Ngày 15/8, tại Hà Nội, Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình Chống lao Quốc gia phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội thảo hướng dẫn kiện toàn mô hình tổ chức đơn vị chống lao tuyến tỉnh cho 15 tỉnh chưa có bệnh viên chuyên khoa lao/bệnh phổi.
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế cho biết, mặc dù mô hình tổ chức chống lao tuyến tỉnh hiện nay đã có 48 bệnh viện chuyên khoa lao/bệnh phổi chịu trách nhiệm, tuy nhiên vẫn còn 15 tỉnh chưa có bệnh viện chuyên khoa gồm: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Quảng Bình, Phú Yên, Đắk Nông, Kon Tum, Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau. Đa số các tỉnh này đều rơi vào vùng khó khăn như: Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ… Đây là những đơn vị đang trong quá trình sát nhập theo mô hình Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (TTKSBT). Sự thay đổi này đang gây ra những biến động lớn về tổ chức, nhân lực và hiệu quả của công tác chống lao tại 15 tỉnh, khó bảo đảm cho công tác chống lao trên địa bàn tỉnh.
Hội thảo hướng dẫn kiện toàn mô hình tổ chức đơn vị chống lao tuyến tỉnh cho 15 tỉnh chưa có bệnh viên chuyên khoa lao/bệnh phổi. Ảnh: ĐT
“Trong 15 tỉnh, có một số tỉnh đã, đang xây dựng bệnh viện chuyên khoa lao/bệnh phổi, nhưng có một số đơn vị gần như bàn tay trắng, chưa có manh nha để làm việc gì cả. Họ vẫn đang lúng túng cả về kinh phí xây dựng, cơ cấu tổ chức và nếu có kinh phí rồi thì hoạt động ra sao”, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến băn khoăn.
Theo PGS. TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Giám đốc Chương trình chống lao quốc gia cho biết, trong 15 tỉnh chưa có bệnh viện chuyên khoa, hiện nay có 3 tỉnh có bệnh viện chưa đưa vào sử dụng, 8 tỉnh đã thành lập TTKSBT, 1 tỉnh có trạm chống lao và 3 tỉnh chưa có kế hoạch.
Về 8 tỉnh đã thành lập TTKSBT, PGS. TS Nguyễn Viết Nhung cho biết những trung tâm này không đáp ứng được vai trò của đơn vị đầu mối tuyến tỉnh trong Chương trình Chống lao quốc gia, đặc biệt là bảo đảm điều trị lao đa kháng thuốc; không có đủ nhân lực cho quản lý và triển khai công tác chống lao trên toàn tỉnh, thành phố.
Do đó, TS Nhung đã đưa ra một số đề xuất, trong đó đối với các tỉnh đã xây dựng bệnh viện lao/bệnh phổi thì tỉnh cần ưu tiên đầu tư cho xây dựng bệnh viện, đồng thời, sớm hoàn tất công trình và đưa vào sử dụng.
Còn đối với những tỉnh thành lập trạm/Trung tâm chuyên khoa lao và bệnh phổi có giường bệnh thì nên sát nhập khoa lao hiện tại với khoa lao của Bệnh viện đa khoa tỉnh.
Riêng đối với các tỉnh sát nhập trong Trung tâm kiểm soát bệnh tật cần thành lập khoa lao riêng hoặc khoa lao – HIV có chức năng quản lý, triển khai, giám sát hoạt động chương trình chống lao trong toàn tỉnh; phối hợp với bệnh viện đa khoa tỉnh để bảo đảm công tác điều trị bệnh lao tại tuyến tỉnh, bao gồm lao đa kháng thuốc.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 16/30 nước có gánh nặng về bệnh nhân lao cao nhất trên thế giới và xếp thứ 15/30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu. Bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai trong các bệnh nhiễm trùng, với khoảng 1,6 triệu người tử vong do lao.
Theo ước tính, năm 2017, Việt Nam có thêm 124.000 người mắc lao và có 12.000 người chết do lao. Cứ mỗi ngày trên thế giới lại có thêm 4.500 người chết bởi bệnh lao và gần 30.000 người mắc bệnh. Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững.
Chương trình chống Lao quốc gia Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được những thành tựu đáng kể. Trong 10 năm qua, dựa trên các nghiên cứu điều tra toàn quốc lần một năm 2007, lần hai năm 2017 và các nghiên cứu phụ trợ, bệnh lao ở Việt Nam đã giảm được 31%, trung bình 3,8% một năm. Những năm gần đây tốc độ giảm nhanh hơn, nhất là sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia phòng chống lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Đến nay Việt Nam đã làm chủ được các kỹ thuật phát hiện, chẩn đoán, điều trị với kết quả cao, đã xây dựng được một hệ thống mạng lưới mạnh từ Trung ương đến địa phương. Đây là một kết quả rất đáng mừng, nếu so sánh với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Điều này cho thấy hướng đi của Việt Nam hoàn toàn đúng và tiếp tục là mô hình điểm cho các nước có gánh nặng bệnh lao cao triển khai chiến lược chấm dứt bệnh lao của Tổ chức Y tế thế giới.
Nhưng để có thể đạt được mục tiêu tới năm 2030 phải cơ bản chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam như trong Nghị quyết Trung ương 6, Khoá XII đã đề ra thì cần phải có những hoạt động cụ thể, mạnh mẽ hơn nữa và cần sự vào cuộc của cả cộng đồng.
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho biết, Bộ Y tế sẽ ban hành văn bản gửi UBND và Sở Y tế của 15 tỉnh trên để thôi thúc cũng như hướng dẫn kiện toàn đơn vị chống lao tuyến tỉnh, làm cơ sở cho các tỉnh triển khai kiện toàn đơn vị chống lao tuyến tỉnh. Thực hiện được việc đó cũng là bảo đảm được quyền lợi sát sườn nhất của người dân của 15 tỉnh này. Làm sao để bệnh lao ngày càng được khống chế tốt, hạn chế được những trường hợp lao kháng thuốc, số người bị mắc bệnh lao mới, số người tử vong do lao năm sau giảm hơn năm trước./.
Đỗ Thoa