Tại buổi tọa đàm, nhiều chuyên gia cho rằng, các công ty tài chính đang có nhiều lợi thế trên thị trường cho vay tiêu dùng khi xu hướng của người dân đã nhận thức rõ hơn về tài chính cá nhân. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức cần được giải quyết để phát triển dịch vụ này trong tương lai.
Theo TS. Nguyễn Thùy Dung, Viện Quản trị kinh doanh, các công ty tài chính hiện có nhiều lợi thế trên thị trường. Hơn nữa, nhu cầu và văn hóa tiêu dùng của người dân đã thay đổi nên đây sẽ là thị trường đầy tiềm năng.
TS. Nguyễn Thùy Dung cho biết thêm, trong năm 2016, lĩnh vực được khách hàng tập trung vay nhiều là vay mua điện thoại, xe máy, máy tính trả góp với các khoản giải ngân dưới 40 triệu đồng. Hình thức cho vay cũng đổi mới hơn khi cho vay tiền mặt qua bảng lương, theo hóa đơn tiền điện, giấy phép đăng ký kinh doanh… Tại các công ty tài chính, thủ tục vay rất linh hoạt, hồ sơ đơn giản, giải ngân nhanh chóng (thậm chí chỉ 15 phút), lãi suất từ 1,46%-1,6%/tháng, thậm chí có nơi cho vay 0%.
Mặc dù có nhiều tiềm năng phát triển, với sự cạnh tranh ngày càng cao do nhiều công ty tài chính được thành lập, nhưng theo các chuyên gia tại tọa đàm, lãi suất vay vốn tại các công ty tài chính vẫn cao, do chi phí hoạt động cao. Bên cạnh đó, các công ty này thường gặp khó khăn về nguồn vốn, mặc dù đã được phép phát hành chứng chỉ tiền gửi. Hơn nữa, mặc dù theo quy định mới của NHNN, các công ty tài chính được tự do quyết định lãi suất, đối tượng, thời gian vay vốn nhưng lại chưa có nguồn cung cấp dữ liệu khách hàng chính thống để các công ty này có những quyết sách phù hợp, đảm bảo an toàn vay.
Trong khi đó, theo nghiên cứu về hành vi vay tiêu dùng của người dân Việt Nam hiện nay, TS. Hồ Chí Dũng, Chủ nhiệm Bộ môn marketing, Viện Quản trị kinh doanh cho biết, lối sống, tập quán ở mỗi địa phương có ảnh hưởng đến việc vay tiêu dùng của người dân.
Ngoài ra, những cản trở để người dân tiến tới vay tiêu dùng tại các công ty tài chính, thay cho các hình thức vay của người thân hay “tín dụng đen” không hẳn do thủ tục hay quy trình phức tạp mà chủ yếu do nhận thức và hiểu biết kém về tài chính.
Nói thêm về vấn đề này, ông Hoàng Minh Tuấn, Trưởng phòng Pháp chế, Công ty tài chính TNHH MTV MB cho hay, hành vi tiêu dùng của người Việt Nam đã thay đổi khá nhiều so với 5 năm trước đây, thời gian cung cấp sản phẩm cho vay tiêu dùng được vận hành nhanh chóng, 15-20 phút là đã phê duyệt xong khoản vay. Hơn nữa, khách hàng có thể truy cập và ký hợp đồng trực tiếp trên website mà không cần đến tận nơi giao dịch.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, vướng mắc của các công ty tài chính hiện nay chủ yếu là vấn đề pháp lý, Thông tư 39 và 43 của NHNN về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng và cho vay tiêu dùng dù đã tạo được hành lang pháp lý cơ bản rõ ràng nhưng vẫn còn vướng. Ví dụ như các công ty tài chính mới thành lập thường gặp khó khăn về nguồn vốn, nên khó thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện theo quy định của NHNN. Vì thế, nhiều hệ thống phải hoạt động “chui” nhưng vẫn ký kết hợp đồng với khách hàng bình thường.
Bên cạnh thực trạng nêu trên, các chuyên gia tại tọa đàm đã nêu ra những thách thức trong thời gian tới của các công ty tài chính và dịch vụ vay tiêu dùng là trào lưu sử dụng mạng xã hội sẽ cho ra đời những phương thức cho vay và thu hồi nợ mới, bên cạnh đó là sự cạnh tranh gay gắt với các công ty tài chính Fintech./.
Minh Phương