Vụ tai nạn tàu SE5 va xe đầu kéo mắc kẹt trên lối đi tự mở tại Thường Tín (Hà Nội). Ảnh: Báo Giao thông
Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, qua thống kê, 5 tháng đầu năm 2023 xảy ra 68 vụ tai nạn đường sắt, trong đó 31 vụ xảy ra tại lối đi tự mở (chiếm tỉ lệ 46%), 27 vụ xảy ra dọc đường sắt (40%), 10 vụ tại đường ngang cảnh báo tự động (15%).
Ám ảnh lối đi tự mở, đường ngang đường sắt
Kể về những vụ việc liên quan đến đường ngang lối mở, lái tàu Lê Công Thức (Đội lái máy 10, Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội) phải thốt lên rằng: "Lái tàu trong điều kiện đường ngang, lối đi tự mở nhan nhản, không biết trước sẽ xảy ra chuyện gì. Tàu chạy qua khu dân cư đông đúc, nhiều lối đi tự mở, cảm giác như tàu đang chạy… trên vỉa hè".
Kể lại một trường hợp xảy ra tại khu vực Giáp Bát, anh Thức cho biết, khi tàu đang chạy, bất ngờ xuất hiện một người vừa xem điện thoại vừa đi từ trong ngõ ra qua lối đi tự mở. Lập tức, anh xử lý hãm phanh nhưng không kịp, dù tốc độ tàu chỉ 30 km/h. Do khoảng cách rất gần, tàu va khiến người này rơi xuống sông. Tổ tàu phải xuống tìm, đưa đi viện cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Tính đến hết tháng 2/2023, trên toàn mạng lưới đường sắt vẫn tồn tại hơn 3.500 vị trí, chiếm tỉ lệ 69,9% tổng số giao cắt đường sắt - đường bộ và hơn 17.000 vị trí vi phạm đất đường sắt.
Thời điểm tháng 10/2022, một tình huống khiến người dân hoảng hốt xảy ra trên đường Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp, TPHCM) khi một đầu máy tàu hỏa trên đường lao về ga Sài Gòn thì phát hiện gác chắn (giao nhau đường sắt và đường bộ) chưa được đóng.
Khi đó, lái tàu đã nhanh chóng phản xạ cho tàu chạy chậm lại từ xa rồi dừng lại tại vị trí gác chắn. Cùng lúc này, các phương tiện chạy trên đường Phạm Văn Đồng (đoạn giao nhau với đường ray xe lửa) kịp thời dừng lại nên không xảy ra tai nạn.
Anh Trịnh Quốc Phương, lái tàu trong vụ việc, thuộc Phân xưởng vận dụng đầu máy Sài Gòn, chi nhánh Xí nghiệp đầu máy Sài Gòn kể lại: "Khi còn cách điểm giao giữa đường Phạm Văn Đồng và đường ray xe lửa (nơi xảy ra sự cố) khoảng hơn 100 m, phụ lái và tôi phát hiện gác chắn ngang chưa đóng kịp. Ngay lập tức tôi vừa kéo còi báo hiệu liên tục và đạp thắng hết sức để hãm tốc độ của tàu lại. Thời điểm đó có mưa nên hãm tốc độ tàu cũng có phần khó khăn. Đầu tàu chạy thêm 50 m nữa mới dừng lại hẳn".
Anh Phương cho rằng đó là một sự cố trong nghề, nhưng cũng là may mắn vì đầu tàu băng ngang qua đoạn giao cắt đường bộ trong khi đường ngang chưa đóng kịp, nhất là đi vào nơi dân cư đông đúc của TPHCM.
"Tổ lái của chúng tôi làm việc theo đúng quy trình. Làm nghề lái tàu tinh thần phải vững, lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng để xử lý những sự cố có thể xảy ra. Nhiều anh em lái tàu ám ảnh bởi những vụ tại nạn chết người, đặc biệt là các tai nạn qua đường ngang", anh Phương chia sẻ.
Hiện trường vụ tai nạn tàu khách SE8 va phải ô tô vượt ẩu qua lối đi tự mở tại Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa) ngày 23/3/2022. Ảnh: Báo GT
Theo ông Phan Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn đường sắt vẫn do ý thức người tham gia giao thông, mặc dù thời gian qua, công tác tuyên truyền đã được đẩy mạnh nhiều. Vì thế, giải pháp hữu hiệu là đầu tư các công trình hạ tầng nhằm ngăn ngừa người, phương tiện vượt ẩu, đi lại trên đường sắt.
Hiện, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 358 phê duyệt Đề án bảo đảm trật tự hành lang ATGT và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt, đề ra lộ trình cụ thể với nhiều giải pháp về hạ tầng như làm hàng rào, đường gom, cầu vượt, hầm chui, mở đường ngang...
Đồng thời, nêu rõ nguồn vốn Trung ương, địa phương, mục tiêu đến năm 2025 xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở.
“Đây là các giải pháp căn cơ để giảm thiểu các nguy cơ uy hiếp đến ATGT đường sắt, tuy nhiên hiện đang triển khai rất chậm”, ông Phan Quốc Anh cho biết.
Vụ tai nạn đường sắt chiều 27/1, đoạn qua lối đi tự mở Km 240+625 đường sắt Bắc - Nam (thuộc khối Tân Hùng, phường Quỳnh Thiện, TX Hoàng Mai). Ảnh: BNA
Đề xuất 750 tỷ đồng xóa bỏ lối đi tự mở
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, tại Đề án bảo đảm trật tự hành lang ATGT và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt đã được Thủ tướng phê duyệt, giai đoạn 2021-2025 sẽ xây dựng mới 297 đường ngang hiện đang là các lối đi tự mở. Việc xây dựng đường ngang mới (nâng cấp, cải tạo lắp đặt thiết bị thành đường ngang cảnh báo tự động hoặc đường ngang có người gác) sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương kế hoạch trung hạn 2021-2025.
Tuy nhiên, giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn trung hạn mới chỉ tập trung thực hiện nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng đường sắt, nhà ga, bãi hàng... nhằm tăng năng lực chạy tàu và đáp ứng yêu cầu về vận tải đường sắt. Các hạng mục công trình theo lộ trình tại Đề án chưa được ưu tiên thực hiện.
Để sớm bảo đảm an toàn giao thông tại 297 lối đi tự mở này, Tổng công ty Đường sắt đề nghị Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước cho hoạt động kinh tế đường sắt thực hiện từ năm 2024, hoàn thành năm 2025 để tổng công ty hoàn thành việc nâng cấp, cải tạo, lắp đặt thiết bị tín hiệu tại 297 lối đi tự mở thành đường ngang. Tổng kinh phí thực hiện dự kiến là 750 tỉ đồng.
Việc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước cho hoạt động kinh tế đường sắt để thực hiện các công trình này ngay từ năm 2024 và hoàn thành trong năm 2025 là phù hợp với tiến độ thực hiện theo Quyết định phê duyệt Đề án của Thủ tướng Chính phủ.
"Công trình hoàn thành sớm sẽ xóa bỏ được 297 vị trí tiềm ẩn nguy cơ rất cao về mất ATGT, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương và đất nước", đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho hay.
Phan Trang