Lắp đặt trang thiết bị cho Bệnh viện Hồi sức COVID-19. (Ảnh: Việt Dũng)

Trong hội nghị trực tuyến sơ kết 7 ngày thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ được tổ chức chiều 15/7, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã thẳng thắn chỉ rõ, công tác cách ly điều trị những ngày gần đây là sức ép chưa từng có với hệ thống y tế, hệ thống chính trị của Thành phố. Đồng thời, việc triển khai thực hiện giãn cách toàn Thành phố theo Chỉ thị 16 đã khiến cho đời sống và sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng, nhiều phát sinh thực tiễn khiến lực lượng thực thi lúng túng, có nơi ứng xử với tình huống chưa kịp thời.

Tuy nhiên, Thành phố và các quận huyện đã nỗ lực rất nhiều, vừa làm vừa khắc phục, trên tinh thần quyết tâm cao nhất để nhanh chóng khống chế dịch bệnh, đảm bảo an toàn cũng như chăm lo tốt nhất đời sống cho người dân. 7 ngày qua, chặng đường khó khăn ban đầu với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, có sự chung sức đồng lòng của người dân Thành phố và sự ủng hộ, động viên của Nhân dân cả nước, Thành phố đã ghi nhận được những kết quả tích cực nhất định.

Thế nhưng, trong sự nỗ lực chung ấy, mặc dù công tác tuyên truyền được triển khai mạnh mẽ, song vẫn có không ít người dân còn thờ ơ, chưa hợp tác, chưa chấp hành nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch bệnh của Thành phố. Sau 7 ngày áp dụng giãn cách toàn Thành phố theo Chỉ thị 16, các lực lượng chức năng của Thành phố đã xử phạt khoảng 4.000 trường hợp vi phạm với số tiền lên tới hơn 8 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tại các khu vực phong tỏa, vẫn còn tình trạng người dân trong khu phong tỏa đi lại, giao lưu, không đảm bảo giãn cách theo quy định. Điều này rất nguy hiểm bởi nó sẽ dẫn tới nguy cơ lây nhiễm chéo. Trước tình trạng này, ngày 15/7 UBND Thành phố đã phải ra văn bản khẩn gửi cho các quận, huyện, TP Thủ Đức để tăng cường công tác kiểm soát chặt chẽ tại các khu phong tỏa.

Người dân cần bình tĩnh và tiếp cận các nguồn thông tin chính thống, không nên hoang mang theo các tin đồn không chính xác (Ảnh: Vietnamnet.vn) 

Hay như việc người dân mấy ngày nay đổ dồn ra các siêu thị để mua hàng tích trữ bởi những tin đồn không chính xác, bịa đặt từ những nguồn tin không chính thống được lan truyền trên mạng xã hội gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tới công tác phòng chống dịch, bất chấp lãnh đạo Thành phố đã lên tiếng bác bỏ tin đồn này, và đại diện Sở Công thương Thành phố cũng nhanh chóng khẳng định hàng hóa không thiếu.

Trước tình hình thực tế hiện nay, các chuyên gia y tế nhận định, trong vài ngày tới, tại TP Hồ Chí Minh có thể sẽ tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới ở mức cao, trước khi ổn định và từng bước kiểm soát tình hình khi hết thời gian thực hiện Chỉ thị 16.

PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Bộ phận Thường trực đặc biệt về phòng chống dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh, cho rằng, nguyên tắc chống dịch đang được triển khai là phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, trong đó phát hiện sớm ca bệnh là rất quan trọng để phục vụ công tác truy vết. Những ngày qua, số ca mắc của TP Hồ Chí Minh tăng cao chứng tỏ hiệu quả của các biện pháp truy vết, test kháng nguyên nhanh. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang đi đúng hướng. Bộ Y tế đang chỉ đạo Sở Y tế Thành phố tổ chức xét nghiệm những điểm nóng về số ca bệnh ở các vùng nguy cơ rất cao, nguy cơ cao từ 3 đến 5 ngày một lần nhằm phát hiện ca bệnh sớm nhất có thể.

Có thể số lượng ca nhiễm tăng hàng ngày đã tác động về mặt tâm lý, tạo mối lo ngại cho người dân, nhưng nếu chúng ta không tỉnh táo, nếu chúng ta hoang mang thì vô tình lại càng làm cho tình hình thêm phức tạp, bởi chính điều đó làm gia tăng sự lây nhiễm bệnh, khó khăn thêm cho công tác phòng, chống dịch của Thành phố.

Trong khi chính quyền Thành phố, các lực lượng tuyến đầu đang căng sức, đang gồng mình, thậm chí nhiều người kiệt sức thì việc người dân chỉ cần chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống dịch đã là đang góp sức vào cuộc “chiến đấu” này rồi. Điều đó không quá khó khăn, chỉ là những hành động giản đơn như thực hiện quy định 5K, là ở trong nhà không ra ngoài khi không có việc thật sự cần thiết, không chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng…Trong cuộc chiến đấu với đại dịch này, trách nhiệm có lẽ không của riêng ai mà là trách nhiệm chung của cả cộng đồng. Mỗi người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm công dân của mình.

Hơn lúc nào hết, Thành phố đang rất cần sự hợp tác của người dân, rất cần sự thấu hiểu, sẻ chia của bà con bởi chỉ có sự đoàn kết, chung tay lúc này mới tạo thành khối sức mạnh vững chắc để chiến thắng đợt dịch này.

Về việc đảm bảo hàng hóa thiết yếu, Thành phố đã khảo sát, đánh giá, bảo đảm điều kiện cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân và công bố 2.833 điểm bán và 28.700 cửa hàng bách hóa được phân bố rộng khắp trên địa bàn. Trong đó, Thành phố đã yêu cầu các hệ thống phân phối nâng cao năng lực dự trữ và bán hàng với 5.000 tấn thực phẩm tươi sống, 6.000 tấn rau củ quả hàng ngày, đảm bảo đáp ứng nhu cầu lương thực thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân.

Về năng lực điều trị, trong vòng 3 ngày, Thành phố đã tập trung sửa chữa, đưa vào sử dụng 5 khối nhà chung cư đang trống thuộc Khu tái định cư ở phường An Khánh, TP Thủ Đức (quy mô 24.000 giường) và Trung tâm Hồi sức COVID-19 với cấu trúc hạ tầng hiện đại, có khả năng hỗ trợ hô hấp cùng lúc lên đến 1.000 bệnh nhân. Đến nay, Thành phố có thể khẳng định đã sẵn sàng cho việc ứng phó khi có 20.000 ca nhiễm COVID-19. Tổng năng lực hiện nay của Thành phố là 39.240 giường, trong đó có 23 bệnh viện điều trị COVID-19.

 
V.Lê