Cần sớm giải quyết những bất cập sau sáp nhập các trường học ở Quảng Trị 

Thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XII, sau khi sáp nhập các trường học, tỉnh Quảng Trị đã giảm 75 trường, hiện còn 422 trường.

Tuy nhiên, sau quá trình sáp nhập, hoạt động tại các trường bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập…

Vướng nhưng chưa thể gỡ

Tại Quảng Trị, việc sáp nhập trường học đã hoàn thành giai đoạn 1 trước khi khai giảng năm học 2018-2019, qua đó giảm được số lượng đầu mối đơn vị hành chính, đầu mối quản lý, tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, giảm chi ngân sách Nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công, góp phần cải cách chính sách tiền lương. Các trường sáp nhập đã hoàn thành các thủ tục quản lý, nhanh chóng ổn định tổ chức đi vào hoạt động. Song, thực tế hoạt động tại các trường sau sáp nhập đều gặp nhiều khó khăn, bất cập về công tác quản lý, việc tổ chức các hoạt động dạy và học cũng như về chế độ chính sách.

Chú thích ảnh

Nhiều trường học ở Quảng Trị phải thực hiện sáp nhập để tinh gọn bộ máy. Ảnh: moha.gov.vn

Trường Tiểu học Gio Phong và Trường Trung học cơ sở Gio Phong sáp nhập thành Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Gio Phong. Cô Lê Thị Tuyên, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Mặc dù trường đã sáp nhập nhưng hai điểm trường vẫn tổ chức các hoạt động riêng lẻ, ít tổ chức hoạt động chung được vì trái buổi và thời gian biểu giữa 2 cấp học. Cụ thể, học sinh Tiểu học có thời gian học mỗi tiết từ 37-40 phút còn học sinh Trung học cơ sở là 45 phút, giờ ra chơi cũng khác.

Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên mặc dù hỗ trợ nhau được một số môn như Tin học, Tiếng Anh, nhưng giáo viên khối Trung học cơ sở lại gặp nhiều khó khăn trong công tác giảng dạy theo phương pháp của học sinh tiểu học, do sự khác biệt trong tâm sinh lý lứa tuổi. Bên cạnh đó, các buổi sinh hoạt chuyên môn của nhà trường cũng được tổ chức riêng vì phương pháp và nội dung chương trình của 2 hệ khác nhau, không có sự hỗ trợ lẫn nhau. Việc sử dụng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, do tính đặc thù từng cấp học nên không thể trộn lẫn hoặc sử dụng chung…

Cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình sáp nhập, các giáo viên và học sinh Trường Trung học cơ sở Cửa Tùng đang nỗ lực không ngừng trong việc đảm bảo chất lượng dạy và học. Thầy Nguyễn Đăng Ánh, Phụ trách Trường Trung học cơ sở Cửa Tùng chia sẻ: Do sáp nhập Trường Trung học cơ sở Hùng Vương thuộc xã Vĩnh Tân và Trường Trung học cơ sở Cửa Tùng lại thành một trường, trong khi chính quyền địa phương vẫn chưa sáp nhập nên hiện tại trường vẫn chưa thuộc đơn vị hành chính địa phương của bên nào quản lý. Do đó, nhà trường gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý, điều hành, giao dịch tài chính. Vì vậy, kính mong UBND tỉnh khẩn trương sắp xếp, tạo điều kiện cho trường thuận lợi hơn trong công tác quản lý hành chính cũng như mua sắm cơ sở vật chất, phục vụ việc dạy và học…

Khó khăn của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Gio Phong và Trường Trung học cơ sở Cửa Tùng cũng là khó khăn chung của nhiều trường sau sáp nhập trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Hiện nay, tình trạng vừa thừa vừa thiếu vẫn đang diễn ra tại các trường. Về công tác quản lý sau khi sáp nhập, giáo viên Tổng phụ trách đội rất vất vả trong việc tổ chức hoạt động, theo dõi nền nếp học sinh, đặc biệt là việc tổ chức chào cờ đầu tuần, tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp của các điểm trường. Bên cạnh đó, việc bố trí tạm thời cán bộ quản lý Phụ trách trường (Hiệu trưởng) khiến công tác điều hành, quản lý và giao dịch tài chính gặp nhiều khó khăn.

Mặt khác, khi bố trí sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ quản lý cũng bất hợp lý do Hiệu trưởng vốn chỉ có chuyên môn sâu mỗi cấp học, nay được phân công quản lý cả hai cấp học, không tránh khỏi những bất cập trong quản lý, điều hành sao cho phù hợp. Đồng thời, vẫn còn tình trạng thừa giáo viên sau sáp nhập do chưa giảm được biên chế, một số giáo viên bộ môn dạy học ở cấp trung học cơ sở nhưng chưa thể nghỉ hưu hoặc chuyển sang giảng dạy ở bậc tiểu học.

Số lượng nhân viên Kế toán, Thư viện, Văn phòng cũng bị dôi dư, gây áp lực lớn cho Hiệu trưởng trong việc bố trí, phân công công việc tạm thời, vì không thể cho nghỉ việc hoặc thực hiện ngay việc cử đi đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với vị trí việc làm cần có của nhà trường… Về cơ sở vật chất cũng gặp tình trạng tương tự khi một số phòng chức năng, phòng thư viện, phòng truyền thống được đầu tư xây dựng kinh phí lớn, nhưng giờ lại thừa, không phát huy được hiệu quả…

Việc sáp nhập cần phù hợp với thực tiễn địa phương

Việc sắp xếp lại các trường học trên địa bàn tỉnh giúp giảm bớt bộ máy cồng kềnh, phát huy hiệu quả hoạt động - đây là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, quá trình thực hiện sáp nhập như thế nào, cần được nghiên cứu cụ thể và phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương.

Thầy Lê Thanh Hải, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Linh cho biết: Thực hiện kế hoạch của Tỉnh ủy và Đề án của UBND tỉnh, huyện Vĩnh Linh quyết tâm thực hiện tốt công tác sáp nhập trường học trên địa bàn. Hiện nay, huyện đã sáp nhập được 16 đơn vị, giảm được 19 đầu mối. Việc sáp nhập đến nay đã hoàn thành, các trường đã đi vào hoạt động bình thường. Tuy nhiên, sau sáp nhập các trường đang gặp nhiều khó khăn do việc giải quyết chế độ, chính sách liên quan đến bảo hiểm, tiền lương, phụ cấp cho cán bộ quản lý.

Đặc biệt, tại các trường có nhiều điểm trường hoặc các trường có 2 cấp học gặp nhiều khó khăn. Giáo viên rất vất vả khi phải lien tục di chuyển đến các điểm trường xa nhau, khó đảm bảo chất lượng dạy học. Tâm sinh lý của học sinh 2 cấp học cũng khác nhau... Hiện nay, việc họp hội đồng hay sinh hoạt chuyên môn gặp khó khăn khi phải điều động từ nhiều điểm trường về họp tập trung, chưa đủ điều kiện cơ sở vật chất, nội dung họp chuyên môn cũng khác nhau...

Hiện nay, các trường sau khi sáp nhập đang tập trung khắc phục khó khăn, đảm bảo duy trì chất lượng dạy và học. Ngành giáo dục Quảng Trị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích cho cán bộ, giáo viên hiểu rõ mục đích của chủ trương sát nhập các trường học.

Thầy Ngô Thanh Hải, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gio Linh đề xuất: UBND tỉnh Quảng Trị cần sớm ban hành quy chế đề bạt, bổ nhiệm hay thi tuyển đối với các chức danh quản lý như phó hiệu trưởng, hiệu trưởng của các trường, để ổn định tâm lý cũng như giải quyết chế độ chính sách kịp thời cho cán bộ quản lý của các trường. Vấn đề này nên giao cho các huyện căn cứ tình hình thực tế của từng trường để bổ nhiệm sao cho phù hợp. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sớm có văn bản chỉ đạo cụ thể về việc xây dựng các tiêu chí, các hoạt động giảng dạy...

Bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cho biết: Đến nay, việc sáp nhập các trường được thực hiện đúng theo lộ trình kế hoạch đề ra, các trường đã đi vào hoạt động tương đối ổn định. Trong quá trình sáp nhập còn gặp nhiều khó khăn về việc giải quyết cán bộ dôi dư, việc thực hiện nhiệm vụ đối với môi trường trường học mới và về việc chỉ đạo điều hành các hoạt động chuyên môn ở các đơn vị trường học...

Trước những khó khăn bất cập còn tồn tại trong quá trình tổ chức thực hiện, trong thời gian tới, ngành giáo dục tỉnh Quảng Trị tập trung chỉ đạo thực hiện tốt hơn nữa một số nội dung trong việc phối hợp với Sở Nội vụ cũng như UBND các địa phương để rà soát, sắp xếp sớm ổn định bộ máy cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ở các đơn vị trường học. Đồng thời, tỉnh tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình, những khó khăn, vướng mắc, bất cập sau sáp nhập, từ đó đưa ra những phương án giải quyết kịp thời.

Thanh Thủy (TTXVN)

655 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1252
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1252
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76398079