Cần thay đổi mô hình của hội đồng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung 

(Chinhphu.vn) - Đây là ý kiến của ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khi đánh giá hiệu quả điều phối của hội đồng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

 

Miền Trung còn nhiều dư địa để phát triển trong những năm tới (một khu vực ven biển thuộc tuy Phước, tỉnh Bình Định). Ảnh: VGP/Thế Phong
Với các địa phương miền Trung, tiềm năng phát triển là rất lớn. Lợi thế còn đến từ 17 cảng biển và 9 khu kinh tế ven biển, hạ tầng giao thông đang được hoàn thiện, rất thuận lợi cho phát triển liên kết vùng trong phát triển kinh tế. Các địa phương cũng đã đạt được những thành quả nhất định, nhưng hiệu quả và sự lan toả từ liên kết vùng chưa như kỳ vọng
 Động lực tăng trưởng còn yếu

Đánh giá tình hình phát triển kinh tế-xã hội vùng miền Trung năm 2019, bên cạnh kết quả đạt được, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ (Bộ KH&ĐT) Trần Duy Đông đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế của khu vực, đó là động lực tăng trưởng công nghiệp của vùng còn yếu.

Trong 14 tỉnh, thành phố chỉ có Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ, năm 2019, có dự án động lực quy mô lớn. Các tỉnh còn lại tốc độ tăng trưởng công nghiệp còn thấp, chưa khai thác được thế mạnh hệ thống cảng biển, sân bay sẵn có. Một số hành lang kinh tế (Đà Nẵng-Quốc lộ 1A và hành lang Đà Nẵng-Quốc lộ 14B-14D-Nam Giang-Đông-Tây, Dung Quất-Tây Nguyên, Quy Nhơn-Tây Nguyên) chưa phát huy sức hút lớn về công nghiệp, dịch vụ.

Xuất khẩu tăng cao, nhưng tỷ trọng còn thấp trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của miền Trung chỉ chiếm khoảng 4,76% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Ngoại trừ Đà Nẵng và Khánh Hòa xuất siêu, các tỉnh còn lại trong vùng chủ yếu là nhập siêu.

Riêng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chưa thể hiện được vai trò là hạt nhân tăng trưởng, đầu tàu dẫn dắt kinh tế vùng. GRDP đến năm 2018 chỉ chiếm 6,93% GDP của cả nước. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm thời kỳ 2016-2018 là 7,3%/năm (đứng thứ 3 trong 6 vùng kinh tế của cả nước) thấp hơn bình quân vùng (7,62%). Tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2019 của 4/5 địa phương tăng trưởng thấp hơn bình quân chung của vùng và cả nước.

Thu ngân sách chưa bền vững, mặc dù tăng cao nhưng số thu một lần, thu không ổn định còn chiếm tỷ lệ lớn, thu từ tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết chiếm tỷ lệ cao trong tổng số thu nội địa, khoảng 22-25%. Hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, nội vùng còn yếu và thiếu. Tuyến đường ven biển kết nối các tỉnh và vùng dải bờ biển miền Trung chưa được đầu tư. Các tuyến đường ngang nối khu vực ven biển lên Tây Nguyên, khu vực trung du, miền núi các tỉnh chưa được đầu tư mới, nâng cấp.

Nguy cơ thiếu nước ngọt, nhiễm mặn, đặc biệt tại các tỉnh Nam Trung Bộ, Ninh Thuận, Bình Thuận. Nguy cơ ô nhiễm môi trường tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp còn cao.

Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp (tỷ lệ lao động qua đào tạo có cấp chứng chỉ mới đạt khoảng 22-23%). Nguy cơ thiếu hụt nguồn lao động trong những năm tới do dịch chuyển dân số vùng và tỷ lệ già hóa dân số đòi hỏi phải có các giải pháp kịp thời trong thời gian tới. Tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao so với cả nước…

Theo các chuyên gia kinh tế, miền Trung là vùng đất giàu tiềm năng nhưng chậm phát triển là do xuất phát điểm thấp và tồn tại nhiều bất lợi trong phát triển, là địa bàn chịu sự khắc nghiệt của mưa bão, lũ lụt; lãnh thổ trải rộng và địa hình phức tạp cản trở tổ chức không gian phát triển kinh tế-xã hội của vùng…

Tiềm năng, thế mạnh của các địa phương khá tương đồng (biển, du lịch, cảng biển, sân bay...); các ngành kinh tế chủ lực tại các khu kinh tế, khu công nghiệp của các địa phương có sự trùng lặp, nên địa phương nào cũng bị phân tán nguồn lực đầu tư của cả Nhà nước lẫn tư nhân.

Doanh nghiệp chủ yếu là quy mô nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh thấp. Phần lớn các doanh nghiệp mới tham gia vào một số công đoạn của mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, chưa có nhiều sản phẩm chủ lực có thương hiệu tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Mặc dù gần đây miền Trung nổi lên với một làn sóng đầu tư, nhưng chủ yếu tập trung vào ngành du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng. Còn lĩnh vực công nghiệp vẫn vắng bóng những doanh nghiệp “sếu đầu đàn”.

Nếu như vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc có Hà Nội là hạt nhân tạo sự phát triển lan tỏa chung cho cả vùng, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có TPHCM đóng vai trò hạt nhân phát triển vùng… thì vùng kinh tế trọng điểm miền Trung lại chưa có địa bàn nào phát triển thật sự mạnh để tạo được sức lan tỏa chung.

 

Cảng Tiên Sa, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: VGP/Thế Phong

Hiệu quả liên kết vùng chưa cao

Vấn đề hợp tác và liên kết phát triển kinh tế miền Trung đã được bàn thảo nhiều lần tại các hội nghị, diễn đàn kinh tế, nhưng chỉ dừng lại ở chủ trương, chưa đi vào thực tiễn.

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, mặc dù từ lâu đã xác định không gian vùng kinh tế trọng điểm, nhưng cơ bản cho đến nay vẫn phát triển theo tư duy kinh tế tỉnh và đã xuất hiện những xung đột giữa lợi ích địa phương và lợi ích toàn vùng do sự thiếu liên kết trong phát triển.

Cơ chế điều phối, liên kết phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã được ban hành (như Ban Chỉ đạo, Hội đồng vùng… theo các Quyết định 914/QĐ-TTg và Quyết định 2059/QĐ-TTg năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ), nhưng chưa mang lại nhiều kết quả.

Theo ông Lê Trí Thanh, các quy định hiện nay về liên kết vùng, nhất là liên kết vùng kinh tế trọng điểm có tính pháp lý chưa cao, chưa mang tính ràng buộc giữa các địa phương về việc phải thực hiện theo đúng quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của vùng, gắn kết với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Bên cạnh đó, cơ chế điều hành hội đồng vùng hiện nay mang tính luan phiên giữa các địa phương (chủ tịch hội đồng vùng được bầu luân phiên trong 5 tỉnh thuộc vùng, nhiệm kỳ hai năm), tính trách nhiệm không cao và thẩm quyền chưa bảo đảm để điều phối cả vùng, do đó cần thiết phải thay đổi mô hình hoạt động.

Ngoài ra, các nội dung để thực hiện các liên kết phát triển vùng, nhất là vấn đề liên kết hạ tầng, du lịch, công nghiệp, dịch vụ, cảng biển, sân bay… còn rất lỏng lẻo và gần như mang tính tự phát, xuất phát từ lợi ích tự thân của từng ngành thay vì từ nhu cầu liên kết, phân chia nguồn lực hợp lý.

Từ đánh giá trên, ông Lê Trí Thanh cho rằng, phải thay đổi lại mô hình về cơ chế kèm theo thể chế chặt chẽ hơn, mang tính ràng buộc pháp lý và với một thẩm quyền phù hợp hơn. Phát triển vùng đặt ra yêu cầu nghiêm ngặt là phải thực hiện Luật Quy hoạch. Trong đó quy hoạch từng tỉnh, thành phố phải phù hợp với quy hoạch phát triển vùng. Quy hoạch phát triển vùng phải phù hợp với quy hoạch quốc gia, kèm theo những chế tài ràng buộc và bắt buộc với một số chỉ tiêu phát triển cơ bản, cũng như việc đầu tư xây dựng hạ tầng then chốt để phục vụ cho liên kết vùng, mà chế tài phải nằm ở thẩm quyền của hội đồng vùng. Như thế, hội đồng vùng mới có thẩm quyền nhất định để quán xuyến sự phát triển vùng.

Thế Phong

397 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 821
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 821
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87205204