Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng phát biểu tại Hội thảo (Ảnh:T.H)
Ngày 10/7, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức hội thảo chuyên đề “Ưu đãi đầu tư, giao dịch liên kết: Thực trạng và Giải pháp”. Hội thảo nhằm cập nhật và chia sẻ với các doanh nghiệp về những góc nhìn và định hướng của các chính sách ưu đãi đầu tư cũng như thực trạng và giải pháp của giao dịch liên kết tại Việt Nam.
Ưu đãi đầu tư, tập trung vào các chính sách thuế, các ngành nghề, địa bàn, các thủ tục cấp phép đầu tư thuận lợi là những quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, với sự nỗ lực trong công tác quản lý thuế, quản lý các giao dịch liên kết của Chính phủ Việt Nam, nhiều chính sách mới đã được ban hành và có những tác động tích cực nhất định đến hoạt động đầu tư của nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, sau 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu về số vốn đăng ký, vốn giải ngân. Khu vực FDI ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, thể hiện qua các đóng góp xã hội, nộp ngân sách Nhà nước, tạo giá trị gia tăng. FDI cũng là tiền đề quan trọng giúp Việt Nam mở rộng quan hệ quốc tế.
Mặc dù vậy, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cũng thẳng thắn nhìn nhận việc thu hút FDI còn nhiều hạn chế như chủ yếu gia công, tỷ lệ nội địa hoá thấp, chưa tạo liên kết với doanh nghiệp trong nước.
“Trước những hạn chế đó, các cơ quan chức năng trong thời gian tới sẽ xây dựng chính sách thu hút FDI mới nhằm thu hút nhiều dự án đầu tư có chọn lọc, có công nghệ cao hơn” - ông Thắng cho hay.
Theo số liệu của Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) số tiền nộp vào ngân sách Nhà nước của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng nhanh qua các năm.
Tính riêng năm 2016, số thu về sắc thuế nội địa không kể dầu thô của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 161.608 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2015.
Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, cải cách thuế giai đoạn 2011-2020 đã có được những kết quả như: chính sách thuế không có sự phân biệt, đối xử giữa các thành phần kinh tế, giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI, bình đẳng về nghĩa vụ thuế cho tất cả các nhà đầu tư; tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng và một bước tiến quan trọng chung cho đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, để khắc phục những nhược điểm còn tồn đọng, trong giai đoạn từ nay đến 2020, việc xây dựng các chính sách ưu đãi cần được xem xét trong bối cảnh phát triển kinh tế tổng thể của cả nước. Cụ thể, việc ban hành chính sách mới (Chính sách ưu đãi thuế, ưu đãi đầu tư...) cần tuân thủ nghiêm các nguyên tắc, cam kết mà Việt Nam đã thực hiện với các tổ chức quốc tế; bảo đảm mục tiêu công bằng và không có sự phân biệt đối xử với các doanh nghiệp nội.
Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc tư vấn thuế, phụ trách dịch vụ thuế doanh nghiệp và hải quan nhận định: “Trong tiến trình hội nhập quốc tế, việc thay đổi chính sách thuế và hệ thống các ưu đãi đầu tư là một trong các điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài tốt nhất. Chính phủ Việt Nam vẫn đang tiếp tục thay đổi nhiều thể chế, chính sách theo hướng tích cực và minh bạch, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, tăng cường khả năng cạnh tranh quốc gia trong khu vực”.
Chính vì vậy, theo ông Bùi Ngọc Tuấn, đối với các chính sách về ưu đãi thuế cần đơn giản và minh bạch hóa thủ tục xin xác nhận bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin. Bổ sung chính sách ưu đãi đối với một số ngành dịch vụ như giáo dục, tài chính… Đồng thời, học tập các quốc gia khác xây dựng cơ chế ưu đãi linh hoạt và đa dạng hơn; Kết hợp nhiều hình thức miễn/giảm, khấu trừ chi phí…/.
Minh Phương