Cần xử lý nghiêm đối tượng mua bán, đốt pháo trái phép 

Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đang đến gần. Tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, việc mua bán, đốt pháo nổ, nhất là pháo hoa càng tăng cao. Ðáng chú ý, sau trận chung kết của đội tuyển bóng đá Việt Nam vào ngày 15-12 vừa qua, việc đốt pháo hoa mừng chiến thắng diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi. Ðiều đó cho thấy, nếu không cương quyết và xử lý nghiêm thì việc buôn bán, vận chuyển và đốt pháo trái phép sẽ diễn ra phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Vi phạm ngày càng phức tạp

Quảng Bình và Quảng Trị là hai tỉnh có đường biên giới tiếp giáp với Lào, có cửa khẩu quốc tế Cha Lo và Lao Bảo là nơi giao thương hàng hóa; có tuyến quốc lộ 1A đi qua và có tuyến đường biển dài cho nên rất thuận lợi để các đối tượng lợi dụng buôn bán, vận chuyển pháo trái phép. Mặt khác, tại các địa phương này có một lượng lớn người sang lao động ở nước bạn Lào, khi trở về quê nghỉ cuối năm thường giấu trong hành lý, hàng hóa những bánh pháo để đốt đêm giao thừa, tạo nên một "thị trường ngầm" giao dịch, mua bán pháo nổ ngay tại các khu dân cư.

Theo thống kê của Công an tỉnh Quảng Trị, từ cuối năm 2017 đến tháng 11-2018, có hơn 50 vụ mua bán, vận chuyển các loại pháo bị lực lượng công an phát hiện, xử lý, thu giữ hơn bốn tấn pháo các loại, trong đó phần lớn là pháo hoa; có nhiều vụ tang vật thu giữ lên đến hàng trăm kg.

Tại tỉnh Quảng Bình, chỉ tính trong tháng 11-2018, lực lượng công an đã phát hiện, bắt giữ bảy vụ vận chuyển pháo hoa, thu giữ 417 kg pháo và 234 hộp pháo các loại. Công an ban hành quyết định khởi tố hai vụ, năm đối tượng với tội danh vận chuyển và buôn bán hàng cấm (tức là vận chuyển và buôn bán pháo hoa có đặc tính là pháo nổ).

Trong những ngày qua, vui mừng với kết quả thi đấu xuất sắc của đội tuyển bóng đá nước nhà, nhiều gia đình, nhất là thanh, thiếu niên ở các vùng quê đốt pháo hoa râm ran. Tại TP Ðồng Hới (Quảng Bình), nhiều nhóm thanh niên còn mang hộp pháo hoa ra giữa quốc lộ 1A, quảng trường Bảo Ninh để sử dụng trong sự cổ vũ của nhiều người. Trong khi đó, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng cũng "ngó lơ" cho nên việc đốt pháo kéo dài nhiều giờ sau chiến thắng của đội tuyển bóng đá quốc gia. Thượng tá Trần Xuân Thanh, Phó trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, thông thường, việc mua bán, vận chuyển trái phép các loại pháo tập trung vào thời điểm cuối năm, nhưng năm 2018, ngay từ những tháng đầu và giữa năm, hành vi này đã xuất hiện. Như vậy, tình trạng mua bán, vận chuyển các loại pháo trên địa bàn có dấu hiệu phức tạp, gia tăng cả về số vụ và số lượng trong mỗi vụ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, sở dĩ tình trạng mua bán, vận chuyển các loại pháo, nhất là pháo hoa có diễn biến phức tạp vì đây là "mặt hàng" mang lại lợi nhuận khá lớn nếu các đối tượng tiêu thụ trót lọt. Phần lớn loại pháo được các đối tượng vận chuyển từ Lào về Việt Nam qua hai cửa khẩu quốc tế Cha Lo và Lao Bảo. Tại tỉnh Quảng Trị, pháo hoa sau khi vận chuyển trót lọt qua cửa khẩu sẽ được tập kết tại địa bàn huyện Hướng Hóa, sau đó "xé nhỏ" để vận chuyển về xuôi. Tại đây, một hộp pháo 36 quả được bán với giá vài trăm nghìn đồng nhưng nếu đưa được về xuôi thì giá lên tới gần một triệu đồng, đến sát Tết Nguyên đán, giá sẽ tiếp tục tăng cao. Tại tỉnh Quảng Bình, hai năm gần đây đã hình thành những "ổ" pháo lậu, ai có nhu cầu đều được đáp ứng.

Tạo thuận lợi trong điều tra, truy tố

Theo một lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Bình, việc mua bán, vận chuyển và đốt pháo diễn ra phức tạp, ngày càng khó kiểm soát, nguyên nhân một phần xuất phát từ chế tài xử lý, tính răn đe của pháp luật đối với các đối tượng có hành vi mua bán, vận chuyển pháo hoa chưa cao. Theo quy định của pháp luật, việc xử lý đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép pháo hoa chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính cho nên xảy ra tình trạng một đối tượng có thể liên tục tái phạm. Trước đây, các loại pháo (pháo nổ, pháo hoa…) thuộc danh mục hàng cấm, người nào tàng trữ, buôn bán, sản xuất sẽ bị xem xét xử lý hình sự. Tuy nhiên, khi Luật Ðầu tư năm 2014 được sửa đổi, bổ sung năm 2016, có hiệu lực từ ngày 1-1-2017 thì chỉ có pháo nổ mới thuộc danh mục hàng cấm, còn pháo hoa và các loại pháo khác không thuộc danh mục hàng cấm. Do đó, người buôn bán, vận chuyển pháo nổ vẫn bị xử lý hình sự, nhưng vận chuyển, buôn bán pháo hoa và các loại pháo khác không bị xem xét xử lý hình sự.

Nhằm tháo gỡ những vướng mắc liên quan quy định nêu trên và tạo thuận lợi cho công tác điều tra, truy tố và xét xử tội phạm, ngày 22-12-2017, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình ký Công văn số 390/TANDTC-PC gửi tòa án nhân dân và tòa án quân sự các cấp hướng dẫn về việc xử lý hành vi vận chuyển, buôn bán pháo hoa nổ. Theo đó, Tòa án nhân dân tối cao cho rằng, hiện nay pháp luật chỉ quy định về "pháo nổ" và "pháo hoa", chưa có quy định về "pháo hoa nổ". Do đó, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng phải trưng cầu giám định cơ quan chuyên môn để xác định vật chứng thu giữ là pháo hoa hay pháo nổ. Trường hợp giám định kết luận vật chứng là pháo nổ hoặc có đầy đủ các đặc tính của pháo nổ (có chứa thuốc pháo và gây tiếng nổ) thì xem xét, xử lý hình sự, không phụ thuộc vào việc loại pháo này có đặc tính khác như tạo hiệu ứng ánh sáng, mầu sắc.

Văn bản nêu trên cũng cho biết, trường hợp kết luận giám định vật chứng thu giữ là pháo hoa, không có các đặc tính của pháo nổ (tức không chứa thuốc pháo và không gây tiếng nổ) thì không xác định là hàng cấm. Như vậy, việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ những loại pháo hoa có tính chất như pháo nổ sẽ bị xem xét xử lý hình sự.

Dự báo thời điểm gần Tết Nguyên đán 2019, tình trạng mua bán và vận chuyển các loại pháo tiếp tục tăng cao với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Do vậy, Công an hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị đã xây dựng kế hoạch nhằm ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả đối với hành vi sử dụng, mua bán và vận chuyển trái phép các loại pháo. Trong đó, sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật đến từng thôn, bản, tổ dân phố, cụm dân cư và tổ chức ký cam kết không sử dụng, mua bán và vận chuyển trái phép các loại pháo đối với các địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự. Công an các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh tăng cường áp dụng các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm. Ðồng thời chủ động phối hợp các lực lượng bộ đội biên phòng, hải quan và quản lý thị trường tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, khu vực biên giới, cửa khẩu để kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý các trường hợp mua bán, vận chuyển trái phép các loại pháo nhằm ngăn chặn không để mặt hàng này thẩm thấu vào nội địa.

Cùng với những nỗ lực của lực lượng chức năng, cần sự chung tay của các cơ quan, tổ chức, ý thức trách nhiệm của mọi người dân trong công tác đấu tranh, ngăn chặn hành vi sử dụng, mua bán và vận chuyển các loại pháo nổ, pháo hoa nổ trái phép. Ðặc biệt, Công an các tỉnh cần cương quyết xử lý nghiêm những hành vi liên quan đến pháo hoa có đặc tính là pháo nổ nhằm răn đe chung trong toàn xã hội, qua đó, ngăn chặn và đẩy lùi pháo lậu ra khỏi địa bàn, góp phần giữ bình yên cuộc sống cho nhân dân vui đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

Bài và ảnh: HƯƠNG GIANG
443 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1046
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1046
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76426037