Có lẽ chưa bao giờ, công cuộc phòng chống tham nhũng quyết liệt và thu được nhiều thành công như thời gian vừa qua. Hàng loạt cán bộ, trong đó có cả những cán bộ cao cấp của Đảng bị truy tố và nhận hình phạt rất cao của pháp luật. Nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng trong nhiều lĩnh vực được đưa ra xử lý nghiêm khắc. Điển hình như: vụ Dương Chí Dũng - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam; vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm; vụ án Lã Thị Kim Oanh - Giám đốc Công ty Tiếp thị đầu tư Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; vụ án Trịnh Xuân Thanh và hàng loạt sai phạm ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm lợi dụng chức vụ và quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản xãy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVC); khởi tố bắt tạm giam nguyên Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao Nguyễn Thanh Hóa về tội “Tổ chức đánh bạc” và cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh có liên quan đến đường dây đánh bạc “ngàn tỷ” để phục vụ việc điều tra mở rộng vụ án làm rõ trách nhiệm các sai phạm… Điều đó thể hiện sự nghiêm minh của Đảng, Chính phủ trong việc thực thi pháp luật.
Ai cũng biết, tham nhũng là tệ nạn mang tính chất toàn cầu, là vấn đề không của riêng đất nước, quốc gia nào. Tại Việt Nam, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn nhận thức rõ tham nhũng đang trở thành nguy cơ chính đe dọa sự ổn định chính trị, sự tồn vong của chế độ; xói mòn các giá trị dân chủ, giá trị đạo đức, công lý xã hội… Đồng thời xác định rõ, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng rất cam go, phức tạp, phải thực hiện kiên trì, bền bỉ, kiên quyết, lâu dài, đầy gian nan, thử thách, không được chủ quan nóng vội. Toàn Đảng đang thống nhất một ý chí, một quyết tâm chống tham nhũng, không có “ vùng cấm” nhằm mục tiêu chỉnh đốn, xây dựng, làm trong sạch bộ máy, đội ngũ của Đảng và chính quyền từ Trung ương, đến địa phương. Cuộc đấu tranh đã tạo dựng được niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Đây chính là kết quả của quyết tâm chính trị của Đảng cũng như toàn hệ thống chính trị, bộ máy Nhà nước đang cùng toàn dân đấu tranh có hiệu quả phòng chống tham nhũng, biến “cuộc chiến” chống tham nhũng thành phong trào, xu thế của cả xã hội.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, các đối tượng xấu, thế lực thù địch núp danh nghĩa “dân chủ, nhân quyền” lợi dụng triệt để vấn đề tham nhũng ở nước ta để xuyên tạc, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, tạo sự hồ nghi trong nhân dân về sự lãnh đạo của Đảng. Vậy những luận điệu phản động này từ đâu mà ra và ý đồ thực sự của chúng là gì?
Truy cập vào mạng Internet, sẽ bắt gặp những trang mạng xã hội facebook, blog… do các đối tượng xấu, thế lực thù địch đăng tải các luận điểm xuyên tạc về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Đảng, Nhà nước ta. Chúng đưa ra quan điểm: “Đảng Cộng sản Việt Nam không thể đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái thành công”. Thông qua những bài viết cực đoan, suy diễn, số phần tử xấu này rắp tâm dựng lên một bức tranh toàn gam màu tối hòng kích động, xúi giục, lôi kéo, hỗ trợ các phần tử phản động, bất mãn trong nước và ngoài nước tăng cường các hoạt động chống phá, xúi dục đi biểu tình, làm mất an ninh - trật tự.
Đặc biệt, thời gian gần đây, những thông tin về công tác phòng chống tham nhũng với hàng loạt vụ án lớn, liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân liên tục được đăng tải trên các cơ quan truyền thông đại chúng đã thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận. Đặc biệt trong danh sách của Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra thông báo có những cán bộ thuộc hàng cao cấp của Đảng, cùng nhiều cán bộ cấp Cục, Vụ đã gây sự chấn động dư luận xã hội. Sự vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta với việc tổ chức kiểm tra, điều tra và xử lý nghiêm minh đối với những cán bộ sai phạm lại là một tâm điểm mà kẻ địch tìm mọi cách để lợi dụng tuyên truyền bịa đặt. Lựa chọn tâm điểm chú ý của dư luận này, trước hết chúng nhằm vào tâm lý của người dân vốn dĩ rất bức xúc trước các biểu hiện, hành vi tham ô, tham nhũng, quan liêu, cửa quyền... của bộ phận cán bộ, công chức, người đứng đầu để xuyên tạc, bóp méo sự thật về cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta. Chúng cho rằng: “Cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước Việt Nam là cuộc thanh trừng, đấu đá trong nội bộ Đảng”, “là minh chứng cho cuộc “ẩu đả”, “đả hổ” giữa các phe phái trong Đảng”…Rồi chúng tổ chức hô hào trên mạng xã hội để bênh vực, tỏ lòng “thương cảm” đối với một số bị cáo vi phạm pháp luật.
Lợi dụng triệt để thông tin về một vài vụ án tham nhũng lớn, dính dáng đến cán bộ cao cấp bị đưa ra ánh sáng pháp luật, các đối tượng bình luận, suy diễn cho rằng, tham nhũng là bản chất, là hệ quả của chế độ xã hội chủ nghĩa, của cơ chế lãnh đạo tuyệt đối của Đảng. Từ những suy diễn chủ quan, võ đoán nhằm gieo rắc tâm lý hoang mang, mất niềm tin của nhân dân với Đảng để đạt mục đích cuối cùng là kích động tâm lý bất mãn của người dân trước thực trạng xã hội còn có những vấn đề chưa được giải quyết, nhằm hạ thấp uy tín của Đảng. Từ đó, phủ nhận sự nỗ lực, quyết liệt trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng mà Đảng, Nhà nước ta đang thực hiện.
Phải thừa nhận rằng, tình hình tham nhũng ở nước ta vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với tính chất, mức độ nghiêm trọng, phức tạp. Công tác phòng, chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài. Để ngăn chặn tệ tham nhũng, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp quyết liệt đấu tranh, đẩy lùi tệ tham nhũng, củng cố niềm tin ở nhân dân, không để các thế lực thù địch lợi dụng nhằm thực hiện âm mưu, chiến lược “Diễn biến hòa bình”. Câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm nào “Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy” tiếp tục phát huy hiệu quả. Có thể nói hơn ai hết, Tổng Bí thư là người hiểu rõ nhất sự gian nan, phức tạp, khốc liệt khi đánh vào “thành trì tham nhũng”. Có thể công khai, có thể ngấm ngầm, song sự chống đối chắc chắn là không nhỏ. Với tinh thần quyết liệt và kiên định, ngày 10/4, tại cuộc họp của Ban Bí thư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm…”. Có thể coi đây là mệnh lệnh của người đứng đầu Đảng cầm quyền, thể hiện một quyết tâm không gì lay chuyển , đồng thời cũng là lời “tuyên chiến” không chỉ với tham nhũng mà với cả những ai “cảm thấy cản trở, nhụt chí”.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn mọi hoạt động lợi dụng vấn đề tham nhũng để chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch, chúng ta cần phải có những giải pháp đồng bộ, hữu hiệu, bằng nhiều hình thức phong phú, quyết liệt. Trong đó, tập trung cho công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về những âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch. Mỗi người dân cần có sự thanh lọc thông tin, nhất là thông tin gây nhiễu trên mạng Internet. Phải tỉnh táo để chọn lọc thông tin đúng, tránh các thông tin độc hại, sai lệch tiêm nhiễm. Mặt khác, phải nâng cao trách nhiệm chính trị, đạo đức cho mỗi công dân; tổ chức tốt việc viết bài đấu tranh, phê phán luận điệu, quan điểm sai trái không để kẻ địch xuyên tạc, lợi dụng để tuyên truyền chống Đảng, chế độ và sự nghiệp đổi mới đất nước của nhân dân ta./. Từ Quang Hóa