Ngày 3/7, tại tỉnh Quảng Nam, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình “Tiếp sức mùa thi” năm 2019 và bàn giải pháp để đổi mới chương trình phù hợp với hình thức tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia hiện nay.


Các đại biểu trao đổi sự cần thiết phải đổi mới công tác tiếp sức mùa thi

Báo cáo của Hội sinh Viên Việt Nam tại Hội nghị cho biết: Chương trình “Tiếp sức mùa thi” năm 2019 đã có 2.892 đội hình tình nguyện với hơn 55.4000 tình nguyện viên tham gia, thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ thông tin; ứng phó với các tình huống khẩn cấp; hướng dẫn sơ đồ phòng thi; trông giữ hành lý, đồ đạc cá nhân cho thí sinh; phát các vật dụng, cung cấp những suất ăn, nước uống miễn phí; giữ gìn trật tự an toàn giao thông.

Trao đổi tại Hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, những kết quả từ Chương trình tiếp xúc mùa thi vừa qua là rất đáng trân trọng, cần tiếp tục được phát huy nhân rộng. Mặc dù hiện nay các thí sinh tham gia kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia ngay tại địa phương, thuận lợi cho việc di chuyển đi lại nhưng không phải vì thế mà việc tổ chức các hoạt động tiếp sức mùa thi là không cần thiết.

Theo nhiều đại biểu, thực tế cho thấy, vẫn có rất nhiều thí sinh cần đến sự hỗ trợ của đội hình thanh niên, sinh viên tình nguyện khi gặp sự cố bất ngờ trong quá trình đến điểm thi, những thí sinh ở khu vực miền núi, hải đảo… Vì thế, Chương trình “Tiếp sức mùa thi” cần được duy trì, tổ chức hiệu quả hơn, nhất là cần phải có sự đổi mới, điều chỉnh phù hợp để phát huy hiệu quả, tránh hình thức.


Hội sinh viên Việt Nam tuyên dương các tập thể, đơn vị
làm tốt công tác tổ chức Chương trình "Tiếp sức mùa thi" năm 2019 vừa qua

Các đại biểu đề nghị, Chương trình “Tiếp sức mùa thi” phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đội hình tình nguyện của các trường Cao đẳng, Đại học với các cấp bộ đoàn cơ sở để tránh sự trùng lặp, thừa tình nguyện viên tại điểm thi. Trước kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia, các Tỉnh, Thành Đoàn phải tập hợp thông tin về nhu cầu của thí sinh trên địa bàn, nhất là những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, thí sinh khuyết tật để có hình thức hỗ trợ từ sớm…

Theo đánh giá của Hội sinh viên Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo, qua 18 năm tổ chức, Chương trình “Tiếp sức mùa thi” mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc, được xã hội ghi nhận và tiếp tục sẽ đồng hành với thí sinh, người nhà thí sinh trong những năm tới.

Tuy nhiên, để phù hợp với hình thức tổ chức của kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia hiện nay, chương trình phải có sự thay đổi như: đội hình tình nguyện bố trí số lượng tình nguyện viên vừa đủ, linh động giữa các môn thi; dừng hoạt động phát bản đồ đi lại, che ô cho thí sinh; hạn chế bố trí xe ôm tình nguyện trước cổng điểm thi. Thay vào đó, nhân rộng những mô hình hỗ trợ thiết thực như nấu cơm cho thí sinh tại các điểm thi ở khu vực miền núi, hỗ trợ thí sinh ôn tập trước kỳ thi…/.

Tin, ảnh: Đình Tăng