Cần thiết xây dựng và ban hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 

(Chinhphu.vn) – Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam được xây dựng với mục đích cụ thể hóa quy định của Hiến pháp liên quan đến quyền đi lại của công dân; công khai, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện trong cấp, kiểm soát giấy tờ xuất nhập cảnh. Tương thích, đồng bộ với các văn bản pháp luật hiện hành; nâng cao giá trị pháp lý đối với hoạt động quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh. Phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc tham gia…

 

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam được Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 33 diễn ra vào chiều 17/4.

Dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam được xây dựng gồm 6 chương, 40 điều, cụ thể: Chương I - Quy định chung, gồm 5 điều. Chương II - Giấy tờ xuất nhập cảnh, gồm 2 điều (Điều 6 và Điều 7) quy định giấy tờ xuất nhập cảnh; thời hạn của giấy tờ xuất nhập cảnh. Chương III - Cấp, chưa cấp, hủy, thu hồi, khôi phục giá trị sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh, gồm 17 điều (từ Điều 8 đến Điều 24), quy định đối tượng, trình tự, thủ tục cấp, hủy, thu hồi, khôi phục; chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh. Chương IV - Xuất cảnh, nhập cảnh, tạm hoãn xuất cảnh, gồm 7 điều (từ Điều 25 đến Điều 31), quy định về điều kiện xuất cảnh, nhập cảnh; kiểm soát giấy tờ xuất nhập cảnh; những trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh; người có thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn, hủy bỏ quyết định tạm hoãn xuất cảnh; thời hạn tạm hoãn xuất cảnh; trình tự, thủ tục thực hiện tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn, hủy bỏ. Chương V - Trách nhiệm quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân, gồm 7 điều (từ Điều 32 đến Điều 38), quy định trách nhiệm của Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan; trong đó xác định Bộ Công an là cơ quan chủ trì giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân. Chương VI - Điều khoản thi hành, gồm 2 điều (Điều 39 và Điều 40), quy định điều khoản chuyển tiếp, hiệu lực thi hành.

Lý giải về sự cần thiết xây dựng và ban hành luật, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh, qua tổng kết 10 năm thực hiện công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam cho thấy các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của Chính phủ cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu thực tế, tạo điều kiện cho công dân ra nước ngoài công tác, học tập, lao động, du lịch, khám chữa bệnh, thăm thân... Tuy nhiên, để phù hợp với xu thế hiện nay, nhất là áp dụng sự tiến bộ của khoa học, công nghệ trong việc cấp giấy tờ, kiểm soát xuất nhập cảnh công dân ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước và để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan việc xây dự và ban hành dự án Luật là cần thiết.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, dự án Luật được xây dựng với mục đích cụ thể hóa quy định của Hiến pháp liên quan đến quyền đi lại của công dân; công khai, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện trong cấp, kiểm soát giấy tờ xuất nhập cảnh. Tương thích, đồng bộ với các văn bản pháp luật hiện hành; nâng cao giá trị pháp lý đối với hoạt động quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh. Phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc tham gia.

Đồng thời, dự luật được xây dựng trên quan điểm bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong công tác quản lý Nhà nước về xuất nhập cảnh. Tạo điều kiện thuận lợi cho công dân nhưng vẫn đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong việc cấp, quản lý, kiểm soát giấy tờ xuất nhập cảnh. Kế thừa các quy định hiện hành còn phù hợp, bổ sung những quy định mới để phù hợp với sự phát triển của đất nước và thế giới.

 

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm báo cáo tại phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Đề cập đến quá trình xây dựng dự án Luật, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì, các bộ, ngành liên quan phối hợp xây dựng dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, bảo đảm tiến độ, có chất lượng, lắng nghe, tiếp thu ý kiến tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Chính phủ đã chỉ đạo Ban soạn thảo lấy ý kiến 22 bộ, ngành; 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học; đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công an để lấy ý kiến rộng rãi quần chúng nhân dân về dự thảo hồ sơ dự án Luật (Tờ trình, Luật, Báo cáo đánh giá tác động chính sách); xây dựng bản tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia; đã giao Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định đối với dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật.

Trên cơ sở các ý kiến tham gia và thẩm định, Chính phủ đã giao Bộ Công an nghiên cứu, bổ sung, chỉnh lý dư án Luật. Ngày 8/3/2019 đã tổ chức họp các thành viên Chính phủ thảo luận, tham gia ý kiến và thông qua dự án Luật để trình Quốc hội theo đúng kế hoạch.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội (UBQPAN) về dự án Luật khẳng định Thường trực UBQPAN tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ và nhấn mạnh, việc ban hành Luật này nhằm quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, minh bạch các trường hợp hạn chế quyền công dân, trình tự, thủ tục quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng những thành tựu của khoa học, công nghệ trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; khắc phục những bất cập, hạn chế trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh thời gian qua.

Về hồ sơ dự án Luật, Thường trực UBQPAN thấy rằng, về cơ bản hồ sơ dự án Luật bảo đảm các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện để trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung vào Tờ trình những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau cần xin ý kiến của Quốc hội; bổ sung vào Báo cáo tổng kết những thông tin mới về tình hình, kết quả công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam trong thời gian gần đây; bổ sung vào các Báo cáo đánh giá tác động để đánh giá rõ hơn các chính sách mới, nội dung mới đã được nêu trong Tờ trình.

Thảo luận về dự án Luật, nhiều ý kiến thanh viên UBTVQH cho rằng nội dung dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng có liên quan đến xuất nhập cảnh, bảo vệ an ninh quốc và hội nhập quốc tế. Nội dung dự thảo Luật bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, do nội dung của dự thảo Luật có liên quan đến nhiều quy định trong các luật khác, các Công ước về quyền con người, các Hiệp định, Thỏa thuận song phương về nhận trở lại công dân với các nước, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật và tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Có ý kiến bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của các quy định về hộ chiếu có gắn chíp điện tử; quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân, hạ tầng chữ ký số và dịch vụ công trực tuyến phục vụ cấp, quản lý, kiểm soát hộ chiếu của công dân Việt Nam vì cho rằng những nội dung này khó triển khai, áp dụng đồng bộ để khai thác, sử dụng, xử lý dữ liệu chung kể từ ngày Luật này có hiệu lực (ngày 01/7/2020). Đề đề nghị bổ sung quy định chuyển tiếp để có lộ trình thực hiện cho phù hợp, bảo đảm tính khả thi.

Liên quan đến phạm vi điều chỉnh của Luật, đa số ý kiến tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, vì cho rằng đã thể hiện đầy đủ nội dung mà dự thảo Luật cần tập trung điều chỉnh, gồm trình tự, thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh của công dân và trách nhiệm của các chủ thể liên quan đến hoạt động này. Tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị bổ sung vào phạm vi điều chỉnh và nội dung dự thảo Luật các quy định về quản lý, bảo hộ công dân Việt Nam sau khi xuất cảnh ra nước ngoài và các quy định liên quan đến bảo vệ an ninh quốc gia trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị bổ sung điều chỉnh đối với hoạt động kiểm soát xuất cảnh, nhập cảnh phương tiện và kiểm tra hàng hóa, vật phẩm, hành lý, vật dụng cá nhân của người xuất cảnh, nhập cảnh.

Về nguyên tắc xuất cảnh, nhập cảnh (Điều 3), một số ý kiến đề nghị rà soát, điều chỉnh, bổ sung các nguyên tắc xuất cảnh, nhập cảnh để bảo đảm phù hợp với cả công dân thực hiện xuất cảnh, nhập cảnh và cơ quan, cá nhân quản lý, kiểm soát xuất nhập cảnh.

Liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân (Điều 5), có ý kiến đề nghị bổ sung các quyền: Quyền xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật; quyền lựa chọn, đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc hộ chiếu không gắn chíp điện tử đối với mọi công dân, không chỉ đối với người trên 14 tuổi (quy định tại Điểm c Khoản 1); người được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ có quyền đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông…

Về các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh (Điều 28), một số ý kiến cho rằng, quy định một số trường hợp chưa rõ ràng như trường hợp người có nghĩa vụ trong vụ án, vụ việc về dân sự, kinh tế, hôn nhân và gia đình, lao động, hành chính tại khoản 3; người đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ nộp thuế và những nghĩa vụ khác về tài chính tại khoản 4; vì lý do quốc phòng, an ninh tại khoản 6. Một số ý kiến đề nghị rà soát các trường hợp hoãn xuất cảnh đã được quy định trong pháp luật tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, xử lý vi phạm hành chính để quy định bảo đảm đầy đủ, chặt chẽ và thống nhất.

Bên cạnh đó, các thành viên UBTVQH cũng đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến nội dung của dự án Luật về: Giấy tờ xuất nhập cảnh; cấp giấy tờ xuất nhập cảnh; hủy, thu hồi, khôi phục hộ chiếu; điều kiện xuất cảnh, điều kiện nhập cảnh; trách nhiệm quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam…

 

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Phát biểu kết thúc thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, UBTVQH cơ bản tán thành với nội dung được nêu trong Tờ trình của Chính phủ cũng như trong Báo cáo thẩm tra về dự án Luật. Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong xây dựng dự án Luật; hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị công phu, đầy đủ; tiến độ xây dựng dự án luật được bảo đảm;…

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị cơ quan chủ trì xây dựng dự án Luật cùng các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến tại phiên họp để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi của của Luật để trình dự án Luật này ra kỳ họp thứ 7 tới của Quốc hội./.

 Nguyễn Hoàng

562 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1625
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1625
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 84190674