|
Thông tin người cần ghép thận rao trên MXH |
Phương thức thủ đoạn của chúng là lập các hội nhóm kín trên MXH, thậm chí là một số trang mạng công khai để quảng cáo về việc bán thận, mua thận.
Trong thời gian dài, các trang MXH này liên tục đăng các quảng cáo cần mua thận và còn ghi sẵn yêu cầu đối với người muốn bán thận là phải làm một số xét nghiệm trước. Sau khi có các xét nghiệm này, người bán thận phải gửi cho các đối tượng đứng sau các trang MXH này kiểm tra, khi đạt yêu cầu sẽ liên hệ trực tiếp để thực hiện việc giao dịch.
Các trang MXH thực hiện hành vi mua bán thận này có lượng tương tác khá lớn, có sự tham gia của nhiều người có nhu cầu bán thận do hoàn cảnh khó khăn, nợ nần, cần tiền trang trải cuộc sống.
Công an Hà Nội cho biết, khi bị bắt, các đối tượng môi giới khai nhận, chúng sử dụng MXH để tiếp cận người bán thận và mua thận, sau đó đưa ra mức giá chênh lệch lớn để hưởng lợi (người bán thận được nhận từ 250-320 triệu đồng/quả, còn người mua phải trả từ 340-450 triệu đồng/quả).
Hoặc, lợi dụng nhiều bệnh nhân có nhu cầu ghép thận, các đối tượng môi giới đã lên Facebook quảng cáo người có nhu cầu bán thận nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nạn nhân.
Để ngăn chặn tình trạng môi giới mua bán mô và bộ phận cơ thể người, Công an Hà Nội khuyến cáo hành vi này bị nghiêm cấm, vì vậy, những người bị bệnh cần đến các cơ sở y tế tìm hiểu thông tin, đăng ký nhận mô, bộ phận hiến tặng, chờ cơ hội được ghép thận nhân đạo, tuyệt đối không được mua, bán.
Mặc dù những người bán thận trong các vụ án đều có hoàn cảnh khó khăn, cần tiền trang trải cuộc sống, nhưng không vì thế mà vi phạm pháp luật.
Bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan công an, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường tuyên truyền Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác để người dân nắm được đầy đủ; đồng thời khuyến khích, động viên người dân tham gia hiến, tặng mô với ý nghĩa nhân đạo cho những người mắc bệnh có cơ hội phục hồi sức khỏe.
Tăng cường đấu tranh với các vi phạm liên quan đến mua bán bào thai
Bộ Công an vừa ban hành điện chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường đấu tranh với các vi phạm liên quan đến mua bán bào thai.
Theo đánh giá của Bộ Công an, thời gian qua, tội phạm mua bán người tiếp tục diễn ra phức tạp, đáng chú ý phát hiện việc mua bán bào thai (đưa phụ nữ có thai sang Trung Quốc sinh con rồi bán, điển hình như các vụ ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An), trong khi việc phát hiện, xử lý của lực lượng chức năng gặp khó khăn.
Bộ Công an đã yêu cầu công an các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau: Tham mưu Ban Chỉ đạo 138 các cấp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người của Chính phủ giai đoạn 2016-2020.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, nơi xảy ra tình trạng mua bán bào thai; thường xuyên thông báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, mua bán bào thai để nhân dân cảnh giác, chủ động phòng ngừa.
Tổ chức rà soát tình hình mua bán bào thai, các đường dây, đối tượng môi giới mua bán người, mua bán bào thai ra nước ngoài để triệt xóa; khẩn trương điều tra làm rõ các vụ việc đã xảy ra, xử lý nghiêm đối tượng vi phạm pháp luật, đặc biệt là các vụ việc mua bán bào thai tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.
Tăng cường quản lý xuất, nhập cảnh của công dân, phối hợp lực lượng biên phòng tuần tra kiểm soát, quản lý khu vực biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở.
Rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật trong xử lý vi phạm liên quan đến mua bán bào thai. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Hiệp định tương trợ tư pháp, Hiệp định hợp tác phòng, chống mua bán người giữa Việt Nam-Trung Quốc, phối hợp giải quyết, ngăn chặn hiệu quả tình trạng mua bán người, mua bán bào thai và các yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.
CM (tổng hợp)