Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp (Ảnh: TTXVN)


Trình bày Báo cáo phương án giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn và vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) Nguyễn Đức Hải cho biết, về cơ bản, các ý kiến đại biểu Quốc hội liên quan đến dự thảo luật đã được Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cơ quan soạn thảo thống nhất về định hướng giải trình, tiếp thu, chỉnh lý.

Riêng đối với quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, trong quản lý nợ công, giữa Ủy ban TCNS và cơ quan soạn thảo còn có ý kiến khác nhau, xin báo cáo và trình xin ý kiến UBTVQH. Cụ thể, đa số ý kiến đề nghị quy định thống nhất một đầu mối quản lý nợ công. Ý kiến khác thống nhất một đầu mối nhưng cân nhắc không nên thay đổi đầu mối đàm phán với các tổ chức quốc tế. Một số ý kiến đề nghị đánh giá kỹ hơn về tính hiệu quả của việc tập trung chức năng quản lý nợ công vào một đầu mối đồng thời, cần xem xét vấn đề này sớm trong bối cảnh cải cách hành chính hiện nay. Nhiều ý kiến đề nghị giữ như hiện hành.

Về vấn đề này, Chính phủ đề nghị giữ nguyên nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như quy định hiện hành nhằm bảo đảm ổn định bộ máy, không gây xáo trộn về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan và không phải điều chỉnh các luật có liên quan. Cơ chế quản lý nợ công như hiện nay đã được thực hiện từ nhiều năm và các cơ quan đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ, góp phần huy động nguồn vốn ODA, vay ưu đãi từ các tổ chức quốc tế, Chính phủ nước ngoài cho ngân sách Nhà nước và cho đầu tư phát triển. Vì vậy, xin UBTVQH cho giữ như quy định của Dự thảo luật.

Tuy nhiên, Ủy ban TCNS trình UBTVQH tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội theo hướng quy định rõ Chính phủ chịu trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước về nợ công và điều chỉnh quy định về chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành để bảo đảm xác lập rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng cơ quan, khắc phục các bất cập, hạn chế hiện nay; bảo đảm nhất quán trong công tác quản lý, huy động, vay vốn trong nước cũng như vay vốn nước ngoài. Theo đó, Bộ Tài chính thực hiện huy động, đàm phán, ký kết hiệp định khung và đàm phán, ký kết các hiệp định cụ thể; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì giúp Chính phủ quản lý thống nhất về đầu tư công, đề xuất nhu cầu sử dụng vốn vay cho đầu tư công trong cân đối tổng thể các nguồn vốn đầu tư phát triển, trong đó có các dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là đại diện các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế, phối hợp với Bộ Tài chính trong quá trình đàm phán, ký kết các hiệp định vay, thực hiện quản lý ngoại hối theo quy định của Pháp lệnh ngoại hối và Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Cho ý kiến về vấn đề này, nhiều Ủy viên UBTVQH lưu ý, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, trong quản lý nợ công đang đi ngược lại xu hướng cải cách bộ máy hành chính.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thẳng thắn: “Chúng ta chưa thống nhất được đầu mối quản lý nợ công là do cứ cắc cứ, bộ nào cũng muốn giữ chức năng bộ đó, không chịu nhả ra mà biết là bất hợp lý. Chúng ta phải thống nhất đầu mối quản lý nợ công”.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, trong Báo cáo có nêu lý do chưa thống nhất đầu mối quản lý nợ công là để ổn định bộ máy, không gây xáo trộn về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan là không thuyết phục. Chủ tịch Quốc hội mạnh: “Nếu như vậy, không bao giờ chúng ta phát triển, đổi mới được. Chưa có quốc gia nào như chúng ta, quản lý tài chính ngân sách chia thành 2 khúc, một khúc chi thường xuyên do Bộ Tài chính làm, một khúc chi đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm. Không phải Bộ Kế hoạch và Đầu tư không làm được mà làm tốt, nhưng vẫn phải thống nhất đầu mối”.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề nghị, Ban soạn thảo cần tổng kết, đánh giá kỹ tác động của hai phương án, nếu sáp nhập lại một đầu mối quản lý nợ công thì sẽ ra sao. Và phân bổ chức năng, nhiệm vụ như quản lý nợ công như hiện hành thì sẽ như thế nào.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra ngồi lại với nhau, đánh giá những mặt được và chưa được trong việc thực hiện phân tán đầu mối quản lý nợ công thời gian qua. Đặc biệt, thẩm quyền của các cơ quan trong quản lý nợ công phải theo đúng tinh thần Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và xu hướng thực hiện cải cách bộ máy hành chính nhà nước./.       

 

Kim Thanh