|
Các lao động Việt Nam tham gia đào tạo trong chương trình IM Japan. Ảnh: Trung tâm Lao động ngoài nước |
Theo Trung tâm lao động ngoài nước, Bản ghi nhớ giữa Bộ LĐTBXH Việt Nam và Tổ chức Phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản đã được thực hiện từ năm 2005, gọi tắt là Chương trình IM Japan. Đây là chương trình phi lợi nhuận, được Bộ LĐTBXH giao cho Trung tâm Lao động ngoài nước trực tiếp phối hợp với Tổ chức IM Japan triển khai thực hiện.
Qua 14 năm triển khai, chương trình đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo người lao động trên cả nước và đã có gần 6.000 thực tập sinh xuất cảnh sang Nhật Bản thực tập.
Trong thời gian qua, một số tổ chức, cá nhân lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người lao động và tính chất phi lợi nhuận của chương trình để mạo danh Trung tâm lao động ngoài nước hoặc thông tin là có quan hệ với Trung tâm Lao động ngoài nước nhằm làm trung gian, môi giới, thu những khoản tiền trái quy định.
Đã có nhiều người lao động chủ động khai báo việc nộp tiền cho đối tượng trung gian môi giới nên đã được hướng dẫn lấy lại được các khoản tiền đã nộp trái quy định.
Tuy nhiên, một số người lao động do không tìm hiểu kỹ thông tin về chương trình nên đã bị lừa, nộp tiền cho những đối tượng này.
Một số hình thức lừa đảo thường được các đối tượng áp dụng là: Tổ chức bán hoặc phát hồ sơ chương trình IM Japan miễn phí cho người lao động; đứng ra tổ chức các lớp ôn luyện Toán, thể lực trước khi thi tuyển cho người lao động; tổ chức đưa người lao động đi thi tuyển; tuyên truyền về việc có thể tác động vào kết quả thi tuyển, kết quả đào tạo của người lao động, giúp người lao động lựa chọn được những đơn hàng tốt, sớm xuất cảnh sang Nhật Bản thực tập…
Bên cạnh đó, các đối tượng lừa đảo còn yêu cầu người lao động khi nộp tiền phải có cam kết chỉ được nhận lại tiền đã nộp nếu thi trượt chương trình; hướng dẫn cho người lao động trước khi thi để trả lời phỏng vấn, trong đó yêu cầu người lao động không được khai báo về việc người lao động có quen biết, nộp hồ sơ, nộp tiền cho đối tượng trung gian môi giới để che giấu các hành vi lừa đảo nêu trên.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), trong 9 tháng năm 2018, có hơn 102.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tăng 10,19% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó thị trường Nhật Bản đưa được 43.987 người, chiếm khoảng 45%. Không ít đối tượng tuyển xuất khẩu lao động lợi dụng danh nghĩa chương trình IM Japan được miễn phí để “nhập nhèm” thông tin, lừa đảo.
MK