|
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đọc dự án Luật CSCĐ trước Quốc hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
|
Như Báo Điện tử Chính phủ đã đưa, chiều 21/10, trình bày tờ trình dự án Luật CSCĐ trước Quốc hội, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, Chính phủ đã xây dựng 2 phương án trình Quốc hội, xem xét cho ý kiến hệ thống tổ chức của CSCĐ được quy định tại Điều 13 dự thảo Luật.
Phương án một, dự thảo luật chỉ quy định mang tính nguyên tắc về hệ thống tổ chức của CSCĐ, gồm Bộ Tư lệnh CSCĐ và CSCĐ công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ trưởng Công an quy định chi tiết về hệ thống tổ chức của CSCĐ để đảm bảo thống nhất với quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trong Báo cáo thẩm tra cho biết, đa số ý kiến nhất trí với phương án 1 của dự thảo, vì cơ bản thống nhất với pháp luật hiện hành, đồng thời bảo đảm linh hoạt trong quá trình tổ chức lực lượng theo yêu cầu thực tế đặt ra.
Phương án 2, tiếp thu ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng bổ sung quy định về cơ cấu các lực lượng thuộc CSCĐ, gồm 6 lực lượng. Trong đó, 4 lực lượng tác chiến đặc biệt, đặc nhiệm, bảo vệ mục tiêu, huấn luyện, sử dụng động vật nghiệp vụ được kế thừa quy định tại Điều 8 Pháp lệnh CSCĐ năm 2013.
Hai lực lượng bổ sung là lực lượng sử dụng tàu bay, tàu thủy và CSCĐ dự bị chiến đấu, hiện đã được thành lập theo chủ trương của Bộ Chính trị, các đề án, dự án của Chính phủ và Bộ Công an nhằm đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới. Bộ trưởng Bộ Công an sẽ quy định chi tiết về hệ thống tổ chức của CSCĐ để đảm bảo thống nhất với quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đọc Báo cáo thẩm tra cho biết, một số ý kiến nhất trí phương án 2, thể hiện tính chất đặc thù của CSCĐ, đồng thời đề nghị giao Chính phủ quy định cụ thể cơ cấu tổ chức để bảo đảm chặt chẽ.
Ông Lê Tấn Tới cho hay, đa số ý kiến thành viên cơ quan thẩm tra nhất trí quy định như dự thảo. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể, chặt chẽ hơn các trường hợp được "ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái" ở Khoản 3. Đồng thời, ban soạn thảo cần rà soát, đối chiếu với quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và pháp luật có liên quan để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn...
Tham gia thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Tô Lâm trân trọng cảm ơn các đại biểu đã quan tâm phát biểu ý kiến, ủng hộ Chính phủ xây dựng dự án Luật CSCĐ. Đề cập một số nội dung liên quan đến dự án luật, Bộ trưởng cho biết, đối với hệ thống tổ chức của CSCĐ, Chính phủ ban đầu trình ra một phương án, song lúc thảo luận có thêm phương án hai, nên tờ trình đã đưa cả hai phương án để xin ý kiến Quốc hội.
"Chúng tôi thấy phương án 1 là phù hợp, nguyên tắc chung là tổ chức bộ máy không đưa vào luật, chỉ quy định về nguyên tắc hoạt động. Vì khi thay đổi tổ chức bộ máy thì lại phải sửa luật, khiến luật có hiệu lực rất ngắn, không theo kịp tình hình của thực tiễn. Thứ hai là phù hợp Luật CAND ở Điều 19: ‘Bộ trưởng Bộ Công an quy định chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của lực lượng trực thuộc Bộ, công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; công an các quận, huyện, thị xã". Đó là thẩm quyền của Bộ trưởng và lực lượng CSCĐ cũng vậy", Bộ trưởng Tô Lâm lý giải.
Bộ trưởng Bộ Công an cho biết thêm, vừa qua, Bộ Tư lệnh CSCĐ có thêm Trung đoàn Không quân, là bước kiểm nghiệm ban đầu, có thể còn phát triển nữa. Do đó, nếu trong luật ghi rõ về tổ chức bộ máy gồm "lực lượng sử dụng máy bay, tàu thủy"... thì đến lúc có thêm lực lượng khác nữa lại phải xin Quốc hội sửa luật, rất bất cập.
Khẳng định Nghị quyết Đại hội Đảng XII quy định lực lượng CSCĐ "từng bước hiện đại", đến Nghị quyết Đại hội XIII và Chiến lược bảo vệ Tổ quốc thì đã xác định CSCĐ mục tiêu đến năm 2025 là một trong năm lực lượng thuộc CAND tiến lên hiện đại ngay, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết sẽ tiếp thu, bổ sung ý kiến của các đại biểu Quốc hội vào dự án luật với việc đầu tư trang bị, phương tiện cho CSCĐ không chỉ "ưu tiên", mà cần phải được "đảm bảo".
Trả lời một số ý kiến của đại biểu Quốc hội băn khoăn về huy động lực lượng CSCĐ, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, do tình hình an ninh trật tự, việc huy động quy định như trong dự thảo là rất chặt chẽ. Chẳng hạn như những vụ việc ở Bình Thuận, Bình Dương đã cần phải sử dụng lực lượng CSCĐ trong những tình huống hết sức đặc biệt.
Hải Liên