Cần tập trung giúp phụ nữ vươn lên phát huy hết khả năng của mình 

(ĐCSVN)- Phát biểu tại Khóa họp lần thứ 68 Ủy ban địa vị phụ nữ của Hội đồng Kinh tế-Xã hội Liên hợp quốc, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho rằng cần tập trung giúp phụ nữ vươn lên phát huy hết khả năng của mình để tham gia vào các hoạt động của đời sống kinh tế, chính trị và xã hội...

Sáng 11/3 (theo giờ New York), tại Trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) đã diễn ra Lễ khai mạc Khóa họp lần thứ 68 Ủy ban Địa vị phụ nữ (CSW68) của Hội đồng kinh tế, xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) với chủ đề: “Đẩy nhanh thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em, thông qua xóa đói, giảm nghèo, tăng cường thể chế và cung cấp tài chính có tính tới khía cạnh giới”. Tham dự Khóa họp có Tổng thống Thụy Sĩ, Thủ tướng Latvia, các Phó Tổng thống Iran và Guatemala, Phó Thủ tướng Eswatini, hơn 100 Bộ trưởng, cùng hơn 15.000 đại biểu từ các nước thành viên Liên hợp quốc và các tổ chức phi chính phủ. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Khóa họp.

Tổng thư ký LHQ, Chủ tịch Uỷ ban Địa vị phụ nữ, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ và Giám đốc điều hành Cơ quan Bình đẳng giới của LHQ (UN Women) đã phát biểu khai mạc Khóa họp. Các lãnh đạo LHQ bày tỏ quan ngại về việc chậm tiến độ trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, nhất là về xoá đói, giảm nghèo, nhấn mạnh cứ 10 phụ nữ thì có 1 người đang phải sống trong cảnh đói nghèo cùng cực. Các diễn giả cho rằng phụ nữ và trẻ em gái ở nhiều nơi trên thế giới chưa được bảo đảm đầy đủ các quyền do nhiều tập tục lạc hậu, tư tưởng trọng nam, định kiến và khuôn mẫu giới, thậm chí còn bị xâm hại trong các cuộc xung đột, khủng hoảng, nhất là trong cuộc xung đột tại Dải Gaza hiện nay. Các lãnh đạo LHQ nhấn mạnh cần bảo đảm tài chính và tăng cường thể chế để thực hiện đầy đủ Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh năm 1995 và Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ, tăng cường đầu tư cho giáo dục, chấm dứt xung đột, củng cố hoà bình, tuân thủ luật nhân quyền và nhân đạo quốc tế.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết hệ thống LHQ hiện đã đạt bình đẳng giới ở các vị trí lãnh đạo. Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Dennis Francis kêu gọi hỗ trợ và phát huy vai trò của phụ nữ trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Chủ tịch Uỷ ban Địa vị phụ nữ Antonio Manuel Revilla Lagdameo cho rằng cần tập trung cải thiện, nâng cao hiệu quả của hệ thống bảo trợ xã hội, bảo đảm sự tiếp cận các dịch vụ công và xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững cho công bằng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái. Giám đốc Điều hành UN Women Sima Sami Bahous nhấn mạnh phụ nữ cần được tham gia trong mọi tiến trình về phát triển, tài chính, hoà bình và an ninh.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu tại phiên khai mạc Khóa họp lần thứ 68 Ủy ban Địa vị phụ nữ (CSW68) của Hội đồng kinh tế, xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC). Ảnh: Thanh Tuấn - PV TTXVN tại Hoa Kỳ 

Phát biểu tại Khóa họp, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân khẳng định phụ nữ ngày nay là một lực lượng không thể thiếu trong mọi tiến trình ở mọi cấp độ về hoà bình, an ninh, tiến bộ xã hội và phát triển bền vững. Phó Chủ tịch nước cho rằng cần tập trung giúp phụ nữ vươn lên phát huy hết khả năng của mình để tham gia vào các hoạt động của đời sống kinh tế, chính trị và xã hội và đẩy mạnh hơn nữa sự tham gia của phụ nữ trong các cơ chế ra quyết định về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, đặc biệt là về kinh tế, nhằm hỗ trợ mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm sinh kế thông qua khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Phó Chủ tịch nước cũng đề cao việc trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, gắn với phòng, chống phân biệt đối xử và bạo lực trên không gian mạng, tăng cường vai trò của phụ nữ trong xây dựng môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, phát triển bao trùm và bền vững, xử lý các thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là ứng phó biến đổi khí hậu. Trưởng đoàn Việt Nam đề nghị các nước và LHQ cần cùng nhau thúc đẩy quan hệ đối tác vì phát triển bền vững, hỗ trợ nguồn lực tài chính và tư vấn xây dựng thể chế, chính sách cho các nước đang phát triển và tăng cường sự hợp tác trực tiếp giữa các tổ chức, mạng lưới doanh nghiệp, chuyên gia và các điển hình nữ, tăng cường chia sẻ, lan toả, phát huy hiệu quả các thực tiễn tốt.

Phó Chủ tịch Võ Thị Ánh Xuân nêu bật một số thành tựu của Việt Nam trong công tác bình đẳng giới, trong đó có tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội chiếm 30,3%, tỉ lệ các tỉnh có lãnh đạo chủ chốt là nữ chiếm 82,4%, tỉ lệ phụ nữ trong độ tuổi tham gia thị trường lao động là 70%, gần 30% doanh nghiệp có lãnh đạo là nữ. Phó Chủ tịch nước thông báo đến bạn bè quốc tế tháng 01/2024 vừa qua Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, hoà bình và an ninh, góp  phần thiết thực vào nỗ lực quốc tế thúc đẩy vấn đề này ở khu vực và trên thế giới. Phó Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam luôn sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với các nước và các đối tác vì bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, không bỏ ai lại phía sau.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu tại phiên khai mạc Khóa họp lần thứ 68 Ủy ban Địa vị phụ nữ (CSW68) của Hội đồng kinh tế, xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC). Ảnh: Thanh Tuấn - PV TTXVN tại Hoa Kỳ 

Uỷ ban Địa vị phụ nữ, thành lập từ năm 1946, là một uỷ ban chức năng trực thuộc Hội đồng kinh tế-xã hội Liên hợp quốc với nhiệm vụ khuyến nghị cho Hội đồng các biện pháp nhằm thúc đẩy quyền của phụ nữ trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, chính trị và giáo dục, cũng như theo dõi và kiểm điểm tiến trình thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh năm 1995, kết quả Phiên họp đặc biệt lần thứ 23 của Đại hội đồng LHQ (ĐHĐ LHQ) năm 2000; đồng thời tư vấn chính sách, đóng góp vào tiến trình thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững cũng như các vấn đề mới nổi ảnh hưởng đến bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Kết quả và khuyến nghị của mỗi khóa họp được báo cáo lên ECOSOC.

Khóa họp CSW68 có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh chuẩn bị kỷ niệm 30 năm thông qua Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh về nâng cao quyền năng cho phụ nữ, thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là Mục tiêu 5 về đạt bình đẳng giới vào năm 2030. Việt Nam đặc biệt coi trọng bảo đảm bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ và đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực này. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua, là một trong những nước hoàn thành sớm Mục tiêu Thiên niên kỷ thứ 3 (MDG 3) về bình đẳng giới và đang nỗ lực thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), trong đó có các Mục tiêu số 5 và 10 về xóa bỏ bất bình đẳng, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển LHQ

Nhân dịp tham dự Khóa họp lần thứ 68 Ủy ban địa vị phụ nữ (CSW) của Hội đồng kinh tế, xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) tại New York (Mỹ), ngày 11/3, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã gặp Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Achim Steiner.

Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, tại cuộc gặp, Phó Chủ tịch nước đánh giá cao vai trò dẫn dắt của UNDP trong hệ thống phát triển LHQ, nhất là trong thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, cảm ơn UNDP đã luôn đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc tái thiết, xây dựng và phát triển đất nước trong gần 50 năm, qua nhiều giai đoạn phát triển với tổng viện trợ đạt gần 1 tỷ USD. Phó Chủ tịch nước chia sẻ các nỗ lực của Việt Nam triển khai Chiến lược Phát triển kinh tế, xã hội 2021-2030 và Kế hoạch Phát triển kinh tế, xã hội 2021-2025, trong đó tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 5,05%, kinh tế vĩ mô ổn định, ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hướng tới phát triển xanh, bền vững và bao trùm, cũng như những tiến bộ về Chỉ số phát triển con người và bình đẳng giới.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Achim Steiner tại New York. Ảnh: Thanh Tuấn - PV TTXVN tại Hoa Kỳ 

Phó Chủ tịch nước đánh giá cao sự hợp tác của UNDP trong triển khai Chương trình hợp tác Việt Nam-UNDP giai đoạn 2022-2026, cũng như trong dự thảo Kế hoạch huy động nguồn lực triển khai Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Từ đó, Phó Chủ tịch nước đề nghị UNDP tiếp tục tích cực hỗ trợ Việt Nam về tài chính, tư vấn chính sách và tăng cường năng lực thực hiện các chính sách ưu tiên nêu trên, cũng như hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội đồng bằng sông Cửu Long, vận động các đối tác phát triển bảo đảm hỗ trợ nguồn lực thích đáng cho các nhiệm vụ đó, hỗ trợ các nước trong lưu vực quản lý, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên nước sông Mê Công.

Tổng Giám đốc UNDP chúc mừng những thành tựu to lớn Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua, cho rằng đó là sự cổ vũ và đóng góp thiết thực cho việc thực hiện các ưu tiên của chính LHQ. Ông Steiner khẳng định Việt Nam và UNDP có chung các ưu tiên về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và triển khai quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng, đẩy nhanh tiến trình phi các-bon hoá và bảo đảm tiếp cận năng lượng sạch với giá phải chăng, cũng như đóng vai trò cầu nối giữa Việt Nam và các nhà tài trợ quốc tế, cũng như giữa các nước lưu vực sông Mê Công để hỗ trợ Việt Nam đạt các mục tiêu đề ra.

Hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ để Việt Nam có thể tham gia đóng góp tích cực hơn nữa vào các nỗ lực toàn cầu của UNDP về thúc đẩy phát triển bền vững./.

 
Theo TTXVN
98 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1390
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1390
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87161709