Căng thẳng thương mại và những biện pháp tự vệ của Thổ Nhĩ Kỳ
Trong bối cảnh các cuộc đàm phán tại Washington giữa phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ và giới chức Mỹ nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước rơi vào bế tắc, Mỹ đã tiếp tục có thêm động thái trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ về mặt kinh tế khi quyết định tăng gấp đôi mức thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và người đồng cấp Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AP)
Trong một tuyên bố đăng tải trên tải khoản Twitter ngày 10/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay, sản phẩm nhôm và thép của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải chịu mức thuế mới lần lượt là 20% và 50%.
Động thái trên của Mỹ diễn ra ngay sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố nước này sẽ thắng trong "cuộc chiến kinh tế".
Ngày 10/8, kênh truyền hình nhà nước TRT Haber dẫn lời ông Erdogan khẳng định, nước này sẽ không lùi bước trước cuộc chiến tranh kinh tế. Trong khi đó, hãng thông tấn nhà nước Anadolu cũng dẫn lời nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh Ankara sẽ vượt qua sự khó khăn này như vượt qua "trận lũ lụt" đang diễn ra tại tỉnh Ordu của nước này.
Tổng thống Erdogan đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ của người dân thông qua việc bán vàng và các ngoại tệ như USD để mua đồng nội tệ lira, vốn đã mất 25% giá trị tính từ đầu năm đến nay. Ông nhấn mạnh: "Đây sẽ là sự đáp trả của người dân Thổ Nhĩ Kỳ đối với những nước phát động cuộc chiến tranh kinh tế chống lại chúng ta". Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ còn mô tả cuộc khủng hoảng tiền tệ hiện nay là "cuộc đấu tranh dân tộc" chống lại các thế lực thù địch kinh tế, đồng thời trấn an người dân Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó, sáng cùng ngày, đồng lira đã giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD với tỉ giá 6,30 lira/USD, sau khi các cuộc đàm phán tại Washington giữa phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ và giới chức Mỹ nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước rơi vào bế tắc. Đồng lira đã giảm giá hơn 10% kể từ khi Mỹ hồi tuần trước áp đặt trừng phạt đối với Bộ trưởng Tư pháp và Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ với lý do hai quan chức này có vai trò quan trọng trong quyết định bắt và giam giữ linh mục người Mỹ Andrew Brunson.
Ngày 10/8, Bộ trưởng Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ Berat Albayrak cho biết nước này sẽ áp dụng một mô hình kinh tế mới nhằm mang lại phát triển bền vững và dựa trên một "tâm lý chiến lược". Theo quan chức trên, bước đầu của giải pháp kinh tế mới sẽ là "tái cân bằng nền kinh tế", trong đó cam kết bảo đảm sự độc lập của ngân hàng trung ương và siết chặt kỷ luật ngân sách nhà nước.
Trong gần một giờ trình bày kế hoạch kinh tế trước lãnh đạo các doanh nghiệp tại Istanbul, ông Berat Albayrak thông báo Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến hành cải cách cơ cấu, tái cân bằng nền kinh tế với kỳ vọng sẽ mang lại tăng trưởng kinh tế cao và bền vững. Ông Albayrak cho biết Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cắt giảm mạnh chi tiêu khu vực công nhằm tiết kiệm khoảng 35 tỷ lira (5,6 tỷ USD). Ông cũng nhấn mạnh sự độc lập của ngân hàng trung ương sẽ có ý nghĩa rất quan trọng đối với nền kinh tế, đồng thời cam kết bảo đảm sự độc lập của các chính sách tiền tệ.
Mức lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tới mức gần 16% hồi tháng 7 vừa qua, cao nhất trong vòng 14 năm qua. Tuy nhiên, ông Albayrak không đề cập tới các biện pháp cụ thể để vực dậy đồng nội tệ lira vốn đã mất giá tới hơn 30% kể từ đầu năm nay.
Trong thời gian gần đây, đồng lira liên tục trên đà mất giá do giới đầu tư lo ngại Thổ Nhĩ Kỳ siết chặt chính sách tiền tệ trong bối cảnh đang xảy ra khủng hoảng ngoại giao với Mỹ. Tổng thống Tayyip Erdogan muốn các ngân hàng cho vay tín dụng với lãi suất thấp nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. Tuy vậy, giới đầu tư lo ngại nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang phát triển quá nóng và có xu hướng tuột dốc sau thời kỳ phát triển.
Phản ứng lại quyết định tăng thuế của Mỹ đối với mặt hàng nhôm và thép, Thổ Nhĩ Kỳ đã cảnh báo Mỹ rằng các biện pháp trừng phạt và sức ép sẽ chỉ gây tổn hại tới mối quan hệ giữa hai đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) này, đồng thời tuyên bố Ankara sẽ tiếp tục đáp trả các mức thuế của Mỹ nếu cần thiết. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ vẫn khẳng định Ankara mong muốn các vấn đề được giải quyết thông qua ngoại giao, đối thoại, thiện chí và thỏa thuận song phương.
Bộ trưởng Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ Ruhsar Pekcan cũng kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại bàn đàm phán về thuế, cho rằng bất đồng thương mại giữa hai đồng minh NATO có thể và cần được giải quyết thông qua đối thoại. Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ cũng ra một tuyên bố nói rằng các mức thuế bổ sung đối với mặt hàng thép và nhôm mà Mỹ áp đặt vi phạm nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Tìm kiếm đồng minh mới là một trong những con bài mà Thổ Nhĩ Kỳ tìm đến khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ với liên minh châu Âu, với Trung Quốc, với Canada… đang diễn biến phức tạp. Trong bài viết được đăng trên tờ New York Times hôm 10/8, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan nhấn mạnh: "Trước khi quá muộn, Washington phải từ bỏ quan niệm sai lầm rằng mối quan hệ của chúng tôi có thể không tương xứng và chấp nhận thực tế rằng Thổ Nhĩ Kỳ có những lựa chọn thay thế. Trong trường hợp không thể đảo ngược xu hướng đơn phương và thiếu tôn trọng này, chúng tôi buộc phải bắt đầu tìm kiếm những người bạn và đồng minh mới". Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh rằng các hành động đơn phương của Mỹ chống lại Ankara sẽ "chỉ góp phần làm suy yếu lợi ích và an ninh của Mỹ".
Trước đó, ngày 10/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thảo luận về mối quan hệ kinh tế và thương mại.
Tuyên bố của Điện Kremlin cho biết trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về sự thành công của các dự án chiến lược chung giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng.
Trong khi đó, giới chức thuộc Văn phòng Tổng thống Erdogan cho biết hai bên "đã bày tỏ sự hài lòng" về mối quan hệ kinh tế và tài chính đang tiến triển "tích cực", cũng như sự hợp tác song phương trong lĩnh vực quốc phòng và năng lượng.
Cuộc điện đàm diễn ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định tăng gấp đôi mức thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đó, các mặt hàng này của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải chịu mức thuế mới lần lượt là 20% và 50%.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 8/8, Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Fatih Donmez cho biết nước này sẽ tiếp tục mua khí đốt tự nhiên của Iran, bất chấp những lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Tehran.
Ông Donmez cho rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran là hành động “đơn phương”, đồng thời khẳng định việc Ankara tiếp tục nhập khẩu khí đốt từ Iran phù hợp với hợp đồng dài hạn giữa hai bên.
Theo ông Donmez, một phái đoàn của nước này đã có mặt tại Washington để thảo luận với các quan chức Mỹ nhằm cố gắng giải quyết vấn đề này.
Nỗ lực làm giảm căng thẳng
Trong nỗ lực nhằm làm giảm căng thẳng, ngày 7/8, một phái đoàn của Thổ Nhĩ Kỳ do Thứ trưởng Ngoại giao nước này Sedat Onal đã tới Washington để cùng với giới chức Mỹ giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán tại Washington giữa phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ và giới chức Mỹ nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước đã rơi vào bế tắc.
Trong lúc những căng thẳng ngoại giao giữa hai nước chưa được giải quyết, các nhà phân tích cho rằng, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump nâng gấp đôi thuế nhập khẩu đối với nhôm và thép của Thổ Nhĩ Kỳ và việc Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo đáp trả Mỹ sẽ khiến cả hai nước chịu những tác động không nhỏ.
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, tác động có thể nhìn thấy rõ nhất là đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD, với tỉ giá 6,30 lira/USD vào ngày 10/8. Trước đó một tuần, đồng lira cũng đã giảm giá hơn 10% kể từ sau khi Mỹ áp đặt trừng phạt đối với Bộ trưởng Tư pháp và Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ. Trong thời gian gần đây, đồng lira liên tục trên đà mất giá do giới đầu tư lo ngại ông Erdogan siết chặt chính sách tiền tệ trong bối cảnh đang xảy ra khủng hoảng ngoại giao với Mỹ.
Thổ Nhĩ Kỳ được biết đến là nước sản xuất thép lớn thứ 8 trên thế giới và là nước xuất khẩu thép sang Mỹ lớn thứ 6 sau Canada, Brazil, Hàn Quốc, Mexico và Nga. Chính vì vậy, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump nâng gấp đôi thuế nhập khẩu đối với nhôm và thép của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến hàng tỉ USD hàng xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ bị ảnh hưởng mỗi năm.
Không những vậy, Mỹ còn đang cân nhắc xem xét lại việc miễn thuế cho Thổ Nhĩ Kỳ theo chương trình Cơ chế Ưu đãi Chung (GSP) mà Mỹ đã dành cho nước này lâu nay. Nếu điều này xảy ra thì các loại phương tiện giao thông gắn động cơ và phụ tùng, đồ trang sức, kim loại quý và các sản phẩm đá quý, là những mặt hàng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, các lệnh trừng phạt của Washington nhằm vào Ankara sẽ gây phương hại đến nền kinh tế vốn yếu kém của thành viên NATO này. Mức lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tới mức gần 16% hồi tháng 7 vừa qua, cao nhất trong vòng 14 năm qua. Trong khi đó, đồng nội tệ lira vốn đã mất giá tới hơn 30% kể từ đầu năm nay. Theo cuộc thăm dò ý kiến của các nhà kinh tế mới đây do hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) thực hiện, kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2018 dự kiến tăng trưởng 4,1%, thấp hơn mục tiêu đề ra của chính phủ nước này là tăng 5,5%. Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ ở mức 10% vào cuối năm 2018, cao hơn mức dự đoán 9,3% của cuộc thăm dò ý kiến hồi đầu năm 2018 của Reuters và mức mục tiêu 7% của chính phủ nước này.
Trong khi đó, đối với Mỹ, theo nhận định của nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Maurice Obstfeld, việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu đối với nhôm và thép của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như với các đối tác khác không phải là cách làm hiệu quả để giảm thâm hụt thương mại của Mỹ, ngược lại tình hình thâm hụt còn có thể tăng hơn nữa do chính sách kích thích tài khóa theo kế hoạch của nước này.
Theo ông Obstfeld, đồng USD, thường được xem là một đồng tiền trú ẩn an toàn, có thể sẽ tăng hơn nữa khi Mỹ mở rộng việc đánh thuế hàng nhập khẩu, khiến các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ trở nên đắt đỏ hơn so với phần còn lại của thế giới. Hệ quả là khi xuất khẩu của Mỹ giảm và nhập khẩu tăng, thâm hụt thương mại của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tăng hơn nữa.
Ông Obstfeld cũng nhận định rằng tình hình cán cân thương mại hiện nay là một phần quan trọng trong cách thức mà nước Mỹ đang hưởng lợi từ thương mại, chẳng hạn như nhôm nhập khẩu được dùng để chế tạo máy bay và sau đó sản phẩm này được xuất khẩu ra toàn thế giới.
Trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ có ý nghĩa về mặt chiến lược mà còn gắn bó về kinh tế-thương mại, các nhà phân tích cho rằng hai nước cần nỗ lực hóa giải bất đồng để đạt được lợi ích chung. Theo Phòng Đại diện Thương mại Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ 32 của Mỹ và kim ngạch trao đổi hàng hóa hai chiều năm 2016 là 17,4 tỷ USD, trong khi thương mại dịch vụ cũng có tổng kim ngạch 5 tỷ USD.
Ngày 4/8 sau khi Washington áp lệnh trừng phạt nhằm vào 2 bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, khiến quan hệ song phương gia tăng căng thẳng, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã nêu rõ quan điểm “Thổ Nhĩ Kỳ không muốn một mối quan hệ với Mỹ mà không mang lại lợi ích gì cho mỗi bên. Ông Erdogan khẳng định rằng, Thổ Nĩ Kỳ không muốn tham gia vào trò chơi "tất cả cùng thua" với Mỹ. Ông cho rằng việc gắn các xung đột chính trị và pháp lý với vấn đề hợp tác kinh tế sẽ chỉ gây tổn hại tới quan hệ song phương. Mặc dù vậy, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng thông báo đã chỉ thị đóng băng tài sản của các Bộ trưởng Tư pháp và Nội vụ của Mỹ tại nước này, động thái được nhìn nhận là nhằm đáp trả lệnh trừng phạt của Washington.
Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ đã liệt Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Abdulhamit Gul (Áp-đun-ha-mít Gun) và Bộ trưởng Nội vụ Suleyman Soylu vào danh sách trừng phạt với lý do hai quan chức này có vai trò quan trọng trong quyết định bắt giam giữ linh mục Andrew Brunson (An-đriu Brăn-xơn) tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Linh mục Andrew Brunson, người đã làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ trong hơn 20 năm, bị bắt giữ hồi tháng 10/2016 tại một nhà thờ ở thị trấn Aliaga, thành phố Izmir, miền Tây Thổ Nhĩ Kỳ và bị đưa ra xét xử sau hơn 1 năm rưỡi bị giam giữ.
Vụ việc trên đã đẩy Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ - hai nước thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), rơi vào cuộc cuộc khủng hoảng ngoại giao mới. Quan hệ giữa hai nước cũng từng căng thẳng liên quan đến việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân chiếm đóng miền Bắc đảo Cyprus hồi năm 1974 và cuộc chiến tranh tại Iraq do Mỹ đứng đầu hồi năm 2003. Cho đến nay, hai nước vẫn bất đồng quan điểm về hoạt động quân sự tại Syria, trong đó có việc Mỹ hỗ trợ Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) - lực lượng mà Ankara coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.
Giới phân tích cho rằng những biện pháp trả đũa giữa hai nước dường như mang tính biểu tượng bởi hai bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ và các quan chức Mỹ bị liệt trong danh sách trừng phạt không có tài sản tại mỗi nước. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt của Washington nhằm vào Ankara sẽ gây phương hại đến nền kinh tế vốn yếu kém của thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) này.
Giới phân tích cho rằng, sớm muộn, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải tìm đến giải pháp đối thoại, làm giảm căng thẳng bởi một “cuộc chiến tranh thương mại” sẽ chẳng mang lại lợi lích gì cho cả hai bên./.
Tấn Vũ