Mới đây, Bộ Tài chính đã có Báo cáo về tình hình thực hiện CPH DNNN, thoái vốn nhà nước tại DNNN. Theo đó, tính đến hết tháng 7-2019, có 6 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị doanh nghiệp là 680 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 615 tỷ đồng; có 9/62 doanh nghiệp thuộc danh mục ban hành theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg (Quyết định 1232) của Thủ tướng Chính phủ thực hiện thoái vốn với giá trị 690 tỷ đồng, thu về 1.587 tỷ đồng; các tập đoàn, tổng công ty, DNNN ngoài danh mục theo Quyết định 1232 thoái vốn với tổng giá trị 1.540 tỷ đồng, thu về 2.511 tỷ đồng…
Tiến trình thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang chậm lại
(Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: M.P)
Phó trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Nguyễn Hồng Long đánh giá, mặc dù trong thời gian qua, quá trình CPH, thoái vốn nhà nước thời chậm song chất lượng đã được nâng lên, các phương án CPH, thoái vốn được tiến hành đều bảo đảm chặt chẽ, công khai minh bạch. Con số kết quả thu về cho ngân sách nhà nước sau thoái vốn đã chứng minh điều này khi giá trị thu về vượt hơn nhiều giá trị sổ sách. Bên cạnh đó, công tác CPH, thoái vốn đã có tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sau CPH.
Tại hội nghị thông tin chuyên đề, cập nhật kiến thức tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 12 Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về “Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN”, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, đến hết năm 2017, cả nước còn 583 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Mục tiêu trong giai đoạn 2016-2020 sẽ thực hiện cơ cấu lại, Nhà nước chỉ nắm 100% vốn điều lệ tại 103 doanh nghiệp hoạt động trong 11 lĩnh vực. Cũng trong giai đoạn 2017 – 2020, thực hiện thoái vốn khoảng 60.000 tỷ đồng vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Sau quá trình CPH, tái cơ cấu DNNN, tính đến hết quý II-2019, mới có 35/127 DNNN trong danh mục được duyệt đã thực hiện CPH, đạt tỷ lệ 27,5%. Trong khi đó, về thoái vốn, trong giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 11-2018, Nhà nước mới thực hiện thoái vốn tại doanh nghiệp được 17.826 tỷ đồng, thu về 155.735 tỷ đồng.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình thẳng thắn đánh giá, CPH DNNN đang chậm lại, tiến độ thoái vốn nhà nước không đạt kế hoạch. Bên cạnh đó, tình hình tài chính của nhiều DNNN hoạt động còn chưa hiệu quả. Một trong những nguyên nhân là do vẫn còn nhiều bất cập đối với các DNNN. Thực tế, có hiện tượng tư nhân ngại tham gia góp vốn mua cổ phần DNNN CPH do nhiều quy định bất hợp lý. DNNN có lợi thế, có đặc quyền nhưng cũng có nhiều quy định ràng buộc khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.
Theo ông Nguyễn Văn Bình, Nghị quyết 12 của Trung ương đã đưa ra giải pháp mạnh mẽ đối với vấn đề này, trong đó yêu cầu tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu tài sản nhà nước, vốn của Nhà nước với chức năng quản lý nhà nước đối với mọi loại hình doanh nghiệp, chức năng quản trị kinh doanh của DNNN. Tuy nhiên, việc triển khai trên thực tế còn nhiều vướng mắc bất cập.
“Vì vậy, vai trò quản trị, năng lực quản trị DNNN cần làm rõ, tách bạch rõ chức năng sở hữu tài sản nhà nước với quản lý của doanh nghiệp theo hướng thị trường, cạnh tranh. Trong đó, việc bán vốn, CPH cần định giá đúng thị trường, ngay cả những doanh nghiệp muốn giữ cũng phải tính đúng, tính đủ”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định.
Cùng quan điểm này, Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung cho rằng, giai đoạn 2007- 2008, sau “sự cố” Vinashin, Vinalines, chúng ta có xu hướng thắt chặt lại và hành chính hóa hoạt động của DNNN. Vì vậy, DNNN và doanh nghiệp tư nhân đều kêu không được đối xử bình đẳng, DNNN mong được như tư nhân, doanh nghiệp tư nhân mong được như DNNN khi tiếp cận nguồn lực, cơ hội kinh doanh theo hướng “xin – cho” dễ hơn.
Dưới góc độ doanh nghiệp, đại diện một số DNNN cũng đề xuất cần đánh giá rõ vai trò, vị trí của DNNN trong giai đoạn hiện nay. Theo Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG)Trần Ngọc Thuận, thực tế đánh giá của xã hội đối với DNNN chưa toàn diện, đúng đắn. Điển hình như 12 dự án yếu kém ngành Công thương như “con sâu làm rầu nồi canh”. Không phải DNNN nào cũng vậy. Hay cần đánh giá sự cần thiết của DNNN theo đúng các giai đoạn lịch sử. Tại một số dự án ở giai đoạn đầu gặp khó khăn, doanh nghiệp tư nhân không đầu tư, DNNN đi đầu sẽ gặp nhiều tồn tại, hạn chế hơn. Do vậy, cần có sự ghi nhận, phát huy năng lực, sự nhiệt huyết của doanh nghiệp nói chung và cả DNNN nói riêng.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng, bên cạnh những DNNN yếu kém, có những doanh nghiệp lớn, đi đầu và xây dựng đặc trưng cho kinh tế đất nước. Đơn cử, khi thực hiện dự án Cao tốc Hà Nội - Lào Cai, nhiều doanh nghiệp tư nhân được mời tham gia, nhiều đơn vị được mời khảo sát đều cho rằng “ném tiền qua cửa sổ”. Tuy nhiên, sau khi xây dựng con đường này, hiệu quả kinh tế thấy rõ, đời sống các địa phương khá hơn, giao thông đi lại thuận tiện hơn. "Nhiệm vụ và trách nhiệm của DNNN, không phải ai cũng thấu hiểu. Có rất nhiều người cho rằng kinh tế nhà nước phải ôm tất, làm tất mới là chủ đạo, tuy nhiên thực tế không đúng như vậy. Chủ đạo là con đường chính chứ không phải là tất cả, là đa số. Kinh tế nhà nước cùng với cơ chế chính sách của Nhà nước khai phá ra những con đường mới để cho cả xã hội cùng đi, để dẫn dắt định hướng cho cả nền kinh tế này phát triển lành mạnh và đúng hướng", Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhận định .
Nghị quyết 12 đã nêu rõ là DNNN cũng cần phải được đối xử bình đẳng. Cần tách bạch nhiệm vụ của DNNN sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thông thường và nhiệm vụ của DNNN sản xuất, cung cấp hàng hóa, dịch vụ công ích. Những nhiệm vụ kinh doanh hàng hóa dịch vụ thông thường phải theo cơ chế cạnh tranh thị trường. Và khi thực hiện chức năng cung ứng hàng hóa dịch vụ công ích, nếu phải chịu thiệt hại, Nhà nước phải tính đúng, tính đủ các chi phí cho DNNN và có chính sách hỗ trợ để bảo đảm hiệu quả cho DNNN./.
Minh Phương