|
Hình ảnh tại cuộc họp. |
Theo thông tin tại cuộc họp, từ sau Phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo đến nay, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố mới 297 vụ án/682 bị can về các tội tham nhũng (tăng 153 vụ, 298 bị can so với cùng kỳ năm trước).
Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đã khởi tố mới 8 vụ án/29 bị can, khởi tố thêm 40 bị can trong 12 vụ án; kết thúc điều tra 10 vụ án/134 bị can; kết thúc điều tra bổ sung 6 vụ án/142 bị can; truy tố 7 vụ án/77 bị can; xét xử sơ thẩm 5 vụ án/55 bị cáo, xét xử phúc thẩm 6 vụ án/53 bị cáo.
Các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi thu hồi được hơn 9.027 tỷ đồng trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo (tăng hơn 7.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước).
Điểm nổi bật là các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương, nội chính, kiểm tra đã phối hợp chặt chẽ, khắc phục khó khăn, vướng mắc, tập trung điều tra, xử lý nghiêm nhiều vụ án liên quan đến Công ty CP công nghệ Việt Á; Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao; Tập đoàn FLC; Tập đoàn Tân Hoàng Minh; Công ty CP tiến bộ quốc tế (AIC) và các vụ, việc liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai, tài sản nhà nước xảy ra tại TP.HCM, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Dương… trong đó, khởi tố nhiều bị can là cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý; riêng liên quan đến Công ty Việt Á đã khởi tố 25 vụ án, 95 bị can.
Nhấn mạnh những kết quả trong cuộc họp Ban Chỉ đạo, đồng chí Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương nêu rõ: “Tổng Bí thư khẳng định càng đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực càng có thêm sự kiên định, kiên trì và càng có kinh nghiệm. Càng làm càng bài bản và mang lại hiệu quả cao hơn. Chỉ đạo tới đâu, chắc tới đó, đánh đâu, trúng đó… Các đối tượng bị xử lý đều tâm phục, khẩu phục”.
Phó Ban Nội chính Trung ương cũng cho biết, Tổng Bí thư khẳng định, việc đấu tranh PCTN, TC không làm nản lòng nhụt chí ai cả, cũng không phải đấu đá trong nội bộ mà mục tiêu cao nhất là để ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực.
“Đây cũng là mong mỏi của nhân dân là làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm trong sạch bộ máy”, Phó Ban Nội chính Trung ương dẫn lời Tổng Bí thư nói “người xấu mà chê chúng ta xấu chứng tỏ là chúng ta tốt”.
Xử lý nghiêm minh, nhân văn, khoa học các đối tượng liên quan Việt Á
Cũng tại cuộc họp thông báo, đồng chí Nguyễn Văn Yên, Phó ban Nội chính Trung ương, cho biết đây là vụ án điển hình về "tham nhũng có hệ thống" do tính quy mô, xảy ra từ cơ quan, bộ ngành trung ương đến các địa phương.
Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đã thống nhất chủ trương phân loại cấp độ xử lý người liên quan theo tinh thần nghiêm minh, khoa học, nhân văn. Trên cơ sở này và việc khắc phục hậu quả, dự kiến có các cấp độ bao gồm: nghiêm trị, giảm hình phạt, miễn hình phạt, miễn trách nhiệm hình sự đối với từng đối tượng khác nhau liên quan tới vụ Việt Á.
Đồng chí Nguyễn Văn Yên nêu rõ, việc phân loại được xét đến trong bối cảnh thời điểm xảy ra vụ án cả nước đặt nhiệm vụ chống COVID-19 lên hàng đầu “chống dịch như chống giặc”, cứu được dân là cứu nước. Lực lượng cán bộ y tế nói chung và tại các trung tâm y tế dự phòng (CDC) các tỉnh, thành nói riêng, có liên quan sai phạm, đều là những mũi nhọn hàng đầu khi chống dịch.
"Đóng góp của cán bộ y tế là vô bờ bến. Họ bước vào cuộc chiến thời bình, tiếp cận với dịch bệnh là sẵn sàng chấp nhận an nguy đến tính mạng để chống dịch, bảo vệ tính mạng nhân dân. Nhưng trong đó, cũng xảy ra câu chuyện tham nhũng, tiêu cực chưa từng thấy. Ban Chỉ đạo Trung ương đã xem xét khách quan, toàn diện để có chỉ đạo nhất quán trong việc xử lý những cán bộ sai phạm có liên quan đến vụ Việt Á" – đồng chí Nguyễn Văn Yên cho biết./.