|
Ảnh: VGP/Huy Thắng |
Đây là nội dung được trao đổi tại Diễn đàn an ninh tài chính và cạnh tranh DN do Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (IBCS) phối hợp với Cục An ninh tài chính, tiền tệ và đầu tư (A84-Bộ Công an) tổ chức ngày 25/7 tại Hà Nội.
Phát biểu tại diễn đàn, PGS.TS. Nguyễn Văn Nam, Viện trưởng IBCS cho rằng, trong thập kỷ gần đây khủng hoảng kinh tế diễn ra đều là khủng hoảng về tài chính, vì vậy tất cả lĩnh vực, các cơ quan, DN, ngân hàng đều phải hết sức quan tâm đến an ninh tài chính.
Việt Nam có một thị trường tài chính phát triển sôi động và nhanh chóng, với tổng giá trị của thị trường gấp 75 lần giá trị giao dịch của thị trường hàng hóa. Tuy nhiên, Việt Nam có đội ngũ DN mới hình thành nên còn non trẻ, vì thế cần những biện pháp bảo đảm an ninh tài chính từ các cơ quan Nhà nước.
Nhấn mạnh vấn đề quản trị rủi ro tài chính trong các DN Việt Nam, TS. Phạm Tuấn Anh (Đại học Thương mại) chỉ ra rằng, các DN Việt Nam hiện đang phải đối mặt với rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất, rủi ro hối đoái và rủi ro tín dụng… Năm 2016, có 105 DN niêm yết tại Việt Nam, trong đó có 81% DN thường xuyên nhận diện các rủi ro tài chính, 22% DN sử dụng dịch vụ của tư vấn để nhận diện rủi ro, đồng thời phần lớn DN nhận diện rủi ro thông qua phân tích các chỉ tiêu tài chính căn bản.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, các hình thức nhận diện rủi ro tài chính ở Việt Nam còn khá đơn giản và mang tính hình thức. Nhiều DN ở các ngành, lĩnh vực khác nhau, nhưng cách thức, kỹ thuật nhận dạng rủi ro tài chính lại không có nhiều khác biệt. Trong khi đó, rủi ro tại thị trường tài chính Việt Nam đang đặt ra những vấn đề rất cấp bách, ví dụ như có một số ngân hàng thương mại quản trị kém, phải sáp nhập hoặc bị buộc phải bán với giá 0 đồng… Do đó, phải có nhiều giải pháp để bảo đảm an toàn và an ninh tài chính quốc gia, DN.
Nhận định về tình hình rủi ro an ninh, an toàn trong lĩnh vực tài chính, Thiếu tá Dương Thu Ngọc, đại diện A84 cho rằng, hoạt động của các DN trên lĩnh vực tài chính, ngân hàng và đầu tư có một số diễn biến phức tạp.
Một số cá nhân, DN, ngân hàng không còn cạnh tranh đơn thuần, mà đang tinh vi, quyết liệt hơn trong các giao dịch nội gián, đánh cắp thông tin của đối phương, tung tin đồn thất thiệt để triệt phá nhau, “chạy chính sách”, tạo điều kiện cho “sân sau” hoạt động…
Có không ít cán bộ tín dụng, lãnh đạo các tổ chức tín dụng bị bắt giam, điều tra… cùng nhiều sai phạm liên quan đến điều hành hoạt động và cho vay, gây ảnh hưởng đến an ninh an toàn hệ thống.
Đối với lĩnh vực tài chính, chứng khoán, thuế, hải quan,… đại diện A84 cho biết, cạnh tranh giữa các DN cũng rất phức tạp, nhiều DN trốn thuế, nợ thuế. Có tình trạng DN niêm yết nhưng cố tình che giấu thông tin, tạo doanh thu ảo… Nhiều DN khó khăn về tài chính, kinh doanh thua lỗ nên nợ thuế, trốn thuế có xu hướng gia tăng…
Do đó, đại diện A84 khuyến nghị DN cần nhận thức rõ được tầm quan trọng trong việc bảo vệ thương hiệu và nguy cơ cạnh tranh DN trong môi trường kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng. Từ đó, DN cần có cơ chế kiểm soát, phòng ngừa tốt, đặc biệt là các dữ liệu điện tử để tránh bị tấn công mạng, đánh cắp thông tin. Các DN cũng nên có sự liên kết và gắn bó chặt chẽ với hiệp hội để từ đó có sự chia sẻ thông tin và bảo vệ trong lĩnh vực hoạt động của mình.
Đại diện A84 lưu ý, mỗi vụ việc xảy ra không chỉ là việc cạnh tranh giữa các DN trong nước, mà còn có thể của các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Do đó, khi có vấn đề, DN cần mạnh dạn tố cáo, đấu tranh với các DN cạnh tranh không lành mạnh, các DN có hành vi thao túng, trốn thuế, không công bố thông tin với các cơ quan quản lý…
Các cơ quan chức năng sẵn sàng tăng cường phối hợp với DN để lành mạnh hoá thị trường, góp phần tạo ra sân chơi công bằng giữa các DN.
Huy Thắng