Cần tiếp tục nâng cao năng lực của cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước 

(ĐCSVN) - Đảng ta khẳng định đội ngũ cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là một trong những nhân tố quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của DNNN. Đây cũng là yêu cầu đã được đặt ra tại nhiều văn bản của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Tiếp tục đổi mới, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”.

 

Sáng ngày 18/10, tại Hà Nội, Hội đồng Khoa học các Ban Đảng Trung ương phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương; Đảng uỷ Khối doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước phù hợp thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế trong tình hình mới”.

Hình ảnh tại Hội thảo 

Tham dự Hội thảo có các đồng chí: TS. Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các Ban Đảng Trung ương; TS. Nguyễn Long Hải, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng uỷ Khối doanh nghiệp Trung ương; các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các Ban, bộ, cơ quan Đảng Trung ương, địa phương, học viện, viện nghiên cứu; đại diện lãnh đạo một số tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước; các chuyên gia, nhà khoa học có am hiểu sâu về công tác cán bộ quản lý, quản trị DNNN; một số cơ quan báo chí.

Các đồng chí: TS. Trần Tuấn Anh; GS.TS Phùng Hữu Phú; TS. Nguyễn Long Hải đồng chủ trì Hội thảo.

Mục đích của Hội thảo nhằm góp phần thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ và góp phần chuẩn bị Đề án “Xây dựng quy định về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước phù hợp với thể chế chính trị, cơ chế thị trường và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế”, trình Bộ Chính trị trong tháng 11/2022. Hội thảo cũng nhằm làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, đánh giá thực trạng và những vướng mắc, điểm nghẽn trong quá trình triển khai chủ trương của Đảng về nâng cao chất lượng cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp DNNN; đề xuất quan điểm định hướng và các cơ chế, chính sách, giải pháp tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng cán bộ quản lý, quản trị DNNN phù hợp thể chế kinh tế thị trưởng định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Nội dung Hội thảo được chia làm hai phiên, thảo luận theo hai nhóm lĩnh vực: i) một số vấn đề lý luận và kinh nghiệm quốc tế; ii) thực trạng và định hướng nâng cao chất lượng cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước. GS.TS Phùng Hữu Phú chủ trì phiên thảo luận về một số vấn đề lý luận và kinh nghiệm quốc tế; TS. Nguyễn Long Hải chủ trì phiên thảo luận về thực trạng và định hướng nâng cao chất lượng cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước.

Sau phát biểu khai mạc, chào mừng của đồng chí TS. Nguyễn Long Hải; đồng chí TS. Trần Tuấn Anh đã phát biểu chỉ đạo, gợi mở một số vấn đề lý luận, thực tiễn về nâng cao chất lượng cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước phù hợp thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Đồng chí TS. Trần Tuấn Anh phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo 

Đồng chí TS. Trần Tuấn Anh cho biết, Đảng ta khẳng định đội ngũ cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước là một trong những nhân tố quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của DNNN. Đây cũng là yêu cầu đã được đặt ra tại nhiều văn bản của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Tiếp tục đổi mới, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”, theo đó đã xác định mục tiêu đến năm 2030 doanh nghiệp nhà nước đáp ứng đầy đủ các chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp; và Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 xác định mục tiêu: “... xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ...”

Qua hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, kinh tế nhà nước nói chung và DNNN nói riêng đã khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế, sự phát triển của DNNN đã và đang đặt ra không ít vấn đề, đặc biệt là hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của DNNN còn hạn chế, chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, hiệu quả sử dụng vốn chưa cao. Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, song có nguyên nhân quan trọng là từ chất lượng của đội ngũ cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước vẫn có những hạn chế nhất định, đặc biệt là đòi hỏi đáp ứng các yêu cầu phát triển trong bối cảnh và tình hình mới.

Trong bối cảnh mới Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế một cách sâu rộng và hiệu quả hơn, các DNNN đứng trước những đòi hỏi ngày càng cao về nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện hiệu quả quản lý, quản trị, cần phải tiếp tục nâng cao năng lực, phẩm chất, chất lượng của đội ngũ cán bộ quản trị, quản lý doanh nghiệp để điều hành DNNN hoạt động hiệu quả, đáp ứng được những thay đổi và thách thức ngày càng tăng của môi trường kinh doanh trong nước và quốc tế trong bối cảnh mới.

Tại Hội thảo, từ nhiều góc độ khác nhau, các ý kiến tham luận, trao đổi tập trung thảo luận sâu vào các nhóm vấn đề: Một là, làm rõ những yêu cầu đặt ra và quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với cán bộ quản lý, quản trị DNNN trong tình hình mới. Hai là, làm rõ kinh nghiệm quốc tế về công tác cán bộ quản lý, quản trị DNNN và các giá trị tham khảo đối với Việt Nam. Ba là, làm rõ vai trò cấp ủy Đảng trong công tác cán bộ quản lý DNNN và thực hiện các chủ trương, chính sách về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ quản lý, quản trị DNNN ở một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước và những vấn đề đặt ra. Bốn là, đưa ra những đề xuất, kiến nghị mới và giải pháp trọng tâm tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng cán bộ quản lý, quản trị DNNN phù hợp thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế trong tình hình mới./.

 

 
Tin, ảnh: Đặng Hiếu
168 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 703
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 703
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77200883