Hiện nay, việc sử dụng lao động là người giúp việc trong các gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, nhất là ở khu vực đô thị ngày càng trở nên phổ biến…Trên thực tế, đây là một hiện tượng tất yếu diễn ra theo quy luật cung - cầu lao động. Các hoạt động giúp việc gia đình đã đáp ứng phần nào nhu cầu kinh tế - xã hội của cả những gia đình sử dụng lao động giúp việc và những gia đình có lao động đi giúp việc.
Việc sử dụng lao động giúp việc đã giúp người phụ nữ và các thành viên giảm bớt gánh nặng của những công việc gia đình, có nhiều thời gian hơn cho nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí, cũng như cho công việc, học tập trước những áp lực ngày càng cao của xã hội đang trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Mặt khác, việc sử dụng lao động giúp việc gia đình đã góp phần giải quyết tình trạng thiếu việc làm ở một bộ phận dân cư, trong đó đa phần là phụ nữ nông thôn. Tuy nhiên, đây lại là một loại hình lao động tương đối nhạy cảm, xét cả về tính chất công việc và mối quan hệ giữa người lao động với người sử dụng lao động, nên công tác quản lý của Nhà nước đối với loại hình lao động này cần phải không ngừng được hoàn thiện nhằm bảo vệ lợi ích cho cả hai bên và tránh những vấn đề xã hội phức tạp nảy sinh.
Chăm sóc người già là một trong những công việc quen thuộc của người giúp việc.
Ảnh minh họa. Nguồn:congly.vn
Hiện nay, Nhà nước ta đã chính thức công nhận loại hình lao động giúp việc gia đình thông qua nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, trong đó đặc biệt quan trọng là các quy định tại Bộ luật Lao động. Vấn đề lao động là người giúp việc trong gia đình được quy định từ Điều 179 đến Điều 183 Bộ luật Lao động năm 2012 và được cụ thể hóa trong Nghị định 27/2014/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật lao động về lao động là người giúp việc gia đình. Đây chính là những cơ sở pháp lý quan trọng nhằm thiết lập mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động, từ đó tiến tới từng bước tạo dựng sự bình đẳng trong mối quan hệ vốn khá nhạy cảm này. Tuy nhiên, do tác động của nhiều yếu tố, đặc biệt là thói quen thỏa thuận miệng, thiên về giải quyết các quan hệ bằng tình cảm, ngại va chạm với các cơ quan công quyền… của phần lớn người lao động khiến cho các văn bản này gặp nhiều khó khăn khi đi vào thực tiễn.
Thời gian qua, mặc dù các văn bản này đã có hiệu lực nhưng các vấn đề phức tạp nảy sinh từ việc sử dụng lao động là người giúp việc gia đình như: tình trạng lạm dụng sức lao động, xâm phạm, bạo hành thân thể và tinh thần, quấy rối tình dục đối với người lao động; tình trạng người lao động tự ý bỏ hợp đồng không báo trước, trộm cắp, thậm chí là bắt cóc, giết chủ nhà để cướp đoạt tài sản… vẫn còn tồn tại. Chính vì vậy, công tác quản lý đối với việc sử dụng lao động là người giúp việc gia đình cần phải có những biện pháp tích cực, hiệu quả hơn nữa. Theo chúng tôi, cần tập trung vào một số biện pháp chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động giúp việc gia đình về quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi bên. Những vấn đề nảy sinh từ quan hệ lao động giúp việc gia đình phần lớn xuất phát từ sự thiếu hiểu biết pháp luật của cả người lao động và người sử dụng lao động, nên việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của cả hai bên chính là giải pháp giữ vị trí then chốt nhất. Đây là trách nhiệm của nhiều cấp, ngành, nhưng trực tiếp và quan trọng nhất là cán bộ ở chính quyền cơ sở và các phương tiện thông tin đại chúng.
Nội dung tuyên truyền tập trung vào các quy định trong bộ luật Lao động năm 2012 và Nghị định 27/2014/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật lao động về lao động là người giúp việc gia đình. Lao động giúp việc gia đình là một công việc hợp pháp, được pháp luật khuyến khích và bảo vệ. Muốn được pháp luật bảo vệ, vấn đề then chốt nhất chính là việc ký kết hợp đồng lao động phải có giá trị ràng buộc pháp lý. Trên thực tế, phần lớn người lao động giúp việc gia đình là phụ nữ nông thôn, một bộ phận người giúp việc lại chính là những người có quan hệ đồng hương, quan hệ họ hàng với gia đình sử dụng lao động, hiểu biết pháp luật còn hạn chế, cộng thêm tâm lý, thói quen giải quyết các quan hệ bằng tình cảm nên họ không biết hoặc không muốn ký hợp đồng lao động. Họ quan niệm, làm nghề này không chỉ đơn thuần là làm công ăn lương mà còn đối xử với nhau bằng tình người. Ăn, ngủ và sinh hoạt chung dưới một mái nhà, nếu cứ phải ràng buộc nhau bằng văn bản, quy định thì rất khó sống. Chính thói quen tâm lý đó đã tạo kẽ hở cho những vấn đề phức tạp trong quan hệ lao động này nảy sinh.
Cần phải giúp cho cả người sử dụng lao động và người lao động giúp việc gia đình hiểu rằng, khi pháp luật đã công nhận đây là một loại hình lao động, thì các quan hệ liên quan đến loại hình lao động này cũng phải tuân theo quy định của luật pháp. Việc ký kết hợp đồng lao động giữa hai bên là trách nhiệm pháp lý chứ không đơn thuần là muốn hay không muốn về mặt tình cảm. Khi đã ký hợp đồng, cả hai bên đều phải có trách nhiệm tuân thủ dưới sự giám sát của chính quyền và các cơ quan chức năng, nếu vi phạm sẽ bị xử lý, xử phạt. Đây cũng là sơ sở để pháp luật có thể bảo vệ cho cả người sử dụng lao động và người lao động giúp việc gia đình.
Thứ hai, tiếp tục nâng cao vai trò của chính quyền cấp cơ sở trong công tác quản lý quan hệ lao động giúp việc gia đình. Công tác quản lý đối với vấn đề lao động giúp việc gia đình của chính quyền cấp cơ sở bao gồm: quản lý về đăng ký nhân khẩu tạm trú; quản lý việc ký kết và thực hiện hợp đồng lao động; quản lý việc chấp hành pháp luật và các quy định của người lao động giúp việc trên địa bàn. Trên thực tế, do không muốn ký kết hợp đồng lao động, nhiều gia đình sử dụng lao động giúp việc không trình báo với chính quyền, dẫn đến công tác quản lý còn nhiều thiếu sót, khi nảy sinh vụ việc dễ bị động, lúng túng.
Thời gian tới, để đẩy mạnh việc thực hiện các quy định của Nhà nước đối với lao động giúp việc gia đình, đội ngũ cán bộ ở cơ sở cần phải tăng cường công tác kiểm tra, bám nắm địa bàn, rà soát và yêu cầu các gia đình sử dụng lao động giúp việc trình báo, hoàn tất các thủ tục đăng ký tạm trú cho người lao động, trong đó đặc biệt chú ý lai lịch nhân thân, tiền sử dịch bệnh…; yêu cầu các bên ký kết hợp đồng lao động có sự xác nhận của chính quyền địa phương cùng các cam kết khác có liên quan. Việc tăng cường quản lý của chính quyền cơ sở chắc chắn sẽ hạn chế những vấn đề nảy sinh từ việc sử dụng lao động giúp việc gia đình như thời gian qua.
Thứ ba, tăng cường công tác đào tạo nghề và kỹ năng ứng xử văn hóa cho người lao động giúp việc gia đình. Hiện nay, giúp việc gia đình là một công việc mang lại thu nhập ổn định lâu dài, do đó có thể coi là một nghề sinh sống của người lao động. Mặt khác, đây cũng là giải pháp cho những vấn đề về nhân lực ở nước ta. Chính vì vậy, việc đào tạo nghề cho người lao động giúp việc gia đình là nhu cầu thực tiễn. Trên thực tế, vấn đề này ở nước ta còn đang rất thiếu hụt, người lao động xuất khẩu ra nước ngoài thì được đào tạo, tư vấn, nhưng người lao động giúp việc trong nước thì chưa có nhiều cơ sở đào tạo.
Theo quy định tại Điều 179, Mục 5, Chương XI, Bộ luật Lao động năm 2012: “Công việc trong gia đình bao gồm công việc nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ, chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già, lái xe, làm vườn và các công việc khác cho hộ gia đình nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại”. Những công việc này tuy đều là những công việc quen thuộc, nhưng phần lớn người lao động giúp việc đến từ nông thôn, chưa có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết về nề nếp, thói quen sinh hoạt của các gia đình đô thị, công thêm việc chưa biết sử dụng nhiều thiết bị gia đình hiện đại nên vẫn rất cần được đào tạo.
Bên cạnh đó, việc bồi dưỡng những hiểu biết về ứng xử văn hóa trong gia đình đô thị để người lao động nhanh chóng thích ứng và hài hòa trong điều kiện cùng ăn, ở, sinh hoạt dưới một mái nhà sẽ giúp cho họ tránh được những mâu thuẫn không đáng có, tạo điều kiện xây dựng quan hệ lao động, quan hệ tình cảm tốt đẹp. Nhà nước cần khuyến khích các địa phương, các cơ sở đào tạo nghề mở những trung tâm đào tạo, hướng dẫn, tư vấn cho đối tượng lao động giúp việc gia đình, có chứng chỉ hành nghề cho người lao động để họ thực sự coi đây là một nghề sinh sống, tránh tâm lý mặc cảm, tự ti, đồng thời cũng góp phần thay đổi cách nhìn của xã hội về lao động giúp việc gia đình.
Thứ tư, hình thành các hình thức tổ chức đại diện quyền lợi cho người lao động giúp việc gia đình. Khi lao động giúp việc gia đình chính thức được công nhận là một loại hình lao động, thì Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam chính là tổ chức đại diện cho quyền lợi của họ. Nhưng trên thực tiễn, do đây là loại hình lao động mới được công nhận, lại tương đối đặc thù do người lao động thường sống tản mát tại mỗi gia đình nên vấn đề đại diện quyền lợi còn bỏ ngỏ.
Theo chúng tôi, trước mắt, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cần quan tâm hình thành các tổ chức hoặc hình thức sinh hoạt chung ở cơ sở, nhất là những nơi có nhiều gia đình sử dụng lao động giúp việc gia đình để người lao động có thể phản ánh tâm tư, tình cảm, nguyện vọng; chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm công việc; đồng thời là tổ chức đại diện giám sát việc đảm bảo tôn trọng quyền lợi, nhân phẩm của người lao động. Thực tiễn cho thấy, người lao động giúp việc gia đình rất thiếu những hình thức sinh hoạt để chia sẻ, đồng cảm, giúp đỡ lẫn nhau, nếu không hòa hợp được với gia đình nhà chủ thì dù sống chung dưới một mái nhà cũng rất cô đơn bên cạnh một gia đình.
Có thể nói, trong thời kỳ đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nhu cầu sử dụng lao động giúp việc gia đình sẽ có xu hướng không ngừng tăng lên. Nhà nước cần phải tăng cường các biện pháp quản lý và bảo đảm lợi ích cho đối tượng lao động đặc thù này nhằm hạn chế tối đa những vấn đề xã hội phức tạp nảy sinh, đồng thời tạo lập vị thế bình đẳng cho mọi người lao động trên đất nước ta./.
Lã Trọng Đại