Cảnh báo về tình trạng nuôi tôm trên cát 

(CLO) Sau 18 năm phát triển, nuôi tôm trên cát hiện đã trở thành một nghề làm giàu cho các địa phương ven biển miền Trung, đặc biệt là với các tỉnh như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế… Tuy nhiên, hiện nay nghề này đang có những cảnh báo được đưa ra.

Nền kinh tế mũi nhọn

Nuôi tôm trên cát đã trở thành phong trào khởi phát mạnh ở nhiều địa phương (Ảnh TL)

Theo đánh giá, do tăng trưởng “nóng” trong một thời gian ngắn, cùng với việc phát triển diện tích nuôi một cách ồ ạt, thiếu đầu tư đồng bộ... nên nghề nuôi tôm trên cát ở các tỉnh ven biển miền Trung đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, đối mặt với những khó khăn thách thức lớn. Phong trào nuôi tôm trên cát khởi phát từ những năm 2000 tại một số địa phương với quy mô nhỏ lẻ.

Với điều kiện thuận lợi về đất đai và nguồn nước biển, những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng nuôi trên cát của khu vực các tỉnh thuộc khu vực Bắc và Trung miền Trung không ngừng gia tăng cả về diện tích và sản lượng. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thủy sản, đến nay diện tích nuôi tôm trên cát đã đạt trên 3.000 ha; giai đoạn 2000 - 2002, năng suất nuôi chỉ 2 - 3 tấn/ha, đến nay năng suất tăng gấp 5 - 6 lần, trung bình đạt 13 - 15 tấn/ha. Có những nơi nuôi thâm canh công nghệ cao cho năng suất tới 70 - 100 tấn/ha.

Việc ứng dụng thành công khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất đã trở thành động lực thúc đẩy nuôi tôm trên cát khu vực miền Trung tiếp tục phát triển. Nhiều địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế đã chủ động hoàn toàn công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm công nghệ cao đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Nuôi tôm trên cát đang dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đem lại thu nhập ổn định cho người nông dân, với lợi nhuận trung bình 500 triệu đồng/ha/vụ, thậm chí đạt 700 - 900 triệu đồng/ha/vụ. Nhiều vùng đất cát bạc màu, hoang hóa đã trở thành “đất vàng”, đem lại doanh thu hàng tỷ đồng cho người nuôi tôm, đời sống người dân “thay da, đổi thịt” từng ngày, từ đây xuất hiện nhiều tỷ phú, triệu phú nuôi tôm.

Những cảnh báo

Tuy nhiên nuôi tôm trên cát cũng đưa ra nhiều cảnh báo (Ảnh TL)

Tuy nhiên, tất cả những khái quát trên mới chỉ là bề nổi của nghề này. Sau 18 năm phát triển, hiện nuôi tôm trên cát đang bộc lộ những hạn chế cần phải khắc phục. Theo cảnh báo, nuôi tôm trên cát đã tạo sinh kế, thậm chí cơ hội làm giầu cho không ít dân, ít vùng; nhưng do tăng trưởng nhanh nên nghề này đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó khăn thách thức mà dịch bệnh là vấn đề không thể xem nhẹ.

Khi giá tôm tăng cao, ở nhiều địa phương đã hình thành những vùng nuôi không nằm trong quy hoạch. Một bộ phận nông dân thả nuôi liên tục, nguồn nước nuôi chưa qua xử lý làm mầm bệnh trong môi trường tự nhiên tồn lưu từ vụ này sang vụ khác, dịch bệnh (chủ yếu bị nhiễm bệnh đốm trắng và bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPNS)) lây lan nhanh, khiến rủi ro trong nuôi tôm ngày càng cao, thậm chí tôm chết hàng loạt, người nuôi lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất…

Ngoài dịch bệnh, một cảnh báo nữa cũng được đưa ra với nghề này ấy là tình trạng và hệ lụy về môi trường. Nuôi tôm trên cát đang được coi là một trong những nghề gây ra tình trạng cạn kiệt nguồn nước ngọt và nước ngầm. Theo tính toán, nếu đưa vào nuôi tôm tập trung với quy mô lớn (khoảng 100 ha, nuôi 2 vụ/năm), ước tính sơ bộ nhu cầu nước ngọt cần khoảng 5 triệu m3/năm. Khi khai thác nước ngầm phục vụ nuôi tôm trên cát quá giới hạn cho phép, dẫn đến sụt lở địa tầng, cạn kiệt nguồn nước, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp.

Ngoài việc xả nước thải ra biển, nhiều hộ nuôi hiện nay còn xả trực tiếp nước thải, bùn ao nuôi trên khu vực đất cát cạnh bờ đầm nuôi, gây ô nhiễm và mặn hoá nguồn nước ngầm. Dịch bệnh có thể lây lan sang các đầm nuôi khác do sử dụng nước ngầm đã bị nhiễm bệnh, tạo cơ hội bùng phát dịch bệnh, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất trước mắt và lâu dài.

Không những thế, tại nhiều địa phương, rừng phòng hộ ven biển bị ảnh hưởng và chết do nguồn nước ngầm nuôi cây đã bị hút cạn kiệt phục vụ cho nuôi tôm. Quá trình làm ao, đắp bờ, mở đường đi lại phải đào xới cát làm cho mức độ gắn kết của cát yếu, tạo điều kiện cho hiện tượng cát bay, bão cát. Việc phát triển ao nuôi không đi đôi với bảo vệ rừng phòng hộ hay trồng rừng che chắn, đặc biệt là các khu vực nhiều gió cát, dễ dẫn đến hiện tượng ao nuôi bị vùi lấp trong quá trình sản xuất.

Vì vậy, việc tìm hướng mới cho nghề nuôi tôm trên cát phát triển bền vững, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đang là “bài toán” cần lời giải. Trước thực trạng trên, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định 946/QĐ-BNN-TCTS Phê duyệt Quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản các tỉnh miền Trung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo Bộ NN&PTNT, để đầu tư phát triển nuôi tôm trên cát bền vững, yêu cầu ngành chủ quản và các hộ kinh doanh cần đảm bảo 4 chữ A (An toàn dịch bệnh, An toàn thực phẩm, An toàn môi trường và An sinh xã hội). Trong đó cái cần quan tâm nhất là sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, sự tham gia của các doanh nghiệp, cũng như sự đồng thuận của bà con nông - ngư dân.

Song Nguyên

535 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 699
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 699
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76836535