiết yếu để vận hành đội thu gom rác địa phương; sản xuất nông sản sạch theo phương thức CTTN.
Kết quả điển hình là một số nông sản sạch như gạo, trứng, thịt gà… đã ra mắt và tiếp cận người tiêu dùng trên địa bàn cũng như ra các tỉnh thành lân cận. Các sản phẩm này cũng đã được giới thiệu tới người tiêu dùng Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…
LÂM QUANG HUY - TÂM PHÙNG