Ảnh minh hoạ (Nguồn: 24h.com.vn)
Thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/2/2019 thu hút 514 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 2.444,9 triệu USD, tăng 25,1% về số dự án và tăng 75,7% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, có 176 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 854,8 triệu USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 2 tháng đầu năm đạt 3.299,7 triệu USD, tăng 57,8% so với cùng kỳ năm 2018. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 2 tháng năm nay ước tính đạt 2.580 triệu USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong 2 tháng còn có 1.039 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 5,17 tỷ USD, gấp 4,1 lần so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có 585 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 4,78 tỷ USD và 454 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 0,39 tỷ USD.
Trong 2 tháng năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 1.874,4 triệu USD, chiếm 76,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 273 triệu USD, chiếm 11,1%; các ngành còn lại đạt 297,5 triệu USD, chiếm 12,2%.
Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 2 tháng đạt 2.649,9 triệu USD, chiếm 80,3% tổng vốn đăng ký; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 286,7 triệu USD, chiếm 8,7%; các ngành còn lại đạt 363,1 triệu USD, chiếm 11%. Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành bán công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 4.281,8 triệu USD, chiếm 82,8% tổng giá trị góp vốn; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đạt 239,5 triệu USD, chiếm 4,6%; các ngành còn lại đạt 649,9 triệu USD, chiếm 12,6%.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 2 tháng năm nay có 5 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn của phía Việt Nam là 6,05 triệu USD; 1 dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 200 nghìn USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 2 tháng năm 2019 đạt 6,25 triệu USD.
Sản xuất nông nghiệp gặp nhiều thuận lợi
Về sản xuất nông nghiệp, trong tháng 2, thời tiết nắng ấm cùng với tình hình sâu bệnh được kiểm soát tạo điều kiện thuận lợi cho lúa và hoa màu vụ đông xuân phát triển tốt. Tính đến trung tuần tháng 2, cả nước gieo cấy được 2.765,9 nghìn ha lúa đông xuân, tăng 3,2% (tăng 86,5 nghìn ha) so với cùng kỳ năm trước. Tại các tỉnh phía Bắc, bên cạnh thời tiết đầu vụ thuận lợi, Tết Nguyên đán năm nay đến sớm hơn năm 2018 nên các địa phương đã tranh thủ xuống giống sớm vụ đông xuân làm cho tiến độ gieo cấy đạt nhanh hơn cùng kỳ năm trước. Hiện nay lúa đông xuân sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, dự báo nắng nóng có khả năng xuất hiện sớm tại phía Tây Bắc Bộ và Trung Bộ, do đó các địa phương cần kết thúc gieo cấy lúa đông xuân trong tháng 2/2019. Thời tiết nắng ấm cũng khiến sâu bệnh gây hại trên lúa diễn biến phức tạp, nhất là bệnh lùn sọc đen phương nam, đạo ôn, bọ trĩ, ốc bươu vàng..., ngành nông nghiệp cần theo dõi sát diễn biến tình hình sâu bệnh, xử lý kịp thời các ổ bệnh để không ảnh hưởng đến sự phát triển của cây lúa.
Các địa phương phía Nam đến nay cơ bản hoàn thành gieo cấy lúa đông xuân, trong đó diện tích lúa tăng chủ yếu ở Cà Mau với 35,2 nghìn ha do chuyển đổi mùa vụ từ lúa mùa sang lúa đông xuân. Hiện nay lúa đang phát triển tốt, những trà lúa chính vụ đang trong giai đoạn đẻ nhánh làm đòng, trong đó tại Đồng bằng sông Cửu Long đã có 306,1 nghìn ha lúa đông xuân cho thu hoạch, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm 2018. Mặc dù các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào giai đoạn thu hoạch đại trà lúa đông xuân nhưng do các doanh nghiệp và thương lái chưa thu mua dẫn đến giá lúa xuống thấp, một số tỉnh như Đồng Tháp, An Giang không gặt lúa đúng tiến độ mặc dù lúa đã chín. Để hỗ trợ nông dân giải quyết khó khăn, tránh tình trạng thương lái ép giá, ngày 19/2/2019, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo mua dự trữ theo kế hoạch Nhà nước 200 nghìn tấn gạo và 80 nghìn tấn thóc.
Chăn nuôi trong tháng 2 nhìn chung ổn định, riêng đàn trâu giảm do diện tích chăn thả thu hẹp. Ước tính tháng 2, đàn bò cả nước tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước; đàn lợn tăng 3%; đàn gia cầm tăng 6%; đàn trâu giảm 2,8%. Đáng chú ý là dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát ổ dịch tại bốn tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên và Thanh Hóa; dịch lở mồm long móng ở lợn xảy ra tại một số địa phương, do đó các cấp, các ngành cần chủ động có biện pháp phòng chống dịch bệnh lây lan diện rộng, không để ảnh hưởng đến sản xuất, gây biến động giá và nguồn cung của thị trường lợn.
Về thủy sản, tính chung 2 tháng đầu năm 2019, sản lượng thủy sản ước tính đạt 988,3 nghìn tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 464,7 nghìn tấn, tăng 3,9%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 523,6 nghìn tấn, tăng 5,3% (sản lượng thủy sản khai thác biển đạt 494,9 nghìn tấn, tăng 5,7%).
Sản xuất công nghiệp tăng thấp
Tính chung 2 tháng đầu năm 2019, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 13,7% của cùng kỳ năm 2018. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,5%, đóng góp 8,9 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,5%, đóng góp 0,9 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,9%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 4,7%, làm giảm 0,7 điểm phần trăm mức tăng chung.
Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 2 tháng đầu năm 2019 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 92,1%; sản xuất kim loại tăng 35,8%; sản xuất xe có động cơ tăng 20,9%;… Đáng chú ý, một số ngành chiếm tỷ trọng lớn trong toàn ngành công nghiệp có tốc độ tăng chỉ số sản xuất 2 tháng đầu năm 2019 thấp hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm 2018 như sản xuất các sản phẩm từ chất khoáng phi kim loại (chủ yếu là sản xuất xi măng) tăng 7,9% (cùng kỳ năm trước tăng 15,2%); sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 7,4% (cùng kỳ năm trước tăng 13,1%); sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học chỉ tăng 5,2% (cùng kỳ năm trước tăng 34,8%);…
Trong 2 tháng đầu năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp của 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó Thanh Hóa là địa phương có tốc độ tăng cao nhất với mức 46,7% do Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn mới đi vào sản xuất từ giữa năm 2018, tiếp theo là Hà Tĩnh tăng 46,2% do đóng góp của Tập đoàn Formosa...
Tình hình đăng ký doanh nghiệp giảm khá mạnh
Trong tháng 2, cả nước có 5,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 96,3 nghìn tỷ đồng, giảm 41,5% về số doanh nghiệp và giảm 36,3% về số vốn đăng ký so với tháng trước do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay vào tháng 2. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 16,3 tỷ đồng, tăng 8,8%; tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 56 nghìn người, giảm 48,1%.
Tính chung 2 tháng đầu năm nay, cả nước có 15.979 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 247,4 nghìn tỷ đồng, giảm 14,6% về số doanh nghiệp và tăng 25,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 15,5 tỷ đồng, tăng 46,7%. Nếu tính cả 531,2 nghìn tỷ đồng vốn điều chỉnh của các doanh nghiệp thay đổi vốn đăng ký thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 2 tháng là 778,6 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 10.191 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 48,2% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động lên gần 26,2 nghìn doanh nghiệp. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới 2 tháng đầu năm 2019 là 164 nghìn người, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo lĩnh vực hoạt động, trong 2 tháng đầu năm nay hầu hết các lĩnh vực có số doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Có 6 nghìn doanh nghiệp thành lập mới trong ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (chiếm 37,5% tổng số doanh nghiệp thành lập mới), giảm 7,3%; 2,1 nghìn doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 13%), giảm 9,4%; 2 nghìn doanh nghiệp xây dựng (chiếm 12,5%), giảm 17,2%;…
Cán cân thương mại có xu hướng nhập siêu
Tính chung 2 tháng đầu năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 36,68 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 10,72 tỷ USD, tăng 9,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 25,96 tỷ USD (chiếm 70,8% tổng kim ngạch xuất khẩu), tăng 4,3%. Về thị trường hàng hóa xuất khẩu 2 tháng, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 8,1 tỷ USD, tăng 34,4% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 36,76 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 15,29 tỷ USD, tăng 11%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 21,47 tỷ USD, tăng 5,1%. Về thị trường hàng hóa nhập khẩu 2 tháng đầu năm nay, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 10,7 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2018.
Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 1 xuất siêu 816 triệu USD. Tháng 2 ước tính nhập siêu 900 triệu USD. Tính chung 2 tháng đầu năm nhập siêu 84 triệu USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 4,57 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 4,49 tỷ USD...
Năm 2019 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Dự báo kinh tế thế giới trong năm 2019 vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Hoạt động thương mại quốc tế phức tạp hơn với các yếu tố khó lường bởi chủ nghĩa bảo hộ ở nhiều nước, đặc biệt là căng thẳng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Ở trong nước, bên cạnh các điều kiện thuận lợi từ kết quả nổi bật trong năm 2018 về ổn định vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và đẩy mạnh hội nhập, hợp tác kinh tế quốc tế, kinh tế nước ta năm 2019 dự báo vẫn đối mặt với các thách thức đến từ nội tại của nền kinh tế, như: Trình độ công nghệ thấp, đất đai, tài nguyên đang dần bị suy giảm trong khi năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tuy có chuyển biến nhưng chưa thực sự đột phá. Bên cạnh đó, từ năm 2019 việc thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế đã ký, nhất là cam kết về mở cửa thị trường, cắt giảm thuế, bảo đảm sở hữu trí tuệ sẽ mang lại cơ hội cho Việt Nam trong thu hút các nguồn lực từ nước ngoài, nhưng đồng thời cũng là áp lực không nhỏ đối với khu vực kinh tế trong nước. Biến đổi khí hậu, thiên tai, bão, lũ luôn là thách thức tiềm ẩn, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trước mắt, để hoàn thành tốt mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 đã được Quốc hội thông qua, trong đó: GDP tăng 6,6%-6,8%, tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%-8%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%..., theo Tổng cục Thống kê, các cấp, các ngành và địa phương cần nhận thức đúng và đầy đủ những khó khăn, thách thức phía trước để kịp thời có các giải pháp khắc phục ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2019, trong đó tập trung vào những nội dung chủ yếu sau:
Chính phủ và các địa phương trong cả nước cần tập trung rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế, cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động của doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh cá thể, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp thành lập và phát triển, đồng thời rà soát các thủ tục liên quan tới giải thể, phá sản doanh nghiệp bảo đảm nhanh và hiệu quả. Chính phủ cần có chính sách và giải pháp phù hợp để khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể chuyển thành doanh nghiệp, tạo dựng điều kiện kinh doanh thuận lợi cho cơ sở cá thể hoạt động ổn định, lâu dài và tuân thủ pháp luật.
Tiến hành xây dựng, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật để thực hiện có hiệu quả Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, đồng thời tích cực vận động sớm phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU. Nâng cao kết quả hoạt động mở rộng thương mại quốc tế, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch cho sản phẩm nông sản.
Chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế để hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế. Nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ khởi nghiệp; kiểm soát tín dụng ở một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và công nghệ thông tin. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa cao, có ý nghĩa nâng cao năng lực sản xuất cho nền kinh tế.
Ban hành và thực thi các giải pháp mang tính đột phá, tạo áp lực để các tổ chức kinh tế tiếp cận, ứng dụng công nghệ, từng bước nâng cao năng lực đổi mới, sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tập trung nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Doanh nghiệp Việt Nam cần nhận thức đúng và thực thi phương châm: “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”. Chú trọng phát triển thị trường trong nước, chủ động kết nối, phát triển các kênh phân phối sản phẩm hàng hóa của Việt Nam.
Để nền kinh tế có thể hòa nhập, không bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ cần đổi mới phương thức thu hút đầu tư nước ngoài, tập trung thu hút các nhà đầu tư hàng đầu thế giới, đang nắm giữ công nghệ nguồn có năng lực quản trị hiện đại, năng lực cạnh tranh cao đầu tư vào Việt Nam, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa, ngăn ngừa việc chuyển dịch các dòng vốn gây ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu vào Việt Nam.
Nền kinh tế đứng vững, phát triển thành công trong xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0 phụ thuộc vào chất lượng nguồn nhân lực và đội ngũ lao động có trình độ, biết đổi mới sáng tạo, biết đưa ra ý tưởng mới. Vì vậy, Chính phủ cần đổi mới phương thức, chương trình đào tạo, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, trong đó tập trung đào tạo đội ngũ thực hành giỏi để đáp ứng nhu cầu lao động trong xu thế vận hành của cách mạng công nghiệp 4.0. Đây cũng là nhiệm vụ để thực hiện ba khâu then chốt của nền kinh tế: Đổi mới thể chế; xây dựng cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực…/.
Đặng Hiếu