Cần tạo hành lang pháp lý mạnh hơn cho xử lý nợ xấu 

(ĐCSVN) - Để xử lý nợ xấu thật sự đạt hiệu quả, rất cần các bộ, ngành cùng vào cuộc đánh giá, có kiến nghị bổ sung đối với những luật có nội dung liên quan đến Nghị quyết 42 hoặc ban hành một luật riêng về xử lý nợ xấu, mang tính đặc thù, xuyên suốt thì mới có đủ hành lang pháp lý để xử lý nợ xấu.

 

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam. (Ảnh: M.P)

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) khi trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề kéo dài Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam (Nghị quyết 42).

Tác động tích cực đối với hệ thống ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu

Theo Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng, Nghị quyết 42 có tác động hết sức tích cực đối với hệ thống ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu. Nghị quyết được ban hành vào tháng 8/2017 và đến tháng 8 năm nay sẽ hết hiệu lực.

Về kết quả, trong tổng số nợ xấu đã xử lý trong giai đoạn 2017 – 2021 là 750.000 tỷ đồng, thì xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 khoảng 390.000 tỷ đồng, tức là chiếm hơn 50%. Trong tổng số 750.000 tỷ đồng nợ xấu đã xử lý trong giai đoạn này, có đến trên 600.000 tỷ đồng là các tổ chức tín dụng tự xử lý, còn lại khoảng hơn 100.000 tỷ đồng do VAMC và khoảng 20.000 tỷ đồng do các tổ chức mua bán nợ khác xử lý.

Trong quá trình xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, có thể thấy chính quyền các cấp từ các bộ, ban, ngành đến các chính quyền địa phương đã hưởng ứng một cách tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành ngân hàng thu hồi nợ, phát mại tài sản…

Nghị quyết 42 cũng tác động lớn đến ý thức trả nợ của khách hàng, trách nhiệm của người đi vay đối với khoản nợ ngân hàng được nâng lên một cách rõ rệt. Tòa án cũng tiếp nhận xử lý hồ sơ một cách nhanh chóng, kịp thời đối với những bản án tranh chấp về dân sự.

Đối với việc thu giữ tài sản bảo đảm cho các khoản vay, dù vẫn còn nhiều vướng mắc nhưng cũng đã đạt được những kết quả tích cực. Nhiều khoản vay đã được các tổ chức tín dụng và Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thu giữ và tiến hành phát mại thành công.

Kéo dài Nghị quyết 42 chỉ lợi cho ngân hàng?

Các ngân hàng thì không chỉ mong muốn kéo dài, sửa đổi Nghị quyết 42 mà còn đề nghị xây dựng Luật Xử lý nợ xấu. Tuy vậy, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Chính phủ chỉ đề xuất Quốc hội thông qua việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42 thêm 1 năm, tức là đến ngày 31/12/2023.

Ông Nguyễn Quốc Hùng cho hay, các ngân hàng mong muốn các bộ, ngành liên quan đánh giá lại các luật liên quan đến xây dựng, bất động sản, nhà ở… để những vấn đề chưa được đưa vào Nghị quyết 42 có thể được sửa đổi, bổ sung, thể hiện rõ hơn quyền và trách nhiệm của bên cho vay và bên đi vay.

Bởi theo ông Hùng, Nghị quyết 42 dù có tác động lớn đến xử lý nợ xấu nhưng còn nhiều vướng mắc. Cụ thể như, từ khi Nghị quyết 42 ban hành, tòa án được phép xử lý rút gọn nhưng lại không có bản án tiền lệ để thi hành do còn liên quan đến nhiều luật. Bên cạnh đó, việc thu giữ và chuyển nhượng tài sản rất khó khăn, đặc biệt là đối với những tài sản bảo đảm không phải là dự án.

Trong khi đó,  Nghị quyết 42 quy định thu giữ tài sản bảo đảm để trả nợ vay ngân hàng trước song vẫn phải trả thuế theo luật thuế. Có những trường hợp các tổ chức tín dụng phát mại nợ rồi, không thu đủ gốc nhưng vẫn phải nộp đủ thuế mới có thể sang tên tài sản.

Ngoài ra, một số chính quyền địa phương chưa vào cuộc quyết liệt trong việc bảo vệ người cho vay. Đặc biệt là ở các cấp phường, xã, có khi chưa phổ cập Nghị quyết 42 đến hết các cấp cơ sở.

Vì vậy, để xử lý nợ xấu thật sự đạt hiệu quả, theo ông Hùng, rất cần các bộ, ngành cùng vào cuộc đánh giá, có kiến nghị bổ sung đối với những luật có nội dung liên quan đến Nghị quyết 42 hoặc ban hành một luật riêng về xử lý nợ xấu, mang tính đặc thù, xuyên suốt thì mới có đủ hành lang pháp lý để xử lý nợ xấu.

Bày tỏ quan điểm về ý kiến cho rằng Nghị quyết 42 có lợi cho ngành ngân hàng, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, không ngân hàng nào muốn kinh doanh mà để nợ xấu cả.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng: “Chẳng có ngân hàng nào muốn kinh doanh kém cả, cũng như chẳng có ngân hàng nào muốn lợi dụng Nghị quyết 42 để che giấu nợ xấu. Nhưng hiện nay có tình trạng là chủ nợ phải đi “nịnh” con nợ để thu hồi tài sản bảo đảm. Điều này khó có thể chấp nhận được….”.

Trong quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu với những kết quả khả quan, tích cực đã đạt đươc, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thực hiện nhiều đợt thanh, kiểm tra để phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức tín dụng che giấu nợ xấu. Bản thân các tổ chức tín dụng cũng tái cơ cấu và tích cực xử lý nợ xấu, đồng thời trích lập dự phòng rủi ro tín dụng đầy đủ theo đúng quy định.

“Có những ý kiến cho rằng Nghị quyết 42 là “trao đặc quyền cho ngành Ngân hàng”. Tôi không nghĩ đó là đặc quyền khi mà ngân hàng đi đòi nợ rất khó khăn, phát mại tài sản không được, thu giữ tài sản không được, đôn đốc đòi nợ không được, trong khi có trường hợp tạo ra tranh chấp giả để không trả nợ, rồi cố tình không trả lãi, chỉ trả gốc, bỏ mặc tài sản đó cho ngân hàng tự xử lý… Chính vì thế, tôi muốn nói rằng, Nghị quyết 42 có tác dụng rất lớn, tích cực hỗ trợ ngành Ngân hàng”, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh./.

 
Minh Phương
98 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 820
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 821
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77137333