Cần sự phối hợp hiệu quả để số hóa chi trả an sinh xã hội cho người dân 

(Chinhphu.vn) – Để hoàn thiện quy trình chi trả an sinh xã hội trên ứng dụng VNeID, Bộ Công an, cùng với Ngân hàng Nhà nước, Bộ LĐTB&XH, Kho bạc Nhà nước và các đơn vị, địa phương đã hoàn thiện quy trình, trong đó yêu cầu đặt ra là cần có sự phối hợp chặt giữa các đơn vị liên quan và đẩy mạnh tuyên truyền trong triển khai thực hiện.
Cần sự phối hợp hiệu quả để số hóa chi trả an sinh xã hội cho người dân- Ảnh 1.

Toạ đàm "Số hóa hoạt động chi trả an sinh xã hội cho người dân" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đây là ý kiến của Thiếu tá Đào Đình Nam, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân-Trung Tâm dữ liệu quốc gia về dân cư (C06) tại cuộc Toạ đàm "Số hóa hoạt động chi trả an sinh xã hội cho người dân" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vừa qua.

Tích cực triển khai các bước đi số hóa

Trao đổi tại tọa đàm, bà Vũ Thị Thanh Hà, Chánh Văn phòng Trung tâm Công nghệ Thông tin - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho biết: Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1813- QĐ/TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, Chỉ thị 21/CT-TTg về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội (ASXH) không dùng tiền mặt, Bộ LĐTB&XH đã ban hành các văn bản hướng dẫn, phối hợp với C06 để triển khai tại các địa phương.

Bộ LĐTB&XH phấn đấu hết năm 2024, tỷ lệ đối tượng hưởng chính sách ASXH có tài khoản đạt tối thiểu 30% trên tổng số đối tượng thuộc địa phương quản lý . Trường hợp đối tượng hưởng chính sách ASXH không đủ điều kiện mở tài khoản theo quy định và không có người ủy quyền nhận thay thì thực hiện chi trả trực tiếp qua tổ chức dịch vụ chi trả hoặc phương thức khác theo quy định. Hiện nay, hoạt động chi trả ASXH được thực hiện thông qua công chức văn hoá xã hội cấp xã từ ngày 1-10 hàng tháng tại trụ sở xã; thông qua các tổ chức dịch vụ chi trả...

Cần sự phối hợp hiệu quả để số hóa chi trả an sinh xã hội cho người dân- Ảnh 2.

Thiếu tá Đào Đình Nam, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân-Trung Tâm dữ liệu quốc gia về dân cư (C06)- Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thiếu tá Đào Đình Nam, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân-Trung Tâm dữ liệu quốc gia về dân cư (C06) cho biết: Với vai trò là đơn vị triển khai thường trực Đề án 06, sau hơn 2 năm triển khai, các bộ, ngành đã triển khai rất tích cực và đạt được những kết quả rất khả quan, qua việc triển khai số hóa hoạt động chi trả an sinh xã hội, Bộ Công an đã cùng với Bộ LĐTB&XH tạo lập, đối soát, làm sạch toàn bộ dữ liệu về an sinh xã hội với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây chính là điều kiện quan trọng nhất để thực hiện việc chi trả đúng người, đúng đối tượng và không bị gian lận trong quá trình chi trả.

Đồng thời, C06 đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ LĐTB&XH, Bộ Tài chính, cùng với UBND các địa phương hoàn thiện tính năng an sinh xã hội nhằm xây dựng nền tảng thanh toán chi trả an sinh xã hội trên ứng dụng VNeID. Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng hướng tới mục tiêu cùng với các bộ, ngành sẽ xây dựng cho tất cả công dân đều có tài khoản an sinh xã hội được xác thực với danh tính từ dữ liệu quốc gia về dân cư.

"Toàn bộ quy trình chi trả này luôn được đảm bảo thuận tiện, công khai, minh bạch, đúng người, đối tượng và ứng dụng được công nghệ và chuyển đổi số", Thiếu tá Đào Đình Nam nói.

Đại diện ngành ngân hàng, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, các ngân hàng đã đầu tư hệ thống và nghiên cứu, phát triển các giải pháp dịch vụ để cung cấp các dịch vụ thanh toán an toàn, tiện lợi.

Cần sự phối hợp hiệu quả để số hóa chi trả an sinh xã hội cho người dân- Ảnh 3.

Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

NHNN đã chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thường xuyên nâng cấp hệ thống, tiện ích để cung ứng các nền tảng thanh toán liên thông, cho phép xử lý tức thời và vận hành 24/7 để đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Đặc biệt là các ngân hàng thương mại, các tổ chức thanh toán đã phát triển hệ sinh thái số, cụ thể ở đây là các tài khoản thanh toán, ví điện tử...

"Chúng tôi cũng quan tâm đến yếu tố bảo vệ quyền lợi khách hàng, được lồng ghép trong các quy định, trong các Thông tư, tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức rủi ro trong quá trình sử dụng, giúp người dân và những đối tượng sử dụng dịch vụ an toàn, tiện lợi của ngành ngân hàng", ông Lê Anh Dũng nói.

Khắc phục khó khăn, triển khai hạ tầng

Đại diện cơ quan triển khai hạ tầng thanh toán, ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thanh toán quốc gia (NAPAS) cho hay: Trong triển khai hạng mục về chi trả an sinh xã hội, NAPAS là đơn vị đứng ra cung cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật để cho phép người dân thông qua ứng dụng VNeID đăng ký số tài khoản ngân hàng và số tài khoản mobile money để nhận chi trả an sinh xã hội.

Vừa qua, NAPAS đã phối hợp với một số ngân hàng thành viên, cụ thể là BIDV, Vietcombank, VietinBank, Nam Á cũng như VNPT để thực hiện thí điểm triển khai đăng ký tài khoản ngân hàng/tài khoản mobile money trên hệ thống VNeID và đã thực hiện thí điểm thành công.

Trong thời gian tới, sau khi C06 thực hiện câp nhật chính thức tính năng an sinh xã hội trên ứng dụng VNeID để toàn bộ người dân có thể lên đó đăng ký tài khoản ngân hàng và số tài khoản mobile money thì NAPAS sẽ cùng phối hợp thực hiện triển khai chính thức, rộng rãi.

Trọng tâm "hiệp đồng" để dịch vụ sớm đi vào cuộc sống

Về triển khai dịch vụ trong thời gian tới, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN bày tỏ tin tưởng dịch vụ này tuy mới sẽ mang đến lợi ích thiết thực cho người dân, cho người hưởng trợ cấp an sinh xã hội. An sinh xã hội được số hóa mang lại nhiều lợi ích, trước tiên là sẽ an toàn hơn, nhanh chóng hơn, tránh xảy ra việc chi trả tiền trợ cấp nhầm, bảo đảm sẽ đến được tận tay người hưởng.

Cần sự phối hợp hiệu quả để số hóa chi trả an sinh xã hội cho người dân- Ảnh 4.

Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng Giám đốc NAPAS- Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Các cơ quan chức năng có quy trình số hóa cho phép khâu kiểm tra, kiểm soát, giám sát được thực hiện thông suốt, minh bạch và an toàn.

Mặt khác, các tổ chức cung cấp dịch vụ như NAPAS, ngân hàng cũng được hưởng lợi từ các lớp khách hàng được gia tăng.

"Các cơ quan chức năng đương nhiên sẽ phục vụ người dân tốt hơn, đặc biệt thông qua VNeID có tính năng cho phép xác thực người hưởng với các thông tin đã được làm sạch, liên tục được cập nhật, bảo đảm Nhà nước không bị thất thu, tiền đến được đúng đối tượng", đại diện NHNN nói.

Còn ông Nguyễn Thế Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm soát Chi, KBNN cho hay: Để đẩy nhanh được công tác số hóa chi trả an sinh xã hội nói chung cũng như thanh toán qua tài khoản đối với các đối tượng an sinh xã hội nói riêng thì điều kiện tiên quyết là người thụ hưởng phải có tài khoản thanh toán. Tất cả các cơ quan liên quan phải có sự phối hợp chặt chẽ, làm sao thông tin tuyên truyền đến tất cả người dân nói chung cũng như đối tượng an sinh xã hội nói riêng về những lợi ích mà việc số hóa công tác chi trả an sinh xã hội mang lại.

Sắp tới, Kho bạc Nhà nước thực hiện quy trình chi trả an sinh xã hội tương tự như theo quy trình chi trả lương.

Về phía Bộ Công an, Thiếu tá Đào Đình Nam cho rằng: Cần có sự phối hợp chặt giữa các đơn vị và đẩy mạnh tuyên truyền. NAPAS cũng khẳng định sẵn sàng về mặt hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo an ninh, an toàn, hiệu năng, hiệu suất trong việc kết nối giữa các ngân hàng sang hệ thống C06 – Bộ Công an; đồng thời chuẩn bị các quy trình, nghiệp vụ để phối hợp cùng các bên xử lý sự cố phát sinh, đảm bảo mọi dịch vụ của NAPAS và hoạt động chi trả an sinh xã hội cho người dân được thông suốt.

Về góc độ pháp lý, hiện nay việc chi trả an sinh xã hội qua tài khoản thanh toán vẫn đang thí điểm, dự kiến sau ngày 1/7/2024 sẽ hoàn thiện và chính thức triển khai. Quá trình chi trả liên quan đến rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp phải đảm bảo về an ninh, an toàn hệ thống cũng như bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Khẳng định đã sẵn sàng triển khai, ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thanh toán quốc gia (NAPAS) cho hay: Đơn vị này đã chuẩn bị toàn bộ hệ thống quy trình, nghiệp vụ cũng như con người để thực hiện việc vận hành và trung tâm giám sát vận hành dịch vụ 24/7, kịp thời phát hiện lỗi, sự cố xảy ra và phối hợp cùng các bên xử lý nhanh nhất...

NAPAS cũng đã có kinh nghiệm trong việc triển khai cùng Cổng dịch vụ công Quốc gia cho việc thanh toán, chi trả phí, lệ phí của những dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.

"Trong thời gian tới chúng tôi cũng sẽ phối hợp để triển khai, khách hàng và người dân có thể chi trả, thanh toán ngay các khoản phí, lệ phí cho các dịch vụ công và thực hiện qua phần mềm VNeID như: Xác minh hồ sơ pháp lý của người dân, việc đăng ký, làm mới, thay đổi căn cước công dân, cũng như một số dịch vụ khác... sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức đi lại của người dân", đại diện NAPAS chia sẻ.

Anh Minh

64 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1169
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1169
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87181596