Khăn lụa Khaisilk gắn mác "made in Vietnam" nhưng thực chất
là hàng Trung Quốc (Nguồn: vnexpress.net)

Thực tế cho thấy, gian lận xuất xứ hàng hoá là vấn đề không mới. Nhiều vụ việc đã bị phanh phui từ nhiều năm trước. Chẳng hạn, như báo Diễn đàn Doanh nghiệp ngày 15/06/2012 đã đưa tin Cục Hải quan Đồng Nai đã phát hiện một doanh nghiệp FDI đang thực hiện việc thay các nhãn mác hàng hóa ghi xuất xứ Trung Quốc bằng xuất xứ Việt Nam. Lô hàng tang vật được cơ quan chức năng thu được tại Công ty SPC Tianhua Việt Nam. Tờ báo này cũng đưa ra nhận định là tình trạng vi phạm ngày một gia tăng và tính chất ngày một tinh vi, phức tạp trong khi các biện pháp xử lý còn thiếu chế tài “mạnh tay” khiến các cơ quan chức năng rất khó xử lý…

Mới đây, ngày 12/07/2019, Báo Đầu tư cũng đăng bài “Gian lận xuất xứ hàng hóa không còn là nguy cơ”. Trong bài viết này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Trung Tiến đã đưa ra một số dẫn chứng cụ thể “Vụ Khaisilk là việc bán hàng Trung Quốc gắn “made in Vietnam” thì đã rõ và cơ quan chức năng cũng đã khởi tố vụ án. Còn đối với vụ Asanzo, Thủ tướng đã yêu cầu xác minh xem liệu có dấu hiệu lừa dối khách hàng hay không, hiện chưa có kết luận”...

Để chống gian lận xuất xứ, Báo Đầu tư cũng dẫn lời Nguyễn Trung Tiến cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia các FTA thế hệ mới như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và sắp tới đây là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP); bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế; bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.

Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2019 vừa diễn ra sáng 12/7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã yêu cầu Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan và các bộ, ngành liên quan tăng cường kiểm soát, ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, giả xuất xứ hàng hóa Việt Nam, các cơ quan không khoan nhượng với việc này. Cơ quan thuế và hải quan cần phải phối hợp để vừa tạo thuận lợi thương mại, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn phải đảm bảo tốt công tác phòng ngừa và ngăn chặn gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa.

Để phòng ngừa rủi ro gian lận thương mại, theo Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cần đảm bảo áp dụng đầy đủ các quy tắc xuất xứ trong thương mại; là nghĩa vụ quan trọng trong nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, bao gồm CPTPP và EVFTA. Điều quan trọng là giảm nhẹ rủi ro liên quan đến chuyển tải quá cảnh nhằm tận dụng cơ hội tiếp cận thị trường ưu đãi hoặc né tránh bảo hộ nhập khẩu ở mức cao. Gian lận trong chuyển tải quá cảnh có thể gây ra rủi ro kinh tế vì có thể kích hoạt các biện pháp đối phó theo các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Cũng theo Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, để quản lý hiệu quả quy tắc xuất xứ, cần đơn giản hóa và nâng cao minh bạch các quy định về cấp chứng nhận xuất xứ (CO). Các quy định về cấp chứng nhận xuất xứ nếu được đơn giản hóa có thể đẩy mạnh tuân thủ tự nguyện. Các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do, cụ thể như trong Chương 3 của Hiệp định CPTPP là căn cứ để tăng cường các quy định hiện hành về quy tắc xuất xứ và thủ tục. Tăng cường cơ chế một cửa quốc gia theo hướng áp dụng công nghệ thông tin trong các thủ tục thông quan có thể nâng cao minh bạch; đặc biệt, thông qua cơ chế một cửa quốc gia với các cơ quan kiểm soát chuyên ngành, bao gồm cả các cơ quan xem xét chứng nhận xuất xứ.

Tổ chức nâng cao nhận thức và có hình thức đào tạo phù hợp cho các đơn vị xuất khẩu. Áp dụng thông lệ quốc tế cụ thể liên quan đến yêu cầu về doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ, tuy một mặt nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đó hưởng Hệ thống ưu đãi chung (GSP), nhưng mặt khác lại làm tăng rủi ro về trường hợp sai quy cách, có thể do doanh nghiệp không đủ năng lực hoặc do cam kết gian trá. Do đó, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp là cách để đảm bảo lợi ích của quốc gia.

Tăng cường phối hợp với cơ quan hải quan của các đối tác thương mại chủ chốt. Hợp tác quốc tế như vậy sẽ giúp thiết lập hệ thống cảnh báo sớm để theo dõi tuân thủ về chứng nhận xuất xứ...

Áp dụng công nghệ, như công nghệ blockchain để truy xuất xuất xứ là biện pháp dài hạn. Truy xuất xuất xứ có thể được áp dụng cho mọi chuỗi cung ứng và hệ thống logistics và là biện pháp thiết yếu để minh bạch về quy tắc xuất xứ và sản xuất để xuất khẩu sạch./.

Đặng Hiếu