Cần sớm tháo gỡ khó khăn cho ngư dân đưa tàu cá vỏ thép lên bảo dưỡng định kỳ 

Hiện nay, nhiều chủ tàu cá vỏ thép đóng theo Nghị định 67 ở huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, đang gặp phải khó khăn, vì một số vướng mắc, bất cập trong hỗ trợ đưa tàu lên bảo dưỡng định kỳ.

Ông Võ Minh Bình (thôn 4, xã Gio Hải, Gio Linh), chủ tàu cá vỏ thép số hiệu QT 98777 cho biết, tàu của ông được hạ thủy từ 3-2016, đến nay đã quá 3 tháng phải lên đà bảo dưỡng theo định kỳ, nhưng chưa được Nhà nước hỗ trợ tiền theo qui định nên rất khó khăn.

Tìm hiểu được biết, tàu vỏ thép của ông Bình được đóng mới, với tổng kinh phí 14,1 tỉ đồng, trong đó ông được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Việt Nam (Agribank), Chi nhánh Quảng Trị cho vay 12,3 tỉ đồng (95% kinh phí đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ về hỗ trợ ngư dân đóng tàu cá vỏ thép và vỏ gỗ công suất lớn).

Chưa được hỗ trợ kinh phí, nhưng ông Võ Minh Bình quyết định đưa tàu cá vỏ thép của mình lên đà bảo dưỡng theo đúng định kỳ để đảm bảo an toàn vươn khơi.

Theo quy định của Nghị định 67, ngành Đăng kiểm tàu thủy, cũng như khuyến cáo về bảo dưỡng tàu của các cơ sở đóng tàu, thì sau 1 năm ra khơi, tàu phải được lên đà bảo dưỡng nhằm kiểm tra, phát hiện những hỏng hóc để sửa chữa, thay mới; vệ sinh máy móc, thay thế dầu mỡ… để cho con tàu hoạt động tốt trở lại và an toàn.

Kinh phí lên đà bảo dưỡng tàu hàng năm được Nhà nước hỗ trợ 1% của tổng mức kinh phí đóng mới tàu. Tuy nhiên, theo ông Võ Văn Thụ, Giám đốc Công ty TNHH đóng tàu Cửa Việt (trụ sở thôn Long Hà, xã Gio Việt, huyện Gio Linh), kinh phí trên chỉ đáp ứng được một nửa, so với kinh phí cần có để lên đà bảo dưỡng. 

Trở lại trường hợp của ông Bình, mặc dù chưa được hỗ trợ kinh phí, tàu hiện đã xuống cấp, hư hỏng nhiều chỗ cần phải sơn sửa, làm mới lại, nên ông đã phải tiếp tục vay mượn cho việc đưa tàu lên đà bảo dưỡng.

Tương tự, ông Đoạn Văn Dũng (khu phố 5, thị trấn Cửa Việt), chủ tàu cá vỏ thép công suất 822,9CV, số hiệu QT 90999 cho hay, tàu ông được đóng mới với tổng mức kinh phí 15,2 tỉ đồng.

Theo đó, ông được vay của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Chi nhánh Quảng Trị 95% tổng mức kinh phí đóng tàu này với thời hạn 16 năm, lãi suất ưu đãi 1% năm, trong đó năm đầu được miễn lãi suất.

Tàu được hạ thủy tháng 2-2016, nhưng cũng do chưa được hỗ trợ kinh phí nói trên, nên vừa qua ông đã phải tiếp tục vay mượn BIDV, Chi nhánh Quảng Trị, nhưng theo hình thức vay thương mại để phục vụ cho việc lên đà bảo dưỡng tàu của mình.

Ông Dũng nói: “Tôi vay thêm trên 200 triệu đồng cộng với số tiền vay trước đó để đóng mới tàu phải trả hàng tháng là quá lớn, nên hiện gia đình tôi gặp không ít khó khăn. Nhưng không vay thì tàu của mình không được lên đà bảo dưỡng, theo đó việc vươn khơi nếu tiếp tục là nguy hiểm, bởi vì nó tiềm ẩn nhiều rủi ro khó đoán”.  Trường hợp chủ tàu cá vỏ thép Nguyễn Văn Hóa (khu phố 6, thị trấn Cửa Việt) gặp khó khăn hơn.

Ông Hóa tâm sự: “Tàu tôi có công suất 822,8CV. Tôi đóng mới nó với tổng mức kinh phí 14,5 tỉ đồng, cũng được Agribank, Chi nhánh Quảng Trị cho vay 95% tổng mức kinh phí đóng mới này.

Tàu công suất lớn, nhưng hơn 1 năm qua vươn khơi, tôi không gặp được nhiều may mắn, nên ngoài việc phải xoay xở trả nợ ngân hàng hàng tháng, tôi không tích cóp được đồng nào cho việc phải lên đà bảo dưỡng tàu theo định kỳ.

Trong khi đó việc vay mượn thêm là không thể, việc tiếp tục vươn khơi với con tàu chưa được lên đà bảo dưỡng lại càng không yên tâm, nên hiện tại tôi đang phải neo tàu vào bờ…”.

Tìm hiểu vấn đề trên, ngày 10-8, lãnh đạo Sở NN-PTNN tỉnh Quảng Trị xác nhận, Sở đã nhận được một số đơn của ngư dân kiến nghị giải quyết việc hỗ trợ 1% kinh phí cho việc lên đà bảo dưỡng tàu cá đóng theo Nghị định 67.

Tuy nhiên, về công tác này, từ ngày 10-5-2017, Sở đã có Văn bản số 519/SNN-TS về việc thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP trong thời gian tới gửi UBND các huyện Gio Linh, Triệu Phong và Vĩnh Linh, trong đó có đôn đốc việc thực hiện chính sách duy tu, sửa chữa đối với tàu cá vỏ thép có công suất trên 400CV.

Do đó, trước hết, các địa phương nói trên phải chủ động công tác này nhằm kịp thời giúp đỡ bà con ngư dân. Sau khi có báo cáo từ các huyện, Sở NN-PTNN Quảng Trị sẽ trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt. Tiếp theo, Sở chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tỉnh thẩm định (thẩm định dự toán và mức kinh phí hỗ cho việc lên đà bảo dưỡng tàu), trình UBND tỉnh giải quyết.

Phan Thanh Bình
564 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 444
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 444
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76200522