Những đóng góp của Nhân dân các dân tộc ở tuyến biên giới Việt – Lào trong suốt thời kỳ chiến tranh cũng như trong công cuộc đổi mới, phát triển tỉnh nhà là rất quan trọng. Vì vậy, việc củng cố “thế trận lòng dân” ở khu vực biên giới Việt – Lào có ý nghĩa chiến lược, là nền tảng phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, kết hợp với thế trận quân sự, an ninh và đối ngoại tạo thành thế trận biên phòng toàn dân vững chắc, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia nói chung, tỉnh Quảng Trị nói riêng.
Tỉnh Quảng Trị có tuyến biên giới Việt – Lào dài gần 188km, tiếp giáp 2 tỉnh Savannakhet, Salavan của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Địa bàn khu biên giới trên đất liền có 16 xã, thị trấn, 166 thôn, bản thuộc hai huyện Hướng Hóa và Đakrông với 16.306 hộ/69.125 nhân khẩu, gồm 3 dân tộc: Kinh, Pacô, Vân Kiều. Tuyến biên giới của tỉnh có vị trí đặc biệt quan trọng trong phòng thủ bảo vệ Tổ quốc, đồng thời cũng là cửa ngõ thông thương, phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa trong nước và bên ngoài.
Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của khu vực biên giới, hải đảo, Đảng, Nhà nước ta, cấp ủy, chính quyền của tỉnh Quảng Trị đã ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị các xã, thị trấn vùng biên giới còn nhiều khó khăn, nhờ vậy, trong những năm qua, tình hình phát triển kinh tế - xã hội biên giới đã có nhiều chuyển biến tích cực, tăng trưởng kinh tế của các địa phương biên giới đạt tốc độ khá cao; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được đầu tư xây dựng; hoạt động thương mại biên giới tăng trưởng khá; các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện tốt, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân từng bước được cải thiện và nâng cao; mối quan hệ Đảng, chính quyền với Nhân dân và lực lượng vũ trang được tăng cường; chủ quyền biên giới, lãnh thổ quốc gia được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quan hệ đối ngoại được mở rộng. Đó chính là cơ sở quan trọng để đồng bào đặt niềm tin vào Đảng, Nhà nước, vào công cuộc đổi mới, tạo nền tảng xây dựng “thế trận lòng dân” trong thế trận biên phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh quốc gia.
Cùng với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, trong những năm qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn, gắn bó máu thịt với đồng bào các dân tộc nơi biên giới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã kiên trì thực hiện “ba bám” - bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách, “bốn cùng” - cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc. Các phong trào thi đua yêu nước, các mô hình, chương trình tiêu biểu như: “Bộ đội Biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Con nuôi đồn Biên phòng”, “Nâng bước em tới trường”, “Tự quản đường biên cột mốc – Giữ gìn an ninh trật tự”, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”... đem lại kết quả cụ thể, thiết thực, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh; phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn biên giới, thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Hình ảnh người “Thầy thuốc quân hàm xanh”, “Thầy giáo quân hàm xanh”, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng quên mình giúp dân trong phòng, chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn đã in đậm vào tâm trí Nhân dân trong tỉnh.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, nhất là trong xu thế hội nhập đang đặt ra nhiều khó khăn thách thức đối với công tác xây dựng “thế trận lòng dân” ở khu vực biên giới, đó là: Khoảng cách phát triển giữa vùng biên giới với các vùng khác trong tỉnh có xu hướng gia tăng; các thế lực thù địch, phản động không ngừng lôi kéo, kích động, tăng cường hoạt động chống phá gây mất lòng tin của đồng bào đối với Đảng, chế độ, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc; các hoạt động truyền đạo trái pháp luật, buôn lậu, gian lận thương mại, tội phạm ma túy, ... vẫn diễn biến rất phức tạp. Những thách thức nêu trên nếu không sớm được khắc phục sẽ làm giảm sức mạnh của “thế trận lòng dân”.
Để tiếp tục củng cố “thế trận lòng dân” vững chắc ở khu vực biên giới Việt – Lào, tạo nền tảng xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, thiết nghĩ thời gian tới cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh khu vực biên giới, nhất là Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Nghị quyết số 88-2019-QH14 của Quốc hội khóa XIV phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Kết hợp chặt chẽ chính sách phát triển kinh tế - xã hội gắn với giữ vững quốc phòng – an ninh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, tạo môi trường thuận lợi, ổn định dân cư lâu dài ở khu vực biên giới. Đây là nhân tố có tính chất quyết định trong việc xây dựng “thế trận lòng dân”, là mục tiêu của cách mạng, là động lực thúc đẩy sức mạnh toàn dân.
Hai là, tăng cường giáo dục tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh cho toàn dân, trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên, các tổ chức đoàn thể và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn biên giới. Làm tốt công tác tuyên truyền để mọi người dân không chỉ nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mà còn hiểu rõ, hiểu đúng tình hình thực tế, bản chất của các vấn đề nhạy cảm, phức tạp đang diễn ra, những thách thức về an ninh phi truyền thống khu vực biên giới, vạch rõ các quan điểm sai trái, luận điệu phản động, âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch nhằm tạo nên sự đồng thuận “ý Đảng, lòng dân”. Trên cơ sở đó, mỗi người dân nhận thức đúng quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với nhiệm vụ quốc phòng - an ninh ở địa phương, nâng cao cảnh giác cách mạng, tỉnh táo trước các thủ đoạn chống phá của kẻ xấu, tự giác tham gia cùng các cấp, các ngành, các lực lượng thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ biên giới quốc gia.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Để xây dựng “thế trận lòng dân” ở khu vực biên giới thì trước hết phải xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở thật sự trong sạch, vững mạnh. Các cấp ủy đảng, chính quyền, đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên cần tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII, Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị TW4, khóa XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường đối thoại, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân với tinh thần “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Chú ý đẩy mạnh phong trào thi đua nhằm phát hiện, khen thưởng các điển hình tiên tiến về xây dựng “thế trận lòng dân” và nhân rộng trong toàn xã hội.
Thực tiễn đất nước qua hơn 35 đổi mới, đặc biệt là những kết quả quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; phòng, chống Covid-19 của đất nước, của tỉnh vừa qua là minh chững rõ nhất để không ngừng củng cố và tăng cường lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Bốn là, đổi mới toàn diện, đồng bộ các mặt công tác biên phòng, thường xuyên và chủ động nắm chắc tình hình, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; đấu tranh khôn khéo, kiên quyết và có hiệu quả đối với tội phạm và các đối tượng vi phạm pháp luật, giữ vững ổn định chính trị, giữ gìn an ninh khu vực biên giới. Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác vận động quần chúng nhằm tăng cường đoàn kết quân dân ở khu vực biên giới trong tình hình mới. Bộ đội Biên phòng phải ra sức phấn đấu làm tròn vai trò nòng cốt trong xây dựng nền Biên phòng toàn dân; đồng thời, có nhiều hình thức, phương pháp tiến hành công tác xây dựng khối đoàn kết quân dân; tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới, nhất là việc tuyên truyền, vận động, giáo dục hướng dẫn và giúp đỡ nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải thực hiện tốt phương châm: thận trọng, kiên nhẫn, kiên quyết, hiểu phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội của địa phương để nghe được dân nói, nói cho dân hiểu. Coi trọng “lời nói đi đôi với việc làm”, “làm trước, nói sau”, làm đến đâu, chắc đến đó, lấy hiệu quả công tác làm tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của bộ đội trên từng cương vị được giao. Đồng thời, bộ đội phải luôn có thái độ và ý thức chấp hành nghiêm túc 12 điều kỷ luật trong quan hệ quân dân; rèn luyện ý thức tự giác, tính độc lập tự chủ, nhất là trong điều kiện công tác xa đơn vị; tôn trọng, lắng nghe ý kiến đóng góp của Nhân dân; xây dựng đạo đức, lối sống giản dị, khiêm tốn, tâm huyết, trách nhiệm, nhiệt tình trong công việc tạo nên tình đoàn kết quân dân bền chặt, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia.
Tiếp tục củng cố “thế trận lòng dân” trên tuyến biên giới Việt – Lào là nhiệm vụ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó lực lượng vũ trang là nòng cốt. Điều này càng có ý nghĩa quan trọng hơn khi đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh đang triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng, xây dựng Đảng, đối ngoại theo tinh thần Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng./. Phan Văn Lãn