Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 12/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) diễn ra chiều 7/12, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) nhận định, vào dịp cuối năm, các hình thức lừa đảo trực tuyến, nhất là các cuộc gọi lừa đảo sẽ gia tăng. Người dân cần đặc biệt nâng cao cảnh giác trước các cuộc gọi lạ.
Theo ông Nhã , Bộ TT&TT sẽ đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về các hình thức lừa đảo qua các cuộc gọi điện thoại. Đồng thời, Bộ sẽ chỉ đạo các nhà mạng gửi tin nhắn cảnh báo tới người dùng. "Tuy nhiên, ý thức cảnh giác của người dân vẫn là yếu tố quan trọng nhất để phòng chống lừa đảo. Người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác trong quá trình sử dụng, tránh mở các đường link lạ, tránh các cuộc gọi lạ tiếp cận", ông Nhã nhấn mạnh.
|
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông phát biểu tại cuộc họp báo chiều 7/12. |
Đối với các doanh nghiệp viễn thông, Bộ sẽ yêu cầu tiếp tục rà soát hệ thống cơ sở dữ liệu, tăng cường giám sát các thuê bao mới, các thuê bao có nhiều sim, có biểu hiện nhắn tin cùng một lúc tới nhiều số, lượt tin nhắn tăng cao hàng ngày.
Cục Viễn thông cũng tiếp tục đề nghị người dân, khi nhận được tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo thì gửi thông tin tới tổng đài 156156, để Bộ cùng các nhà mạng chặn lọc các số điện thoại này.
Cũng tại buổi họp báo, lãnh đạo Bộ TT&TT cho biết, trong tháng 11/2023, cơ quan này đã xử lý 40 vụ vi phạm về sử dụng tần số. Mới đây nhất, ngày 6/12, tại TP. Hồ Chí Minh, cơ quan chức năng đã phát hiện một cá nhân thực hiện hành vi dùng xe máy chở thiết bị BTS giả (trạm phát sóng giả) phát tán tin nhắn lừa đảo.
Liên quan đến tình trạng lừa đảo, tại cuộc họp báo, đại diện Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cũng thống kê, 11 tháng qua, có gần 16.000 phản ánh lừa đảo được gửi đến các hệ thống cảnh báo. Trong đó, có hơn 91% giả mạo lừa đảo liên quan đến tài chính.
Cục An toàn thông tin đang triển khai một số giải pháp như: tuyên truyền nâng cao nhận thức người dùng về an toàn thông tin, đẩy mạnh tiếp tục phát hành bộ cẩm nang nhận diện về lừa đảo trực tuyến giúp nâng cao nhận thức, nâng cao kỹ năng phòng tránh cho người dân, xây dựng và đưa ra những cảnh báo và khuyến cáo kịp thời, phát triển kênh thông tin của Trung tâm An toàn không gian mạng quốc gia (tại địa chỉ khongianmang.vn) và trên các nền tảng mạng xã hội. Đồng thời, phát triển cơ sở dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến, cung cấp các công cụ để người dùng có thể tự kiểm tra, đảm bảo an toàn thông tin.
|
Quang cảnh buổi họp báo thường kỳ tháng 12/2023 của Bộ TT&TT diễn ra chiều 7/12. |
SIM rác, cuộc gọi rác là vấn đề nhức nhối của ngành Viễn thông
Liên quan đến vấn đề SIM rác, ông Nguyễn Phong Nhã cho biết, Bộ TT&TT coi SIM rác, cuộc gọi rác là vấn đề nhức nhối của ngành Viễn thông. Do đó, Cục Viễn thông vẫn đang cùng các đơn vị liên quan, các nhà mạng giải quyết tình trạng này trong thời gian sớm nhất.
Theo số liệu của Cục Viễn thông, trong tháng 9/2023, có 1,5 triệu thuê bao của các nhà mạng phát triển mới và con số này đã giảm còn 1,23 triệu thuê bao trong tháng 10/2023. “Đây là kết quả đáng ghi nhận của các nhà mạng trong nỗ lực ngăn chặn SIM rác và các thuê bao phát triển mới đều trùng khớp với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia”, ông Nhã cho hay.
Bên cạnh việc giảm phát triển thuê bao mới, việc dừng các đại lý bán SIM cũng là vấn đề trọng tâm. Tuy nhiên, hiện vẫn còn các đại lý bán SIM đã kích hoạt sẵn trên thị trường. Liên quan đến vấn đề này, ông Nhã cho biết, các nhà mạng đang tiến hành khóa 2 chiều những thuê bao đã kích hoạt sẵn. Hiện vẫn chưa có số liệu công bố về số lượng thuê bao kích hoạt sẵn bị khóa 2 chiều.
Thời gian qua, Cục Viễn thông cũng đã triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn cuộc gọi rác. Trong đó, quyết liệt nhất là việc chuẩn hóa thông tin thuê bao, đảm bảo mọi thuê bao đều chuẩn thông tin người dùng và trùng khớp với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia. Đồng thời, Cục Viễn thông cũng cho rà soát những đơn vị, cá nhân sở hữu nhiều SIM và đặc biệt thực hiện “định danh cuộc gọi” để giảm thiếu tối đa cuộc gọi rác./.