Cần xây dựng vùng an toàn dịch bệnh cho ngành chăn nuôi 

(ĐCSVN) - Ngành chăn nuôi nước ta có nhiều sản phẩm thế mạnh để xuất khẩu. Tuy nhiên, việc chưa có vùng an toàn dịch bệnh, điều kiện cơ sở giết mổ còn hạn chế,… là những rào cản lớn của ngành để xuất khẩu sản phẩm ra thị trường thế giới. Hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi

Đảm bảo sản phẩm có nguồn gốc từ vùng an toàn dịch bệnh là yêu cầu đầu tiên của nhiều nước nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi
 (Ảnh: BT)
Mấu chốt vẫn là đảm bảo an toàn dịch bệnh

Hiện nay, Việt Nam chưa có vùng và cơ sở an toàn dịch bệnh được Tổ chức Thú y thế giới (OIE) công nhận. Vì vậy, việc có vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh vẫn là mối quan tâm hàng đầu của ngành chăn nuôi để đẩy mạnh xuất khẩu. Nhìn nhận về điều này, ông Nguyễn Đức Hoàng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Thắng Lợi cho rằng, mấu chốt và điều kiện tiên quyết vẫn là vấn đề về đảm bảo an toàn dịch bệnh. Nếu không đảm bảo điều kiện về an toàn dịch bệnh thì việc xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường của chúng ta cũng chỉ là vô nghĩa.

Ông Nguyễn Đức Hoàng cho hay, thị trường xuất khẩu thịt lợn của chúng ta có nhiều khách hàng. Các đối tác đã sang làm việc với nước ta nhiều nhưng vẫn không thể xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi. Trong đó vướng về vấn đề các nước nhập khẩu đòi hỏi sản phẩm xuất khẩu cần có nguồn gốc từ vùng an toàn dịch bệnh. Trong khi đó, vùng an toàn dịch bệnh đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thí điểm tại Thái Bình và Nam Định từ năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện do còn rất nhiều khó khăn.

Cùng với việc chưa có vùng an toàn dịch bệnh, theo đánh giá của ông Phạm Văn Đông - Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình chăn nuôi hiện nay còn gặp nhiều trở ngại do chúng ta chưa có quy hoạch vùng chăn nuôi tổng thể. Một số tỉnh đã tiến hành quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, nhưng hầu hết cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư, chưa thu hút được các nhà đầu tư phát triển theo hướng đã quy hoạch.

Đối với quy hoạch giết mổ, theo báo cáo của các địa phương, năm 2016 có 56/63 tỉnh, thành phố đã được phê duyệt đề án về quy hoạch cơ sở giết mổ động vật tập trung. Lộ trình thực hiện Đề án quy hoạch giết mổ của các tỉnh đều triển khai từ năm 2015 đến 2020. Theo đề án vào năm 2020 sẽ có khoảng 1.431 cơ sở giết mổ lợn tập trung và 672 cơ sở giết mổ gà tập trung. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 249 cơ sở giết mổ lợn và 75 cơ sở giết mổ gà được đưa vào sử dụng.

Tại nhiều địa phương, việc phát triển đô thị, các khu công nghiệp đã phá vỡ quy hoạch hệ thống giết mổ tập trung làm cho một số cơ sở giết mổ đã được đầu tư xây dựng không còn phù hợp với quy định của chuyên ngành về an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y, môi trường. Cơ sở giết mổ lợn chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, không có hệ thống sơ chế, chế biến sâu, bảo quản sản phẩm để xuất khẩu. Năng lực phòng xét nghiệm các chất tồn dư độc hại trong sản phẩm còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của nước nhập khẩu. Trong khi yêu cầu của nước nhập khẩu, sản phẩm không được phép có tồn dư hóa chất độc hại.

Cần có chiến lược cho những mặt hàng lợi thế

Theo ông Nguyễn Đức Hoàng – Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty TNHH Thắng Lợi, hiện nay, thịt lợn sữa là một lợi thế của Việt Nam so với nước khác. Đây là đặc sản của riêng ngành chăn nuôi Việt Nam. “Với chăn nuôi công nghiệp chúng ta không thể cạnh tranh được với Trung Quốc, không thể cạnh tranh được với Thái Lan. Vì vậy, chúng ta cần có chiến lược phát triển riêng cho mặt hàng thịt lợn sữa” – ông Nguyễn Đức Hoàng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, với việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, ông Nguyễn Đức Hoàng cho rằng, nhà nước cần đầu tư để xây dựng vùng an toàn dịch bệnh. Điều này rất quan trọng cho việc thông thương thú y với nước nhập khẩu. Khi làm được điều này, chúng ta mới bàn đến điều kiện của các nhà máy sản xuất, chất lượng sản phẩm và giá thành.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, đại diện công ty Dabaco cho rằng, với điều kiện chăn nuôi còn nhỏ lẻ và phân tán, việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh còn nhiều khó khăn. Vì vậy, để đẩy mạnh vùng an toàn dịch bệnh cần đẩy mạnh an toàn cơ sở để tạo điều kiện làm vùng an toàn dịch bệnh. Cần tạo điều kiện để các cơ sở chăn nuôi lớn có thể áp dụng và được xác nhận an toàn. Đây là những cơ sở có quy mô lớn, sản lượng lớn có thể đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu trước mắt.

Theo Viện trưởng Viện Chăn nuôi Nguyễn Thanh Sơn, sản phẩm chăn nuôi có nhiều thế mạnh, điều quan trọng là cần tổ chức sản xuất để chứng minh là sản phẩm sạch. Qua đó, mới lấy được lòng tin của người tiêu dùng. Để đẩy mạnh việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, Viện trưởng Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, cần xây dựng chiến lược quốc gia, trong đó, không phải tập trung tất cả các sản phẩm chăn nuôi mà cần lựa chọn một số sản phẩm chăn nuôi có lợi thế. Xây dựng một chiến lược trong trung hạn và dài hạn và nhắm vào các thị trường cụ thể để đáp ứng được yêu cầu của nước nhập khẩu. Kèm theo đó là chú trọng đến vấn đề quy hoạch, vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ, hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.

Viện trưởng Nguyễn Thanh Sơn đánh giá, hiện nay, ngành chăn nuôi có một số sản phẩm có triển vọng thị trường, có thể mở rộng xuất khẩu. Đó là thịt lợn sữa, lợn thịt và trứng muối. “Đó những sản phẩm mà chúng ta có triển vọng và nên tập trung vào những sản phẩm này” – Viện trưởng Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh

Theo Cục Thú y, các doanh nghiệp có nguồn lực cần tổ chức xây dựng đề án sản xuất theo chuỗi khép kín từ khâu sản xuất đến các khâu chế biến, bảo quản nhằm đảm bảo chất lượng về an toàn thực phẩm, không tồn dư hóa chất. Cục Thú y tiếp tục tăng cường giám sát về an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm nhằm giữ vững uy tín và mở rộng số lượng nhà máy được phép xuất khẩu. Hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức chế biến sản phẩm trứng gia cầm để tăng cao giá trị gia tăng sản phẩm xuất khẩu./.

BT
801 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 372
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 372
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 84491567