Hiện nay, EU là một trong hai thị trường xuất khẩu mặt hàng gỗ quan trọng nhất của Việt Nam. Mặc dù có một số biến động trong năm 2016, nhưng theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam đạt được từ EU trong năm này đạt 720,5 triệu USD, gần tương đương với mức 732,1 triệu USD năm 2015. Kim ngạch xuất khẩu ba tháng đầu năm 2017 đạt gần 221 triệu USD.

Để xuất khẩu gỗ sang EU, gỗ nguyên liệu nhập khẩu có vai đặc biệt quan trọng đối với các mặt hàng gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Riêng EU là đối tượng mà các mặt hàng gỗ xuất khẩu sang đòi hỏi khắt khe về tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu. Theo đó, quy định rất nghiêm ngặt về tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu. 

Để đáp ứng được các yêu cầu này, nguồn nguyên liệu gỗ sử dụng để tạo các mặt hàng gỗ thường là các sản phẩm gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC và là các nguồn gỗ được nhập khẩu từ các nguồn được coi là không có rủi ro, trong đó bao gồm nguồn cung từ chính các quốc gia này. Rất hiếm các mặt hàng được xuất khẩu sang thị trường này có sử dụng gỗ nguyên liệu có nguồn gốc không rõ ràng hoặc từ các nguồn được coi là có độ rủi ro cao.

Mới đây, Chính phủ Việt Nam và EU đã hoàn tất đàm phán và ký tắt Hiệp định VPA/FELGT (Hiệp định Đối tác Tự nguyện về Thực thi Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại Lâm sản). Theo Hiệp định VPA/FLEGT, các lô gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ phải có giấy phép FLEGT để chứng minh tính hợp pháp. Việt Nam sẽ xây dựng Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (VNTLAS) để đảm bảo rằng gỗ và các sản phẩm gỗ xuất khẩu có nguồn gốc hợp pháp, bao gồm các hệ thống xác minh gỗ nhập khẩu đã được khai thác và mua bán hợp pháp phù hợp với các quy định có liên quan tại nước khai thác. VNTLAS sẽ quy định việc kiểm tra thủ tục và tính tuân thủ pháp luật nhằm đảm bảo rằng gỗ bất hợp pháp hoặc có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng không được tham gia vào chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, khát khao xây dựng thương hiệu và hình ảnh của ngành và các cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về một nền lâm nghiệp bền vững, thể hiện qua các cam kết như VPA/FLEGT hiện đang đối mặt với một số khó khăn, trong đó bao gồm khó khăn gây ra bởi nguồn nguyên liệu được coi là có độ rủi ro cao được nhập khẩu vào Việt Nam. Nguồn gỗ nhập khẩu này có thể đáp ứng đầy đủ các yêu cầu hiện nay của chính phủ Việt Nam về tính pháp lý, tuy nhiên, các bằng chứng về tính pháp lý của các nguồn nguyên liệu này không đủ mạnh để có thể thuyết phục cộng đồng quốc tế, bao gồm cả các quốc gia có mối quan hệ thương mại gỗ quan trọng với Việt Nam như EU về tính hợp pháp của nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Những băn khoăn, lo lắng của cộng đồng quốc tế về độ an toàn của các chuỗi cung trực tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu và hình ảnh của ngành Gỗ Việt.

Thực tế hàng năm, lượng gỗ nguyên liệu được nhập khẩu vào Việt Nam lên tới trên 4 triệu m3 gỗ quy tròn với xu hướng tăng giai đoạn 2013-2015 và giảm nhẹ năm 2016. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2016, tổng lượng gỗ Việt Nam nhập khẩu gỗ tròn và xẻ gồm 4,5 triệu m3, trong quý I/2017 lượng nhập khẩu là 1,3 triệu m3.

Mỗi năm các doanh nghiệp gỗ Việt Nam bỏ ra trên 500 triệu USD để nhập khẩu trên 1 triệu m3 gỗ tròn, từ trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, với số lượng loài đa dạng, giao động từ 150-200 loài. Đồng thời, mỗi năm các doanh nghiệp Việt Nam bỏ ra khoảng 800 triệu – 1,2 tỉ USD để nhập khoảng trên dưới 2 triệu m3 gỗ xẻ vào Việt Nam. Lượng gỗ này được cung bởi khoảng 80-90 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau với tổng số 150 loài. Với nguồn cung gỗ đa dạng về loài và từ nhiều quốc gia khác nhau gây khó khăn không nhỏ trong việc chứng minh tính hợp pháp của các sản phẩm gỗ nguyên liệu. Và với việc thực thi Hiệp định VPA/FLEGT, điều này càng đòi hỏi những nỗ lực lớn của ngành gỗ Việt Nam trong việc đảm bảo tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu.

Tham gia và kí kết VPA/FLEGT, Chính phủ Việt Nam gửi đi một thông điệp quan trọng đến cộng đồng quốc tế về một nền quản trị lâm nghiệp Việt Nam bền vững trong tương lai. Ngành công nghiệp chế biến gỗ, với vai trò trung tâm trong thực hiện VPA sẽ được hưởng lợi trong việc xây dựng hình ảnh và thương hiệu của mình từ thông điệp này.

Vì vậy, theo ý kiến của các chuyên gia, thực hiện VPA/FEGLT đang đòi hỏi ngành gỗ Việt Nam cần loại bỏ nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu có rủi ro cao. Đây là nhu cầu cấp bách của ngành gỗ, giúp cho việc duy trì và phát triển hình ảnh và thương hiệu của ngành. Loại bỏ các chuỗi cung này cũng hoàn toàn nằm trong cam kết của Chính phủ về một nền quản trị lâm nghiệp có trách nhiệm, không chỉ trong khuôn khổ quốc gia mà còn cả trong mối quan hệ thương mại với các quốc gia cung gỗ nguyên liệu cho Việt Nam và các quốc gia tiêu thụ các mặt hàng gỗ của Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, nhằm giảm tác động tiêu cực của việc loại bỏ gỗ nhập khẩu có nguồn gốc rủi ro cao, thực thi hiệu quả Hiệp định VPA/FLEGT, Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần công bố và có Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện Hiệp định trong thời gian sớm. Thông qua đó nhằm để các doanh nghiệp hiểu biết sâu hơn về Hiệp định cũng như chuẩn bị chiến lược phát triển trong bối cảnh mới.

Cùng với đó, cần tổ chức tập huấn cho các đối tượng liên quan, bởi thực hiện VPA/FLEGT không chỉ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp chế biến gỗ mà còn liên quan đến doanh nghiệp trồng rừng, đặc biệt là hội trồng rừng, thương lái, các công ty thương mại, công ty xuất khẩu. Vì vậy, cần thực hiện đồng bộ nhằm các bên đều cùng biết về cùng một nội dung thực hiện.

Cũng theo ông Nguyễn Tôn Quyền, đối với nhà nước, các bộ và ngành liên quan cần thống nhất trong cùng quan điểm. Khi thông tư hướng dẫn được đưa ra, với việc quy định về gỗ hợp pháp, các cơ quan chức năng như lâm nghiệp, lực lượng kiểm lâm, hải quan và tài chính,…cũng cần thống nhất về quá trình thực hiện. Riêng đối với các doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Tôn Quyền, cần xây dựng quy trình thu mua nguyên liệu chi tiết nhằm đảm bảo xác minh nguồn gốc hợp pháp của gỗ, chất lượng gỗ,…Đồng thời xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn gỗ được mua nhằm tránh việc trộn lẫn với các sản phẩm khác./.

BT