|
Cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) mới đưa vào hoạt động từ tháng 5/2018 chưa có nhiều khách sử dụng dịch vụ nên được đề xuất giữ nguyên giá dịch vụ xếp dỡ container như QĐ 3863 là 46 USD/cont 20'.
Ảnh: VGP/Phan Trang. |
Thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 18/7/2018 Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hạ tầng giao thông, Bộ GTVT vừa đề xuất dự thảo Thông tư ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt cảng biển tại Việt Nam. Thông tư này sẽ thay thế Quyết định 3863 trước đó.
Tăng theo lộ trình 10% mỗi năm
Ông Trịnh Thế Cường, Trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải (Cục Hàng hải Việt Nam) cho biết, dự thảo Thông tư ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt cảng biển tại Việt Nam thay thế Quyết định 3863 của Bộ GTVT đang được xây dựng theo 2 phương án.
Cụ thể, phương án 1 giá dịch vụ sẽ điều chỉnh theo hướng: Khung giá dịch vụ cầu bến, phao neo đối với khách du lịch tối thiểu là 2,5 USD/người/lượt, tối đa là 5 USD/người/lượt; Khung giá dịch vụ bốc dỡ container xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất khu vực I tăng từ 30 USD/cont20’, 45 USD/cont40’ lên 33 USD/cont20’ và 55 USD/cont40’. Riêng khung giá dịch vụ bốc dỡ container xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất khu vực ĐBSCL giảm 50% so với khung giá ở dịch vụ tương tự ở khu vực III.
Phương án 2, khung giá dịch vụ cầu bến, phao neo đối với khách du lịch tối thiểu là 5 USD/người/lượt, tối đa là 15 USD/người/lượt; Khung giá dịch vụ bốc dỡ container xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất khu vực 1 tăng bằng giá khu vực 3, áp dụng theo lộ trình: năm 2019 là 33 USD/cont20’ và 50 USD/cont40’ (tăng 10%), năm 2019 là 37 USD/cont20’ và 56 USD/cont40’ (tăng 20%), năm 2030 là 41 USD/cont20’ và 62 USD/cont40’ (tăng 30%).
Khung giá dịch vụ bốc dỡ container xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất điều chỉnh hướng: khu vực Lạch Huyện điều chỉnh tăng khoảng 10% so với mức quy định tại quyết định số 3863, lộ trình đến năm 2021, tăng từ 46 USD/cont20’, 68 USD/cont40’ lên 52 USD/cont20’ và 77 USD/cont40’. Khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải tăng 10% so với hiện tại, từ 46 USD/cont20’, 68 USD/cont40’ lên 52 USD/cont20’ và 77 USD/cont40’. Khu vực ĐBSCL giảm 50% so với khung giá ở dịch vụ tương tự ở khu vực III.
Trên cơ sở khung giá dịch vụ tại cảng biển của dự thảo thay thế, đại diện các cảng: Hải Phòng, Đà Nẵng, Chân Mây cũng bày tỏ mong muốn giá dịch vụ hành khách đối với tàu khách có thể tăng thêm từ 2,5 - 15 USD theo lộ trình và đặc điểm từng khu vực cảng.
Tăng giá dịch vụ không tác động đến CPI
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho biết, trước đây giá xếp dỡ dịch vụ container thực hiện theo cơ chế thị trường, Nhà nước không can thiệp. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, công tác quản lý quy hoạch, xây dựng chưa đồng bộ, chưa phù hợp chuẩn mực Quốc tế nên việc DN tự đầu tư, tự khai thác cảng và cung-cầu chênh lệch cao dẫn đến tình trạng các DN cạnh tranh không lành mạnh bằng việc giảm giá để kéo khách. Điều này vô tình gây ra tình trạng chung là các DN đều phải hạ giá dịch vụ, lợi nhuận thấp khiến DN không thể tái đầu tư, đổi mới trang thiết bị, tăng chất lượng dịch vụ.
“Vì thế, Bộ GTVT đã đề xuất lên Quốc hội về thực trạng này và được Quốc hội, Chính phủ chấp thuận, giao Bộ GTVT xây dựng Thông tư về khung giá dịch vụ căn cứ theo Luật Hàng hải, thay thế cho Quyết định 3863 từ năm 2016”, Thứ trưởng nói.
Về lựa chọn phương án, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho rằng, với phương án 2 là tăng giá theo lộ trình (10% mỗi năm) sẽ tốt hơn bởi các DN vừa và nhỏ ở khu vực cảng Hải Phòng sẽ có thêm thời gian chuyển đổi mô hình, đầu tư thêm trang thiết bị. Lộ trình này cũng phù hợp với các khu vực cảng biển khác.
Thông tin thêm, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho biết, Bộ GTVT đã có công văn gửi Tổng cục Thống kê (Bộ KHĐT) về việc đánh giá tác động tới chỉ số tiêu dùng (CPI) đối với việc điều chỉnh mức khung giá dịch vụ cảng biển tại dự thảo Thông tư.
Ngày 17/9/2018, Tổng cục Thống kê đã có văn bản số 904/TCTK-TKG trả lời Bộ GTVT về việc này. Văn bản nêu rõ:
Ở phương án 1, việc điều chỉnh khung giá dịch vụ tại cảng biển gần như không tác động đến chỉ số giá vận tải.
Ở phương án 2, việc điều chỉnh khung giá dịch vụ tại cảng biển theo lộ trình tăng giá chia đều cho các năm 2019 đến năm 2021, theo khung mức giá tối thiểu quy định trong dự thảo Thông tư, mỗi năm tác động đến chỉ số giá vận tải tăng khoảng 0,65%.
“Theo đó, việc điều chỉnh khung giá dịch vụ tại cảng biển theo Phương án 1 không tác động đến chỉ số giá tiêu dùng. Theo phương án 2, việc điều chỉnh khung giá dịch vụ tại cảng biển không tác động đến chỉ số giá tiêu dùng năm 2018, còn các năm 2019 đến năm 2021 tác động gián tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng nhưng không nhiều”, văn bản nêu.
Trao đổi về vấn đề trong khi Chính phủ đang có chủ trương giảm chi phí logistics (Chỉ thị 21) thì Bộ GTVT lại đề xuất tăng phí dịch vụ cảng biên liệu có đi ngược lại chủ trương không, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công khẳng định: “Như đã dẫn chứng ở trên, việc tăng phí dịch vụ cảng biển này không làm tăng chi phí logistics mà chỉ thu lại số tiền dịch vụ đáng lẽ ra các DN cảng biển được nhận bởi đây là khoản nằm trong phí THC hãng tàu nước ngoài đã thu của chủ hàng. Nếu ta để phí dịch vụ quá thấp vô hình chung doanh nghiệp nước ngoài sẽ được hưởng khoản chênh lệch nhiều hơn. Chưa kể đến việc khi DN cảng biển thu được nhiều sẽ tạo ra lợi nhuận để đầu tư vào hạ tầng, thiết bị bốc dỡ hiện đại, hiệu quả hơn, tăng sản lượng hàng hoá thông qua cảng, tăng chất lượng dịch vụ... hàng hoá thông qua cao vô hình chung chính là biện pháp giảm chi phí logistics hiệu quả nhất”.
Phan Trang