Ảnh chụp màn hình thông tin đăng tải sai sự thật trên
“Đầm Bầu Thời Trang Mami”. (Nguồn: nongnghiep.vn)
Mới đây nhất, trang fanpage có tên “Đầm Bầu Thời Trang Mami” đã đăng tải hàng loạt hình ảnh và thông tin là sai sự thật về dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, khi kiểm tra và xác minh, các ảnh trên ảnh fanpage này là lấy lại từ nhiều báo điện tử. Đây là hình ảnh về bệnh sán dây ở lợn xảy ra tại Bình Phước vào tháng 11/2018. Điều đáng nói là cùng với các thông tin bịa đặt đó, fanpage này còn kêu gọi người tiêu dùng "tẩy chay thịt lợn". Những nội dung sai lệch do fanpage “Đầm Bầu Thời Trang Mami” thông tin đã thu hút hàng nghìn lượt like và chia sẻ theo hướng xuyên tạc hoàn toàn về tình trạng dịch tả lợn châu Phi hiện nay. Được biết, ngay sau đó, ngày 8/3, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã ký ban hành văn bản số 1669/BNN-VP khẳng định: Những thông tin đăng tải về dịch tả lợn châu Phi trên là hoàn toàn bịa đặt sai sự thật. Đồng thời, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu xử lý các trang mạng đưa tin sai sự thật về bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Văn bản Bộ NN&PTNT yêu cầu xử lý các trang mạng đưa
tin sai sự thật về bệnh dịch tả lợn châu Phi. (Ảnh: QĐ)
Những thông tin sai sự thật liên quan đến dịch tả lợn châu Phi còn đang đưa đến cái nhìn thiếu chính xác về dịch bệnh này; nhất là việc cho rằng dịch tả lợn châu Phi có thể lây sang người. Chính những thông tin này đã tạo thành làn sóng “tẩy chay” thịt lợn ở số ít người tiêu dùng tại một số địa phương. Chị Thơm, một tiểu thương ở chợ Nghĩa Phương, thành phố Hòa Bình (Hòa Bình) cho biết, lượng thịt bán ra hàng ngày đã giảm gần 1 nửa so với trước kia.
Khi được hỏi về việc sử dụng thịt lợn trong thời gian gần đây, nhiều người cho biết hoàn toàn không mua và ăn thịt lợn kể từ khi có thông tin dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở nước ta. Chị Thu Trà (Cầu Giấy, Hà Nội) có quan điểm: “Tôi cũng có biết về việc bệnh dịch tả lợn không lây nhiễm sang người, nhưng nghe chị em trong cơ quan bàn tán nên tôi quyết định không mua hay ăn bất kỳ sản phẩm nào từ thịt lợn. Vì tôi có suy nghĩ nếu lợn nhiễm bệnh thì sức khỏe người ăn cũng sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng”. Thực tế cho thấy, không chỉ riêng chị Thu Trà mà hiện đang có khá nhiều người tiêu dùng có suy nghĩ phòng còn hơn chữa nên họ quyết định từ chối thịt lợn và các sản phẩm làm từ thịt lợn.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội chia sẻ, người dân không nên quá hoang mang, vì bệnh tả lợn châu Phi không lây sang người. Trường hợp không may ăn phải con lợn nhiễm tả cũng không sao. Do lợn nhiễm bệnh tả châu Phi khi thịt được nấu chín (luộc, xào, nướng…) ăn vẫn an toàn. Bệnh tả lợn châu Phi không lây truyền bệnh sang người, khác với lở mồm long móng (gia súc) hoặc H5N của gà.
Thông tin sai sự thật về dịch tả lợn Châu Phi đã khiến lượng
tiêu thụ thịt lợn tại các chợ giảm đi đáng kể. (Ảnh: QĐ)
Theo các chuyên gia về vệ sinh an toàn thực phẩm, người tiêu dùng cần cảnh giác với những thông tin sai lệch, thiếu chính xác về dịch tả lợn châu Phi. Bởi dịch tả lợn có tác nhân gây bệnh là virus, khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn. Kể cả khi người phơi nhiễm với sản phẩm động vật nhiễm bệnh không được nấu chín cũng không có nguy cơ lây nhiễm bệnh tả lợn sang người. Virus gây bệnh tả lợn châu Phi có đặc điểm là chịu nhiệt kém, tồn tại được 3 giờ khi nấu ở nhiệt độ 50 độ C, 20 phút trong nhiệt độ 60 độ C, 2 phút trong nhiệt độ 90 độ C và bị tiêu diệt dưới 1 phút khi đun sôi ở 100 độ C. Tuy nhiên, bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây nhiễm và gây bệnh ở người. Do đó, người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh. Thịt lợn có hàm lượng dinh dưỡng cao, là loại thực phẩm quen thuộc nên mọi người vẫn có thể ăn thịt lợn bình thường nhưng không nên ăn thức ăn chưa nấu chín như nem, chạo, tiết canh... Thịt lợn cần được nấu chín trước khi ăn.
Được biết, liên quan đến tình trạng phát tán thông tin sai sự thật về dịch tả lợn châu Phi, tại văn bản số 1669/BNN-VP ban hành ngày 08/3, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cũng đã đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những thông tin đăng tải sai sự thật để tránh gây hoang mang dư luận xã hội; hỗ trợ Bộ NN&PTNT, tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng thông tin kịp thời, chính xác cho người dân về diễn biến tình hình dịch tả lợn châu Phi và các biện pháp phòng, chống dịch…
Theo thống kê, đến nay, trên cả nước đã có 13 tỉnh, thành phố công bố xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Trước những diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, người tiêu dùng cần bình tĩnh, cảnh giác với các thông tin sai sự thật về dịch bệnh này; tránh tâm lý hoang mang tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh./.
Bài, ảnh: Quang Đạo