Cần quy định cụ thể điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở 

(ĐCSVN) - Trước tình hình cháy, nổ diễn biến phức tạp tại khu dân cư trong thời gian qua, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cần quy định cụ thể điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở, nhà ở kết hợp kinh doanh.

 

Những năm qua, tình hình cháy, nổ có chiều hướng diễn biến phức tạp, khó lường, liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản. Trong đó, số vụ cháy gây thiệt hại về người tại nhà ở hộ gia đình chiếm tỷ lệ cao, đặc biệt là các nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh. Điển hình như vụ cháy nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ xảy ra vào ngày 12/9/2023 tại phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội làm 56 người chết và gần đây là vụ cháy nhà ở cho thuê trọ xảy ra vào ngày 24/5/2024 tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội làm 14 người chết; vụ cháy nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh xảy ra vào ngày 16/6/2024 tại phường Định Công, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội làm 04 người chết.

Thực tế cho thấy, một trong những vướng mắc, bất cập trong thời gian qua là yêu cầu phòng cháy đối với nhà ở và khu dân cư chưa chặt chẽVì vậy,  đòi hỏi cấp thiết là phải sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy hiện hành để kịp thời tạo cơ sở pháp lý nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy trong thực tiễn.

Dự Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ quy định điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở. (Ảnh: Kim Thanh) 

Để khắc phục hạn chế, dự Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trình tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vừa qua đã quy định về phòng cháy đối với nhà ở tại Điều 17. Cụ thể, dự Luật nêu hàng loạt điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở: Hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng phải bảo đảm an toàn phòng cháy; chất dễ cháy, nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; có giải pháp thoát nạn; chuẩn bị thiết bị, phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phù hợp với khả năng, điều kiện thực tế để sẵn sàng chữa cháy, thoát nạn.

Đối với loại hình nhà ở có quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật bảo đảm an toàn phòng cháy thì thực hiện theo quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng…

Cần quy định rõ điều kiện phòng cháy đối với loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh

Bàn về vấn đề này, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị) cho rằng, chưa bao giờ “giặc hỏa”, cháy xảy ra tàn khốc như thời gian gần đây. Nguy cơ cháy vô cùng lớn từ các khu nhà trọ, nhà ở, nhà ống, ngõ hẹp, sâu trong thành phố, từ vũ trường, nhà hàng, karaoke với nhiều kiểu cháy khó lường. “Lâu nay, chúng ta ít quan tâm đầy đủ đến việc phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở của người dân. Các quy định của pháp luật dường như chỉ dừng lại ở sự khuyến nghị, khuyến cáo, không thấy các quy phạm có tính bắt buộc. Vì vậy, người dân không sẵn sàng trong công tác phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn; tư tưởng chủ quan, đơn giản vẫn là phổ biến trong nhân dân về phòng cháy, chữa cháy”, đại biểu chia sẻ.

Do đó, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị dự thảo Luật này cần tiếp cận, nghiên cứu kỹ, sâu, đầy đủ, cụ thể hơn về công tác phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở của người dân; xác lập các quy định trang bị cơ sở vật chất, nguyên tắc ứng xử, hành động của người dân về phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn một cách cụ thể và có tính bắt buộc. “Đã đến lúc cần có một cuộc cách mạng, một phong trào quần chúng sâu rộng, liên tục, bền vững và hiệu quả, được tổ chức thực hiện bằng hành lang pháp lý quyết liệt hơn về phòng cháy, chữa cháy”, đại biểu nêu rõ.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng, quy định về phòng cháy nhà ở và quy định về trang bị đối với cơ sở hộ gia đình, phương tiện giao thông cơ giới cần thiết kế xứng tầm hơn, cụ thể hơn theo hướng yêu cầu trang bị đầy đủ phương tiện, tất nhiên phải phù hợp với tình hình nguy cơ cháy, nổ.

Đại biểu Trần Thị Thu Phước (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum) nêu thực tế, một trong những vấn đề vướng mắc, bất cập thời gian qua là vẫn xảy ra tình trạng xây dựng các công trình nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ không tuân thủ quy định của pháp luật như: Xây dựng không theo quy hoạch, không phép, sai phép, không bảo đảm các quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy, nhất là tự ý thiết kế nâng tầng, bố trí nhà ở thành nhiều căn hộ hoặc ngăn phòng nhằm mục đích kinh doanh... Điều này dẫn đến rất nhiều hệ lụy, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố, mất an toàn cho công trình.

Tuy nhiên, để khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên, đại biểu Trần Thị Thu Phước cho rằng, việc bảo đảm cho người và tài sản trong quá trình khai thác, sử dụng không phải là vấn đề đơn giản, có trường hợp phải đập đi xây lại mới đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật. Một số quy chuẩn, tiêu chuẩn bắt buộc theo quy định hiện hành quá cao, chưa thực sự phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Trước tình hình trên, đại biểu nhận thấy, dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã bổ sung nhiều quy định để giải quyết các công trình hiện hữu chưa bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy, giao các Bộ, ngành tham mưu Chính phủ có giải pháp cụ thể, giải pháp bổ sung, giải pháp thay thế cho các quy định hiện hành để tháo gỡ từng nhóm công trình theo hướng tiết kiệm nhất cho chủ cơ sở nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho người và tài sản.

Đại biểu Trần Thị Thu Phước phát biểu. (Ảnh: QH)

Dự thảo Luật lần này cũng đã bổ sung điều kiện cơ bản bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh như hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng phải bảo đảm an toàn phòng cháy, chất dễ cháy, nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt... Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cho thấy, đã có nhiều vụ cháy nhà dân gây những hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản, nguyên nhân chính xuất phát từ ý thức của người dân trong công tác phòng cháy và chữa cháy tại chính ngôi nhà của mình, trong đó có nhiều vụ cháy xảy ra trong đêm khi cả gia đình đang ngủ hoặc lúc không có người lớn ở nhà, nếu được cảnh báo kịp thời thì hậu quả có thể đã không xảy ra.

Do đó, đại biểu Trần Thị Thu Phước đề nghị dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của người dân, phải lắp đặt các phương tiện thiết bị báo động chữa cháy trong nhà như thiết bị báo cháy, báo khói, khuyến khích lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động hoặc có thể kích hoạt từ xa thông qua các thiết bị điều khiển thông minh... Đồng thời, nghiên cứu xây dựng hệ thống dữ liệu, khuyến khích người dân chia sẻ dữ liệu từ các thiết bị báo cháy gia đình lên hệ thống cơ sở dữ liệu chung của cơ quan chức năng để làm tốt công tác cảnh báo kịp thời, chữa cháy hiệu quả, không để đám cháy lan rộng.

Phải có quy chuẩn kỹ thuật riêng với nhà ở thành thị và nông thôn

Về quy định phòng cháy đối với nhà ở tại Điều 17, đại biểu Vũ Thị Liên Hương (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi) cho rằng, cần bổ sung thêm một khoản quy định điều kiện phòng cháy cao hơn đối với các đô thị có mật độ dân cư cao để làm sao hạn chế thấp nhất thiệt hại, nhất là thiệt hại về người. “Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ cháy gây hậu quả thương tâm, hệ lụy là do quá trình đô thị hóa, nhu cầu nhà ở và kinh doanh đã bỏ qua các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy”, đại biểu nhấn mạnh.

Tham gia đóng góp ý kiến, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông) nêu rõ, cháy đã trở thành một từ khóa không mấy khó tìm trên các trang thông tin và mạng xã hội như cháy, lại cháy và đâu đó lại đang cháy. Cháy có rất nhiều nguyên nhân nhưng trong một số trường hợp cháy thì nạn nhân không biết chạy đi đâu và cũng không thể chạy được, bởi bao quanh là khung sắt hay còn gọi là chuồng cọp, cháy mà không chạy được thì đồng nghĩa với chết. “Đây là một thực trạng rất đau lòng xảy ra trong thời gian vừa qua ở rất nhiều nơi, với rất nhiều cấp độ khác nhau và không đâu xa ngay tại Thủ đô Hà Nội” – ông chia sẻ.

Đại biểu đánh giá, dự thảo Luật hiện chưa có các quy định cụ thể về điều kiện bảo đảm phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở, đặc biệt nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh. Theo đại biểu, khi đưa ra các quy định cụ thể cần phải có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật riêng đối với nhà ở thành thị và nhà ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa để đảm bảo thi hành trong thực tiễn.

Đại biểu cũng đề nghị cần làm rõ hơn về tính khả thi, giải pháp ngăn cháy giữa khu vực nhà để ở với khu vực kinh doanh. Đặc biệt, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị cần điều tra, khảo sát, đánh giá tác động một cách cụ thể, kỹ lưỡng, nhất là đối với loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh để quy định một cách chặt chẽ, đảm bảo khả thi trong quá trình thực hiện Luật./.

 
TG
94 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 896
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 897
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87079289