Sáng 31/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.
Kết quả mang lại từ FDI chưa trọn vẹn
Thảo luận tại Hội trường, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) thể hiện sự đồng tình và chung vui những kết quả đạt được, trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, đối mặt với nhiều khó khăn, suy giảm; Quỹ tiền tệ quốc tế liên tục điều chỉnh tăng trưởng xuống; trong khi, kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, từ 6,2% năm 2016 đến tháng 9/2019 đạt tăng trưởng 6,8%. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang tác động nhiều chiều đến kinh tế nước ta, vừa có thuận lợi, vừa không thuận lợi.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu tại Hội trường sáng 31/10. Ảnh: ĐT
Về mặt không thuận lợi, đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu rõ, Trung Quốc giữ giá trị đồng nhân dân tệ, Việt Nam nhập siêu hàng hóa từ Trung Quốc cao, gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa diễn biến phức tạp. Chúng ta nhập khẩu từ Trung Quốc 62 tỷ USD dẫn đến nhập siêu từ thị trường Trung Quốc 29 tỷ USD, cao hơn năm 2018.
Về mặt thuận lợi, việc hàng hóa Trung Quốc áp giá cao tại thị trường Mỹ giúp hàng hóa Việt Nam vào thị trường này tăng cao. Trong 9 tháng qua, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ tăng 26,6% so với cùng kỳ, xuất siêu 37,9 tỷ USD, là con số gây sự chú ý.
Từ năm 2016 đến tháng 10/2019, nước ta xuất siêu 19,7 tỷ USD, góp phần cân bằng cán cân xuất siêu. Tuy nhiên, trong tổng kim ngạch xuất khẩu có 70% đến từ doanh nghiệp nước ngoài, và đây là yếu tố ảnh hưởng đến xây dựng chỉ tiêu nhập siêu. Đồng thời, nhiều quốc gia trên thế giới có chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, tạo ra nhiều rào cản thương mại, thiết nghĩ Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến thị trường trong nước, một thị trường có 96 triệu dân.
“Chúng ta cũng cần triển khai có hiệu quả cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tiến tới người Việt Nam thích dùng hàng Việt Nam”- đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị.
Đại biểu cũng đề nghị cần giám sát chặt chẽ hệ thống ngân hàng, nâng cao chất lượng tín dụng, tránh để nợ xấu quay trở lại. Bên cạnh đó, tiếp tục tái cơ cấu thị trường tài chính, để thị trường chứng khoán thành kênh cung ứng vốn quan trọng trung và dài hạn cho nền kinh tế. Chính phủ cần có sự hỗ trợ để TP Hồ Chí Minh xây dựng phát triển thành công trung tâm tài chính tiền tệ quốc tế.
Theo đại biểu, việc giải ngân vốn FDI liên tục gia tăng trong thời gian qua, số vốn giải ngân FDI từ năm 2016 đến nay đã đóng góp 40% vốn đầu tư xã hội, 20% GDP. Tuy nhiên, “kết quả mang lại từ FDI chưa trọn vẹn”. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ, các địa phương khi cấp phép đầu tư cho đầu tư vốn nước ngoài cần ưu tiên yếu tố an ninh - quốc phòng, môi trường và công nghệ lên hàng đầu, đúng định hướng Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài.
Để kinh tế nước ta tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị, tiếp tục dành nguồn lực xây dựng hệ thống luật pháp đồng bộ và ổn định. Cần có sự khởi động sớm xây dựng khuôn khổ pháp lý liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, quản lý và hỗ trợ cho sự phát triển mô hình kinh doanh mới, đổi mới sáng tạo. Đồng thời, hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ và triển khai có hiệu quả các tài sản trí tuệ người dân Việt Nam nước ta tạo ra trên thế giới. Tiếp tục hoàn thiện kinh tế vùng, để các địa phương trong một vùng liên kết cùng phát triển.
Không thể đánh giá lãnh đạo các tỉnh chỉ bằng số tăng GDP
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.Hồ Chí Minh) cho rằng cần đánh giá đúng về chỉ số GDP, không nên lấy GDP là tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá năng lực lãnh đạo, thành tích của các địa phương. Ông lấy ví dụ những vùng cần bảo vệ môi trường, không thể đánh giá người lãnh đạo ở đó theo GDP.
“Nó sẽ dẫn đến chuyện chạy theo những con số được đo bằng tiền và tăng trưởng bằng cách đổ vốn ra rồi làm những công trình này, công trình kia mà không quan tâm đến nhiệm vụ chính của những vùng miền đó”, ông Nghĩa nói.
Đại biểu TP. Hồ Chí Minh cho rằng Việt Nam đã có hệ thống phân bổ, khu vực thuận lợi về phát triển kinh tế phải san sẻ với những vùng gặp khó khăn.
“Nếu chỉ định hướng bằng tiền thì cứ kêu gọi đầu tư nước ngoài “ào ào” vào, làm tăng GDP lên. Cuối cùng chúng ta đánh mất chủ quyền, lệ thuộc vào kinh tế, từ đó không thể tự chủ về nhiều mặt”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị “xoay trục lại” theo định hướng phát triển xuyên suốt, gồm 3 trụ cột văn hóa, môi trường và di sản.
Cơ sở hạ tầng, nhà ở tại đồng bằng sông Cửu Long kém nhất
Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) bày tỏ trăn trở khi cơ sở hạ tầng của đồng bằng sông Cửu Long phát triển chậm trong khi đây là vùng đồng bằng châu thổ, vựa lúa lớn nhất cả nước. Theo đại biểu Bình, phần lớn các cảng biển ở đồng bằng sông Cửu Long là cảng quy mô nhỏ, chủ yếu phục vụ xếp dỡ hàng, thiếu các cảng cảng chuyên dùng cho container. Do đó, 70%-80% hàng hóa của khu vực phải dồn lên TP. Hồ Chí Minh bằng đường bộ để xuất khẩu. Điều này tăng thêm chi phí, tạo áp lực lên TP. Hồ Chí Minh.
Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phát biểu tại Hội trường. Ảnh: TL
Bên cạnh đó, vì nguồn lực hạn chế nên các tuyến dọc trục ngang và quốc lộ huyết mạch tại đồng bằng sông Cửu Long chưa được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch. Ông kiến nghị Chính phủ, Quốc hội quan tâm một số dự án cấp bách như Trung lương - Mỹ Thuận, cầu Mỹ Thuận 2, cầu Rạch Miễu 2, sớm nâng cấp mở rộng các trục quốc lộ ngang để kết nối quốc lộ, cao tốc phía đông trong tương lai.
“Chúng ta không thể cứ mãi duy trì những cái nhất rất mâu thuẫn và nghịch lý. Là vựa lúa lớn nhất, thủy sản nhiều nhất, trái cây phong phú nhất nhưng cơ sở hạ tầng kém nhất, nhà ở tệ nhất”, đại biểu Bình nhấn mạnh./.
Đỗ Thoa