|
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Cảnh sát biển Việt Nam
|
Theo chương trình kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, chiều 19/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường. Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam và biểu quyết thông qua Luật này.
Trước đó, ngày 5/11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường cụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Về vị trí, chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam, có ý kiến đề nghị làm rõ hơn về vị trí, chức năng của cảnh sát biển Việt Nam trong tương quan với Bộ đội Biên phòng và Hải quân trên cơ sở Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết quy định về vị trí, chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam trong dự thảo Luật đã thể chế hóa các quan điểm của Đảng có liên quan tới cảnh sát biển Việt Nam, trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam hiện hành và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Trong bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, Hải quân là nòng cốt; trong bảo vệ biên giới quốc gia trên biển, Bộ đội Biên phòng là nòng cốt; trong thực thi pháp luật trên biển, cảnh sát biển Việt Nam là nòng cốt; mỗi lực lượng đều được pháp luật quy định nhiệm vụ, chức năng cụ thể phù hợp với vị trí, vai trò của mình; đồng thời có sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Quốc phòng và quy định về việc phối hợp hoạt động (khoản 2 Điều 22), nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam, có ý kiến cho rằng, quy định cảnh sát biển Việt Nam có nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia là rất rộng, bao trùm lên nhiệm vụ của Hải quân và các lực lượng khác; đề nghị quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của cảnh sát biển Việt Nam trong thu thập thông tin, phân tích đánh giá, dự báo tình hình để đề xuất chủ trương, giải pháp trong việc bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên các vùng biển Việt Nam.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt nêu rõ, Cảnh sát biển Việt Nam là cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia và là một trong những lực lượng được giao nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển; có trách nhiệm phối hợp với các lực lượng khác để phát huy sức mạnh tổng hợp trong quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Do đó, dự thảo Luật quy định Cảnh sát biển Việt Nam có nhiệm vụ thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để đề xuất chủ trương, giải pháp, phương án bảo vệ an ninh quốc gia là phù hợp, không chồng chéo với Hải quân và các lực lượng khác.
Có ý kiến cho rằng, quy định đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật trên biển và quy định Cảnh sát biển Việt Nam có quyền tuần tra, kiểm tra, kiểm soát là chồng lấn lên chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Kiểm ngư. Về ý kiến này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết Cảnh sát biển Việt Nam và Kiểm ngư Việt Nam đều có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể, phù hợp với vị trí, vai trò của mình theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Hơn nữa, dự thảo Luật đã quy định về nguyên tắc phối hợp xử lý hành vi vi phạm pháp luật trên biển liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của nhiều lực lượng để xử lý kịp thời, hiệu quả vi phạm pháp luật trên biển, phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong quản lý, bảo vệ biển, đảo. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.
Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cũng báo cáo giải trình về các nội dung khác của dự thảo luật như về nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát biển Việt Nam; phạm vi hoạt động; biện pháp công tác của Cảnh sát biển Việt Nam; sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; công bố, thông báo cấp độ an ninh hàng hải và thay đổi cấp độ an ninh hàng hải; phạm vi phối hợp; nguyên tắc phối hợp; về cấp bậc, quân hàm, chức vụ, chế độ phục vụ, chế độ chính sách và quyền lợi của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam; trách nhiệm của HĐND, UBND các cấp
Sau khi nghe trình bày Báo cáo, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Cảnh sát biển Việt Nam với 467 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 96,29% tổng số đại biểu Quốc hội.
Luật Cảnh sát biển Việt Nam được Quốc hội thông qua gồm 8 chương, 41 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; tổ chức và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; chế độ, chính sách đối với Cảnh sát biển Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 3 Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển.
Cảnh sát biển Việt Nam có chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Đảng, Nhà nước về chính sách, pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam; quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế theo thẩm quyền.
Luật cũng xác định ngày 28/8 hằng năm là Ngày truyền thống của Cảnh sát biển Việt Nam. Luật Cảnh sát biển Việt Nam sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2019./.
Theo Cổng TTĐT Quốc hội